dd/mm/yyyy

Làm đống nghề, Chi hội trưởng Hội Nông dân “bỏ túi” 900 triệu đồng

Người xưa thường quan niệm “Một nghề thì sống, đống nghề thì chết", nhưng đối với ông Nguyễn Văn Sử, Chi hội trưởng Hội Nông dân bản Nghĩa Hưng thì lại khác. Từ trang trại phát triển kinh tế tổng hợp, mỗi năm, ông Sử “bỏ túi” 900 triệu đồng.

Bắt đất sỏi đá "nhả vàng"

Trang trại của ông Nguyễn Văn Sử ở bản Nghĩa Hưng (xã Mường Cơi, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La). Đây là trang trại phát triển kinh tế tổng hợp, gồm: Trồng cây ăn quả, trồng lan rừng và nuôi dúi.

Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, ông Sử kể: "Trước đây, bản Nghĩa Hưng chỉ là vùng đất đồi sỏi đá. Người dân chủ yếu trồng cây ngô, hoa màu nên cuộc sống mãi không khấm khá lên được. Sau nhiều đêm nằm trăn trở suy nghĩ tìm hướng đi mới, tôi đã xách ba lô tìm đến các trang trại làm kinh tế giỏi trong và ngoài tỉnh để học hỏi. Mong muốn của tôi là tìm được cây trồng mới có giá trị kinh tế cao cho bà con canh tác để đánh thức vùng đất sỏi đá này".

Làm đống nghề, Chi hội trưởng Hội Nông dân “bỏ túi” 900 triệu đồng - Ảnh 1.

Theo ông Sử, sau khi thành lập HTX và diện tích cây quả các thành viên được chứng nhận VietGAP, thị trường đầu ra cho sản phẩm ngày càng ổn định.

Năm 2010, từ kinh nghiệm học tập trong các chuyến đi cộng với kiến thức tìm hiểu trên sách báo, ông Sử quyết định chuyển đổi 1,5ha đất trồng ngô sang trồng quýt ngọt. Sau 3 năm kiên trì chăm bẵm, 1,5ha quýt ngọt trồng trên đất sỏi đá của ông Sử đã bắt đầu "nhả vàng".

"Vụ đầu tiên, tôi thu được trên 10 tấn quả. Càng về sau, sản lượng càng ngày càng tăng. Cùng với đó, chất lượng quả không ngừng được nâng lên. Riêng vụ năm 2019, nhà tôi thu được 50 tấn quả. Với giá bán trung bình 26.000 đồng/kg, sau khi trừ hết mọi chi phí, tôi vẫn "bỏ túi" 900 triệu đồng. Bao nhiêu giọt mồ hôi công sức đổ vào vườn quýt nay đã được đền đáp", ông Sử phấn khởi.

Làm đống nghề, Chi hội trưởng Hội Nông dân “bỏ túi” 900 triệu đồng - Ảnh 2.

Cán bộ Hội Nông dân xã hướng dẫn ông Sử quy trình chăm sóc vườn quýt.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn quýt của mình, ông Sử bảo: "Tuy là vùng đất dốc, sỏi đá nhưng cây quýt trồng ở đây không những phát triển tốt mà chất lượng quả cũng rất thơm ngon và được người tiêu dùng ưa chuộng".

Từ hướng đi của công của Sử, nhiều hộ dân trong bản, xã đã tìm đến học tập làm theo. Hiện, riêng bản Nghĩa Hưng đã có trên 60 ha cây ăn quả có múi. Nhờ trồng cây quýt, cam, bưởi, nhiều hộ dân đã có nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Bản Nghĩa Hưng có 124 hộ dân sinh sống thì hộ khá, giàu chiếm trên 60%. Đặc biệt, hiện nay, bản Nghĩa Hưng không còn một hộ nghèo nào.

Làm đống nghề, Chi hội trưởng Hội Nông dân “bỏ túi” 900 triệu đồng - Ảnh 3.

Để nâng cao thu nhập cho gia đình, hiện ông Sử đang nuôi 100 đôi dúi giống.

Bên cạnh đó, với bản tính cần cù, dám nghĩ, dám làm trong phát triển sản xuất, nhiều năm nay, ông Sử đã được hội viên Hội Nông dân tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Hội Nông dân bản Nghĩa Hưng.

Ngoài trồng quýt, ông Sử còn "móc hầu bao" 1 tỷ đồng làm chuồng trại nuôi 100 đôi dúi giống. Đầu tư chăm sóc vườn lan rừng với nhiều loại quý hiếm. Trong thời gian tới, nếu không xảy ra rủi ro, việc bỏ túi tiền tỷ nằm trong tầm tay của ông Sử.

Xây dựng thương hiệu cho cây ăn quả

Khi diện tích cây ăn quả ở bản Nghĩa Hưng ngày càng tăng, đòi hỏi phải có sự liên doanh, liên kết, tổ chức lại sản xuất nhằm phát triển bền vững và nâng cao thu nhập cho người dân.

Đứng trước bài toán đó, tháng 8/2018, ông Sử cùng với một số hộ dân trồng cây ăn quả tâm huyết trong bản thành lập HTX trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng. Hiện, HTX có 11 thành viên. Tổng diện tích cây ăn quả của HTX là 28,5ha, chủ yếu quýt, cam Vinh, cam đường canh, bưởi Diễn, bưởi da xanh… Nhờ sự năng nổ, nhiệt tình trong lao động sản xuất, ông Nguyễn Văn Sử được các thành viên tín nhiệm bầu làm Phó Giám đốc HTX.

Làm đống nghề, Chi hội trưởng Hội Nông dân “bỏ túi” 900 triệu đồng - Ảnh 4.

Diện tích cây ăn quả của HTX Trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng được đầu tư chắm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP.

Trao đổi thêm với chúng tôi, ông Sử cho biết: Mục tiêu của chúng tôi là tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm cây ăn quả. Từ đó, tránh được việc sản phẩm của bà con sản xuất ra ngay trên mảnh vườn của mình luôn đảm bảo giá cả ổn đinh, không bị chèn ép, thua thiệt. Đích đến cuối cùng là nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống cho người dân.

Đến cuối năm 2018, từ sự hỗ trợ của các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến huyện, diện tích cây ăn quả của HTX đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Bên cạnh đó, nhờ làm ăn có hiệu quả, năm 2019, HTX đã được các cấp, các ngành hỗ trợ 100 triệu đồng về bao bì, tem nhãn cho sản phẩm cây ăn quả. Vì vậy, sản phẩm quả quýt, bưởi, cam của HTX càng ngày càng khẳng định được vị thế và có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

"Quan điểm sản xuất của chúng tôi là mang tới cho khách hàng những sản phẩm uy tín và chất lượng nhất. Qua đó, từng bước xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của HTX", ông Sử bảo vậy.

Ngoài ra, hằng năm, Ban lãnh đạo HTX luôn bàn bạc, xây dựng kế hoạch sản xuất, phổ biến quy trình kỹ thuật cho các thành viên để nâng cao chất lượng, năng suất cho sản phẩm. Năm 2019, sản lượng các loại quả của HTX đạt 150 tấn. Doanh thu đạt trên 3,5 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, thu nhập bình quân các thành viên đạt khoảng 300 triệu đồng/năm.

Làm đống nghề, Chi hội trưởng Hội Nông dân “bỏ túi” 900 triệu đồng - Ảnh 5.

Từ trồng cây quả và tham gia HTX Trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng, ông Cường có thu nhập ổn định hàng trăm triệu mỗi năm.

Ông Nguyễn Văn Cường, thành viên HTX Trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng, cho hay: Tham gia HTX, chúng tôi được hỗ trợ kỹ thuật, định hướng cách trồng và chăm sóc cây ăn quả theo tiêu chuẩn an toàn. Ngoài ra, HTX tạo ra một sân chơi để các thành viên chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm sản xuất lẫn nhau. Có những kinh nghiệm trồng cây ăn quả đúc kết từ thực tiễn được người này truyền lại cho người kia, điều mà trong sách vở không bao giờ có được. Đó là yếu tố quyết định đến sự thành bại trong sản xuất.

Nhờ học hỏi những người đi trước trong HTX, năm 2015, gia đình tôi chuyển đổi 2ha đất dốc trồng ngô sang trồng cây ăn quả có múi. Năm 2019, gia đình tôi xuất bán được 11 tấn quả ra thị trường. Sau khi trừ chi phí, tôi lãi 200 triệu đồng".

Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Văn Phương, Bí thư Đảng uỷ xã Mường Cơi, cho biết: "Hộ gia đình ông Sử, ông Cường là những gương nông dân điển hình trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của xã. Từ cách làm này, các hộ dân trên địa bàn xã đã đến bản Nghĩa Hưng học hỏi kỹ thuật trồng cây ăn quả. Nhờ đó, vài năm gần đây, thu nhập của bà con không ngừng được tăng lên. Điều này đã phần nào giúp xã Mường Cơi nâng cao tiêu chí thu nhập và hướng đến việc đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới". 

Tuệ Linh