dd/mm/yyyy

Lai Châu: Người dân no ấm nhờ giữ rừng xanh tốt

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Lai Châu đã và đang góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.

Ý thức bảo vệ rừng của người dân tỉnh Lai Châu nâng lên

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã và đang đi vào cuộc sống, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân tỉnh Lai Châu. Nhiều hộ dân ở các xã, bản trong tỉnh sử dụng có hiệu quả tiền dịch vụ môi trường rừng vào phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Trò chuyện với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, ông Nguyễn Bá Việt – Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lai Châu, nhấn mạnh: "Những năm gần đây, ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng của người dân tỉnh Lai Châu đã được nâng lên tầm cao mới. Phong trào bảo vệ rừng phát triển rộng khắp các bản, thu hút sự tham gia nhiệt tình, tích cực của người dân. Ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng của bà con các dân tộc trong tỉnh không phải ngẫu nhiên được nâng lên, mà bắt nguồn từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Nhờ chính sách này mà người dân các xã, bản có ý thức hơn, trách nhiệm trong việc bảo vệ, phát triển rừng".

Lai Châu: Người dân no ấm nhờ giữ rừng xanh tốt - Ảnh 1.

Ý thức bảo vệ rừng của người dân Lai Châu ngày càng nâng cao. (Ảnh: Thanh Ngân)

Đúng như lời Phó Giám đốc Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Lai Châu, từ khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, thì người dân tỉnh Lai Châu đã coi rừng như báu vật để bảo vệ. Những cánh rừng trong tỉnh cũng nhờ đó mà ngày càng phát triển xanh tốt.

Đứng ở đầu bản, chỉ tay về phía cánh rừng xanh tốt trước mặt, ông Vàng Văn Ón, dân tộc Thái, ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên) phấn khởi nói: "Cánh rừng này phát triển tươi tốt như ngày hôm nay chính là nhờ có sự chăm sóc, bảo vệ của bà con dân bản đấy. Trước đây, cánh rừng này không  xanh tốt như bây giờ đâu. Từ năm 2012 đến nay, năm nào gia đình tôi và các hộ dân trong bản cũng được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng. Được trả tiền bảo vệ rừng, người dân trong bản ngày càng có ý thức hơn trong việc giữ rừng. Giờ thì chúng tôi đã hiểu giá trị to lớn của rừng, giữ rừng là có tiền, có sự sống. Vì thế, bà con trong bản ai cũng nêu cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ, phát triển rừng".

Tương tự như ở bản Bút Trên, người dân các xã, bản của tỉnh Lai Châu ngày càng tỏ ra có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ rừng. Bản nào, bản nấy cũng thành lập tổ chuyên trách bảo vệ rừng. Các thành viên trong tổ chuyên trách bảo vệ rừng ở các bản, thường xuyên tuần tra, canh gác, bảo vệ rừng. Nhờ đó, số vụ vi phạm luật Lâm nghiệp ở tỉnh Lai Châu giảm mạnh qua các năm.

Lai Châu: Người dân no ấm nhờ giữ rừng xanh tốt - Ảnh 2.

Lực lượng kiểm lâm của tỉnh Lai Châu thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng. (Ảnh: Thanh Ngân)

Người dân Lai Châu ấm no nhờ rừng

Mỗi năm, hàng chục nghìn hộ dân ở Lai Châu được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Số tiền bảo vệ rừng mà các hộ dân nhận được nhiều hay ít phụ thuộc vào diện tích rừng giao khoán bảo vệ. Hằng năm, Ban Quản lý rừng phòng hộ các huyện, hạt kiểm lâm thành phố Lai Châu và các xã, thị trấn trong tỉnh triển khai ký hợp đồng khoán bảo vệ rừng với các bản, khu phố. Đa số các hộ dân sau khi nhận tiền dịch vụ môi trường rừng, đều sử dụng có hiệu quả vào phát triển kinh tế.

Ông Lý Pó Che, ở bản Ló Ma (xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) vui vẻ cho biết: "Từ nhiều năm nay, năm nào gia đình tôi cũng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Bình quân mỗi năm, gia đình tôi cũng được nhận trên dưới 20 triệu đồng tiền bảo vệ rừng. Số tiền nhận được hàng năm, gia đình tôi dành một phần để trang trải cuộc sống, một phần để đầu tư phát triển sản xuất. Kinh tế của gia đình tôi cũng nhờ đó mà ngày càng đi lên. Không riêng gia đình tôi, mà nhiều hộ dân khác trong bản đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống nhờ sử dụng tiền bảo vệ rừng vào phát triển kinh tế đấy".

Lai Châu: Người dân no ấm nhờ giữ rừng xanh tốt - Ảnh 3.

Đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu ngày càng ấm no nhờ giữ rừng xanh tốt. (Ảnh: Thanh Ngân)

Không chỉ có thêm nguồn thu nhập ổn định từ bảo vệ rừng, nhiều hộ dân ở các xã, bản của tỉnh Lai Châu còn biết làm kinh tế từ rừng. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn đưa một số cây như: Thảo quả, sa nhân tím vào trồng dưới tán rừng. Không ít hộ dân có thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm nhờ trồng thảo quả, sa nhân tím dưới tán rừng. Nhận thức được giá trị to lớn từ rừng, người dân các xã, bản của tỉnh Lai Châu ngày càng gắn bó với rừng, bảo vệ rừng xanh tốt hơn.

Có thể khẳng định, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã và đang đi vào cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở Lai Châu. Nhờ chính sách thiết thực này, mà đời sống, thu nhập của người dân các xã, bản trong tỉnh ngày càng cải thiện, nâng cao. Có cuộc sống ổn định, ấm no từ rừng, người dân tỉnh Lai Châu ngày càng tích cực hơn trong công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng.

 

Thanh Ngân