dd/mm/yyyy

"Làm nương" trên mặt hồ Sông Đà

Tận dụng lợi thế diện tích mặt nước vùng lòng hồ rộng lớn, các hộ dân ở xã Chiềng Bằng đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng. Người dân nơi đây nói vui, so với nghề làm nương trên đồi, trên núi như trước đây thì nghề “làm nương” trên mặt nước sông Đà cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Lò Văn Khặn, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thuỷ sản Chiềng Bằng, bản Co Trặm (xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La), cho biết: "Năm 2010, sau khi được cấp uỷ, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động tham gia HTX, tôi cùng với 17 hộ dân khác đứng ra thành lập HTX Thuỷ sản Chiềng Bằng để nuôi cá lồng". 

Nghề nuôi cá lồng ở Chiềng Bằng - Ảnh 1.

Mô hình nuôi cá lồng cho hiệu quả kinh tế cao của HTX Thuỷ sản Chiềng Bằng.

Ban đầu, do còn khó khăn về vốn, HTX Thuỷ sản Chiềng Bằng làm lồng nuôi cá bằng cây tre. Năm 2012, để có vốn đầu tư mở rộng sản xuất, các thành viên trong HTX đã tìm đến Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện Quỳnh Nhai vay 1 tỷ đồng. Sau nhiều năm nuôi cá lồng, đến nay đa phần các thành viên trong HTX đã trả cả gốc lẫn lãi cho ngân hàng và bắt đầu làm ăn có lãi.

Đến nay, số thành viên HTX đã tăng lên 46 người. Ngoài ra, số lồng cá tăng từ 281 lồng (năm 2012) lên 962 lồng cá. HTX chủ yếu nuôi các loại cá, như: Cá lăng nha, lăng đen, cá trắm, cá chép và rô phi.

Nghề “làm nương” trên mặt nước ở Chiềng Bằng - Ảnh 2.

Nhờ nuôi cá lồng, trung bình mỗi tháng 1 thành viên HTX Thuỷ sản Chiềng Bằng có thu nhập từ 5 - 10 triệu đồng.

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá lồng, ông Khặn cho biết: "Lồng cá nên đặt ở vùng thung lũng, ở chỗ khuất để tránh được gió, bão. Lồng đặt cách xa bờ từ 15 mét – 20 mét, mực nước sâu khoảng 20 mét, cá mới phát triển tốt. Không đặt lồng ở gần khe suối, mảnh nương, tránh mưa cuốn thuốc trừ cỏ xuống lồng làm cá chết.

Mỗi tuần, phải giặt, vệ sinh lồng cá từ 2 – 3 lần. Khi cho ăn, quan sát kỹ từng lồng để biết cá ăn khoẻ hay yếu, có bị dịch bệnh không. Từ đó, có hướng xử lý kịp thời, tránh được việc lây lan dịch bệnh sang các lồng khác. Để phòng bệnh cho cá, chúng tôi không dùng thuốc mà dùng tỏi, lá xoan và vôi. Cụ thể: Tỏi trộn với thức ăn, mỗi lồng đặt 1 túi vôi khoảng 1kg và một nắm lá xoan. Với cách làm này, cá phát triển tốt, các thành viên có nguồn thu ổn định".

Nghề “làm nương” trên mặt nước ở Chiềng Bằng - Ảnh 3.

Để cá lồng phát triển tốt, người dân Chiềng Bằng dùng lá xoan buộc vào lồng cá.

Theo ông Khặn, khâu quan trọng nhất để nuôi cá lồng là nguồn nước phải sạch và giống phải tốt. HTX Thuỷ sản Chiềng Bằng luôn nhập giống cá từ các trại uy tín ở tỉnh Bắc Ninh về nuôi. 

Hiện, HTX Thuỷ sản Chiềng Bằng đang nuôi 450 lồng cá lăng, trên 350 lồng cá trắm. Các lồng còn lại nuôi cá chép, rô phi. Đầu ra chủ yếu là thương lái ở trong tỉnh và một số tỉnh bạn lân cận. Mỗi năm, HTX Thuỷ sản Chiềng Bằng xuất bán từ trên 150 tấn cá các loại ra thị trường. Doanh thu HTX đạt trên 10 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí, lãi trên 5 tỷ đồng. Mỗi thành viên tham gia HTX có thu nhập từ 150 đến 200 triệu/mỗi năm.

Nghề “làm nương” trên mặt nước ở Chiềng Bằng - Ảnh 5.

Khoảng 5 năm trở lại đây, nghề nuôi cá lồng ở xã Chiềng Bằng đã và đang ngày càng phát triển.

Ông Lò Văn Phúc – thành viên HTX Thuỷ sản Chiềng Bằng, chia sẻ: "Ban đầu, gia đình tôi cùng với hộ ông Lò Văn Khặn nuôi thí điểm 1 cá lồng đầu tiên bằng khung tre. Sau một thời gian nuôi thí điểm, cá nuôi trên lòng hồ phát triển rất tốt. Sau đó, chúng tôi đến Agribank huyện Quỳnh Nhai vay vốn mua lồng sắt và cá giống về nuôi.

So với nuôi cá ao như trước đây, nuôi cá lồng cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần. Hiện, gia đình tôi có 10 lồng cá. Trong đó, 2 lồng nuôi cá trắm, 4 lồng nuôi cá lăng, còn lại là chép và rô phi. Trung bình, mỗi một lồng cá cho thu nhập từ 18 – 20 triệu đồng/năm. 

Trước kia, khi vùng lòng hồ thuỷ điện chưa tích nước, người dân chúng tôi chủ yếu làm ruộng; trồng ngô, sắn nên thu nhập rất thấp, mỗi năm chỉ đạt 15 – 20 triệu đồng. Sau khi chuyển sang nuôi cá lồng, mỗi năm thu nhập từ 120 – 200 triệu đồng", 

Nghề “làm nương” trên mặt nước ở Chiềng Bằng - Ảnh 6.

Mô hình nuôi cá lồng cho đem lại hiệu quả kinh tế cao nên thu hút được nhiều hộ dân tham gia.

Cuối năm 2018, sản phẩm cá lồng của HTX Thuỷ sản Chiềng Bằng đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đến tháng 2/2019, HTX được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La trao giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "cá sông Đà Sơn La" cho sản phẩm cá sông Đà của tỉnh Sơn La. Đây là điều kiện thuận lợi để HTX tạo dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

"Sau khi được cấp chứng nhận VietGAP, sản phẩm cá của HTX đã được nhiều khách hàng biết đến. Nhờ đó, đã góp phần khẳng định được chất lượng và thương hiệu cá sông Đà của tỉnh Sơn La. Mặt khác, các thành viên trong HTX đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường nước, tạo ra sản phẩm an toàn cho khách hàng", ông Khặn bảo vậy.

Nghề “làm nương” trên mặt nước ở Chiềng Bằng - Ảnh 7.

Một con cá chép nặng khoảng 5kg của HTX Thuỷ sản Quyết Bằng.

Theo ông Lò Văn Bằng, Giám đốc HTX Thuỷ Sản Quyết Bằng, xã Chiềng Bằng, HTX có 140 lồng cá, chủ yếu nuôi cá lăng. Thức ăn của cá lăng là cá tép nhỏ có sẵn ở vùng lòng hồ. Nguồn nước sạch, mực nước sâu nên cá nuôi ở đây phát triển rất tốt. Bà con chỉ cần làm tốt khâu phòng bệnh thì có thể làm giàu từ nghề nuôi cá lồng này.

Ông Mè Văn Phái – Chủ tịch UBND xã Chiềng Bằng, thông tin: "Hiện nay, trên địa bàn xã Chiềng Bằng có 18 HTX nuôi thuỷ sản với trên 7.000 lồng cá. Trong đó, HTX Thuỷ sản Chiềng Bằng là một trong những HTX có quy mô lớn nhất. HTX chủ yếu nuôi cá lăng, cá trắm, cá rô phi, cá chép. Nhờ nuôi cá lồng theo hướng VietGAP, sản phẩm của HTX được nhiều khách hàng biết đến. Mỗi năm, HTX xuất ra thị trường hàng trăm tấn cá các loại và đạt doanh thu hàng tỷ đồng. Qua đó, các HTX nuôi cá lồng đã góp phần giúp cấp uỷ, chính quyền xã giải quyết được bài toán thu nhập và việc làm trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. 

Tuệ Linh