Lâm Đồng: Trồng cây đô la lạ mắt cắt cành bán, ông nông dân này thu cả trăm triệu đồng

Thứ tư, ngày 16/06/2021 06:00 AM (GMT+7)
Giữa đất cà phê Tà Nung (tỉnh Lâm Đồng), có một nông dân đã mở hướng đi mới với việc trồng cây cảnh lá, chuyên trồng cây đô-la cắt cành bán phục vụ cắm hoa. Không chỉ trồng, anh còn tổ chức làm giống cây đô la, bao tiêu sản phẩm cho nông hộ khác.
Bình luận 0

Đường đi vào khu suối Nước Trong, xã Tà Nung, thành phố Đà Lạt rất khó đi, chiếc xe máy phải cần tay lái vững vàng lắm mới vượt qua được những khúc quanh vốn chuyên dành cho xe máy cày. Nhưng chỉ đến gần khu vườn xanh một màu bàng bạc, đã ngửi thấy hương tinh dầu nồng nàn trong nắng tháng 5 Tây Nguyên.

Lâm Đồng: Trồng cây đô la lạ mắt cắt cành bán, ông nông dân này thu cả trăm triệu đồng - Ảnh 1.

Cil Ha Phước, xã Tà Nung, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng trong vườn trồng cây đô-la.

Cil Ha Phước, chủ vườn hào hứng giới thiệu vườn đô-la của anh: “Vườn đô-la này em trồng từ hơn 2 năm trước với diện tích ít, giờ mở rộng thêm để đủ lá cung cấp cho thị trường. Hiện ngoài cắt lá từ vườn nhà, em còn thu mua lá của bà con trong xã, mua của cả bà con bên xã Mê Linh, Lâm Hà”. 

Có thể nói, Cil Ha Phước hiện là đầu mối thu mua cây đô-la lớn cho bà con vùng Tà Nung và Mê Linh ở lân cận.

Cây đô-la vốn là tên bà con gọi giống cây bạch đàn guinii, một giống bạch đàn có nguồn gốc châu Úc, rất được ưa chuộng trong ngành cắm hoa bởi dáng lá đẹp, màu xanh bạc khá đặc biệt và hương thơm tinh dầu dễ chịu. 

Được giới thiệu giống mới, năm 2019 Ha Phước xuống giống 1 sào đô-la và hiện những cây trồng từ giai đoạn ấy đã cao tới 3-4 m. Nhận thấy hiệu quả kinh tế, người nông dân trẻ tiếp tục mở rộng diện tích. 

Anh chia sẻ: “Đất này em vốn trồng cà phê, trồng bơ. Nhưng do đất khá dốc, cây cà phê cũng không hiệu quả lắm nên em chuyển dần sang trồng các loài cây lấy lá như đô-la và đang thử nghiệm một số cây khác như tùng lá kiếm”. 

Theo Ha Phước, cây đô-la dễ trồng, dễ chăm, giá thị trường cũng khá ổn định, là cây trồng cho bà con thu hoạch hàng tuần, có nguồn thu thường xuyên phục vụ đời sống kinh tế gia đình. Chỉ với 3 sào đất trồng đô-la, Phước cho biết thu nhập trung bình 150 triệu đồng/năm, cao hơn cà phê nhiều, đồng thời đầu tư ít, chi phí không cao.

Cil Ha Phước chia sẻ, cây đô-la thường được nhân từ hạt, sau khi cao chừng 30-40 cm thì đưa ra vườn, có cọc cắm để cây không ngã đổ. Chăm tốt, nước tưới đầy đủ thì chỉ 4 tháng là cây đô-la cao ngang đầu người, có thể cho thu hoạch. 

Khi cây phân cành, cần ngắt đọt để cây đô la nuôi cành. Khi cành “đứng đọt”, tức là già, cứng thì có thể thu hoạch. 

Giá bán cành cây đô la hiện tại từ 80.000-120.000 đồng/kg tùy size, tùy chất lượng, nếu trồng 1 sào cũng có thể cho thu hoạch 4-5 triệu đồng mỗi tháng. 

Tuy nhiên, Ha Phước cũng đánh giá: “Khi thu hoạch phải chú ý chất lượng cành, cành phải già mới cắt sẽ cắm được lâu, màu đẹp, mùi thơm. Nếu cắt cành non, cắm nước sẽ bị gục, chất lượng kém”. 

Là người thu mua, Ha Phước phân loại rất kỹ, cành đơn được các công ty nước ngoài chuộng, giá cao hơn cành có nhánh. 

Thị trường phía Bắc ưa cây đô-la lá nhỏ, thị trường phía Nam ưa cây lá lớn, cây lá nhỏ có giá cao hơn cây lá lớn 30 ngàn đồng/kg. Hiện ngoài lượng cành đô-la của vườn nhà, hàng ngày Cil Ha Phước còn thu mua từ 30-50 kg cành đô-la của bà con để cung cấp cho các doanh nghiệp, các cửa hàng cắm hoa.

Hiện Cil Ha Phước có tới 3 ha đất canh tác do anh mua từ từ, góp dần từ mảnh đất ban đầu. Cil Ha Phước chia sẻ kinh nghiệm làm ăn với bà con theo công thức: đa canh trên một diện tích đất. 

Theo Ha Phước, trồng đa cây có hiệu quả hơn độc canh, nhất là bà con Tà Nung thường độc canh cà phê. Theo anh, trồng nhiều loại sẽ mang lại thu nhập an toàn cho người nông dân, cây này không có thu, cây khác sẽ bù đắp. 

Vì vậy, ngoài trồng cây đô-la và một số cây lấy lá khác, Ha Phước còn trồng cà phê xen bơ, trồng chuối, trồng khoai môn…, cho thu nhập rất ổn định, không phụ thuộc vào một loại cây nhất định.

Chị Liêng Hót Thái Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tà Nung (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) nhận xét, Cil Ha Phước là một nông dân rất nhanh nhạy, biết nắm bắt nhanh chóng xu thế của thị trường. Anh còn là nông dân nhiệt tình với cộng đồng, đóng góp kinh phí mở rộng đường vào khu sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm cho bà con nông dân xung quanh. Làm ăn giỏi, nhiệt tình với bà con, Cil Ha Phước thực sự là một nông dân trẻ xuất sắc của vùng đất Tà Nung.

Diệp Quỳnh (Báo Lâm Đồng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem