Lại giẫm đạp tranh ấn, cướp lộc đền Trần

Thứ hai, ngày 25/02/2013 06:03 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hàng chục ngàn người chen chúc xin ấn đêm 14 tháng Giêng, giẫm đạp lên nhau chỉ để nhận câu trả lời "sáng mai mới có ấn". Trong số đó, không ít người bỏ tiền triệu mà vẫn mua về... "ấn giả".
Bình luận 0

Cướp lộc đã thành thói quen

Phải ghi nhận rằng hội Đền Trần năm nay, UBND tỉnh Nam Định đã rốt ráo thực hiện vấn đề an ninh cho khách thập phương nên tình trạng tắc đường đã đỡ nhiều. Trả lời báo giới trước lễ hội, ông Trần Xuân Hùng- Phó Trưởng Công an phường Lộc Vượng (địa phương đứng ra tổ chức hội Đền Trần cho biết: "Năm nay, được sự chỉ đạo của tỉnh, Công an TP.Nam Định đã huy động tới 2.000 cán bộ, chiến sĩ túc trực đảm bảo an ninh, hướng dẫn, chỉ đường cho du khách về xin ấn”.

img
Giẫm đạp, chen lấn để mua ấn đền Trần.

Theo ông Nguyễn Văn Tiếp- Đội trưởng Đội CSGT Công an tỉnh Nam Định, ngay từ chiều 13 âm lịch, các đơn vị trong cơ quan đã tổ chức trực ban tại các ngã ba, ngã tư hướng về khu vực lễ hội, đảm bảo cho giao thông thông suốt trên tuyến phố Trần Thừa (phố chạy dọc trước các điểm thờ các Vua Trần).

Toàn bộ công an các huyện ven TP.Nam Định được huy động để đảm bảo giữ trật tự cho lễ hội, thượng sĩ Đặng Xuân Độ thuộc Công an xã Nam Vân, ngoại thành cũng đã trực liên tục từ 7 giờ sáng ngày 13 âm lịch cho đến lúc làm lễ khai ấn. Đến chiều ngày 24.2 (15 âm lịch), du khách thập phương vẫn ùn ùn đổ về nhưng tình trạng chen lấn, xô đẩy như mọi năm đã không diễn ra.

Theo bà Cao Thị Tính- Phó Chủ tịch UBND TP.Nam Định- Trưởng ban Tổ chức lễ hội: "Hội Đền Trần năm nay đã giúp khách thập phương không vất vả phải đợi chờ xin ấn như mọi năm, bởi ngoài lễ khai ấn theo truyền thống vào giờ Tý đêm 14 , rạng ngày 15 tháng Giêng âm lịch như hàng năm, năm nay Ban Tổ chức sẽ phát lễ khai ấn vào 7 giờ sáng ngày rằm tháng Giêng, dự kiến phát ấn đến hết ngày 20 tháng Giêng".

Ngay từ buổi trưa ngày 13 tháng Giêng, cả ngàn người đã đổ về đền Trần. Các địa điểm khác như Từ cung Trùng Hoa, đền Thượng và đền Cố Trạch, khách thập phương cũng đã nườm nượp. Năm nay sau lễ khai ấn (đúng giờ Tý đêm 14 rạng ngày 15 tháng Giêng), cảnh tượng xô đẩy, chen chúc vào "cướp lộc" cũng đã diễn ra theo... thói quen hàng năm. Mạnh ai nấy cướp, các thứ hoa quả, đồ lộc, trái cây, bánh kẹo, tiền lẻ trên ban thờ đều bị vơ vét hết vì quan niệm đồ lộc thường mang đến may mắn.

Chen nhau lấy "ấn giả"

Dù đã được thông báo trước là lễ phát ấn chỉ mang tính chất tượng trưng, nhưng hầu hết mọi người vẫn cho rằng lấy được ấn lần đầu sẽ may mắn. Cảnh xô đẩy, cướp ấn vẫn diễn ra đêm 14 âm lịch tại đền Thượng. Nhưng nhiều người đã tranh nhau giành giật "ấn nhầm" do các "đầu nậu" in ấn giả của các năm trước tung ra để bán. Giá mỗi tấm ấn cũ được rao từ 500.000 tới 2 triệu đồng mà nhiều người không biết vẫn cứ mua về.

"Lễ hội Đền Trần năm nay đã bớt cảnh chen lấn, xô đẩy, cướp ấn như mọi năm bởi hình thức phát ấn đã được thay đổi, tạo điều kiện cho tất cả mọi người có nhu cầu xin ấn được toại nguyện".

7 giờ sáng ngày 24 (15 âm lịch), hàng chục ngàn người chờ lễ khai ấn tại đền Cố Trạch. Năm nay tất cả khách thập phương được đăng ký và lĩnh ấn tại 3 nơi: Đền Thượng, đền Cố Trạch và cung Trùng Hoa nên cũng đã bớt đi cảnh tượng chen lấn, cướp ấn như mọi năm.

"Trên tấm vải in ấn năm nay được in chìm logo áng mây màu nhũ bạc, khách thập phương đăng ký, xin ấn nên chú ý chi tiết này"- anh Vũ Văn Sơn- người tham gia vào việc duy trì phát ấn tại đền Thượng cho biết. Nếu không có "áng mây màu bạc" in mờ trên tờ vải ấn thì khách thập phương sẽ bị "cò" lừa mua phải ấn cũ.

Tuy nhiên, vì quá đông nên tình trạng an ninh trở nên mất kiểm soát, nhiều người bị rạch túi, móc đồ, mất điện thoại, ví tiền trong quá trình chen lấn để mua ấn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem