dd/mm/yyyy

Lai Châu: Ngôi trường trong mây nơi vùng cao Nậm Nhùn

Từ lòng yêu nghề, mến trẻ, các thầy, cô giáo Trường Tiểu học Nậm Manh (xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) nỗ lực thực hiện công tác xã hội hoá giáo dục. Từ đó, biến ngôi trường khó khăn, thiếu thốn đủ bề trở nên khang trang, cơ sở vật chất đủ đầy, đáp ứng nhu cầu dạy và học.

Đến thăm Trường Tiểu học Nậm Manh, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước không gian học tập, vui chơi sống động nơi đây. Tọa lạc ở cuối con đường lên trụ sở UBND xã, 2 mặt giáp núi cao, quanh năm mây bao phủ nên trường được nhiều du khách đến tham gọi là "Ngôi trường trong mây". Ngay cạnh cổng chính là khu nhà lợp mái tôn có cột sắt khá chắc chắn sử dụng với 2 mục đích: để xe của giáo viên và làm điểm ngắm cảnh lý tưởng.

Lai Châu: Ngôi trường trong mây nơi vùng cao Nậm Nhùn   - Ảnh 1.

Trường Tiểu học Nậm Manh (xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) nhìn từ trên cao.

Hình ảnh nổi bật nhất trong khuôn viên sân trường là hàng trăm chiếc lốp xe ô tô sơn đủ màu sắc bắt mắt được chôn một phần vào đất, dựng thành những mô hình xe ô tô, xe máy, xích lô, chậu hoa, ghế ngồi và nhiều hình thù ngộ nghĩnh khác. Bên cạnh đó là khu vực đặt cầu trượt sáng bóng bằng thép, xích đu, cầu bập bênh cùng nhiều bồn hoa đang đua nhau khoe sắc. Sân trường rộng gần 1.000m2, phía trên là dãy nhà xây cấp IV với 4 phòng học dành cho học sinh lớp 1, trên cùng là khoảng sân rộng với dãy nhà cao tầng áp lưng vào núi dành cho lớp lớn hơn.

Nơi góc sân trường, ngôi nhà chòi được dựng lên để thầy cô giáo và học sinh tập đàn, hát mỗi tối. Từ đó, nhà trường có điều kiện tìm hiểu, phát hiện và ươm mầm những tài năng nhí về lĩnh vực âm nhạc. Bên phải khuôn viên trường là con đường nhỏ, 2 bên trồng hoa trong những chiếc chậu bằng lốp xe, mặt đường lát bê tông dẫn đến khu vui chơi, giải trí, nhà ăn của học sinh bán trú.

Chia sẻ với chúng tôi, thầy giáo Phạm Quốc Bảo - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để có được cơ sở vật chất như hôm nay, Ban Giám hiệu và các thầy, cô giáo nhiều năm liền nỗ lực, cố gắng, khắc phục khó khăn thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ: nâng cao chất lượng giảng dạy và huy động nguồn lực xã hội hóa. Mục đích là bổ sung trang thiết bị, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu giảng dạy cũng như nuôi dưỡng học sinh bán trú.

Lai Châu: Ngôi trường trong mây nơi vùng cao Nậm Nhùn   - Ảnh 3.

Trường tiểu học Nậm Manh được gọi là "ngôi trường trong mây".

Trong câu chuyện "trồng người" nơi đất khó, thầy Bảo kể: Đứng chân trên địa bàn xã nghèo, trình độ dân trí thấp, sống rải rác, nhiều hộ gia đình thiếu đói dẫn đến chưa quan tâm đầy đủ tới việc học của con em. Nhiều gia đình muốn con ở nhà để đi làm hoặc lo không thể trả các khoản chi phí như đồ dùng học tập, quần áo khi các con đến trường. Với 5 điểm trường đều cách xa trung tâm, thậm chí có điểm hơn 30km. 

Thêm vào đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu thốn, giao thông cách trở do địa hình chia cắt, học sinh đi học phải qua suối mà chưa có cầu, rất nguy hiểm vào mùa mưa lũ. Thiếu nước sinh hoạt gây khó khăn cho hoạt động bán trú của nhà trường. 

Lai Châu: Ngôi trường trong mây nơi vùng cao Nậm Nhùn   - Ảnh 4.

Khu vui chơi giải trí của các em học sinh được thầy cô giáo sáng tạo bằng những lốp xe ô tô nhìn rất bắt mắt.

Trước thách thức đó, Ban Giám hiệu và các thầy, cô giáo xác định rõ, ngoài nguồn lực đầu tư của Nhà nước, công tác xã hội hóa giáo dục là điều kiện cần và đủ để có thể cải thiện môi trường học tập cũng như bán trú cho học sinh.

Đầu năm học 2016 - 2017, các thầy, cô giáo bắt đầu kêu gọi nguồn lực xã hội hóa thông qua mối quan hệ cá nhân; chia sẻ video, hình ảnh... về khó khăn của nhà trường. Đồng thời, kết nối với các câu lạc bộ thiện nguyện, tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã và đang có nhiều hoạt động sẻ chia với vùng khó. Niềm vui vỡ òa khi rất nhiều những món quà: gạo, bút, áo, chăn ấm… của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước gửi tặng, hỗ trợ nhà trường. Giúp nhà trường có diện mạo khang trang, đủ đầy như hôm nay.

Lai Châu: Ngôi trường trong mây nơi vùng cao Nậm Nhùn   - Ảnh 5.

Góc nhỏ sinh hoạt của các em học sinh Trường Tiểu học Nậm Manh.

Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục, cô giáo Nguyễn Thị Hường - giáo viên trường Tiểu học Nậm Manh chia sẻ: Quá trình chia sẻ khó khăn của nhà trường và học sinh qua phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi luôn tâm niệm tất cả vì học sinh thân yêu, không ai có chút tư lợi cá nhân. Trong quá trình kết nối, thể hiện rõ sự chân thành và giản dị, nhờ đó nhà trường nhận được nhiều sự hỗ trợ thiết thực.

Tính từ năm học 2016 - 2017 đến nay, nhà trường đã huy động nguồn xã hội hóa gần 4 tỷ đồng. Tiến hành tu sửa, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng học tập, cải thiện bữa ăn, sinh hoạt cho học sinh. Các bậc phụ huynh còn đóng góp hàng nghìn ngày công lao động giúp đỡ nhà trường san mặt bằng, xây nhà vệ sinh, trồng hoa, cây cảnh… để con em mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Lai Châu: Ngôi trường trong mây nơi vùng cao Nậm Nhùn   - Ảnh 6.

Ngoài giờ học trên lớp, các em học sinh được thầy cô giáo tổ chức nhiều hoạt động vui chơi giải trí như đá bóng, đá cầu, ca hát.

Chia tay thầy, cô giáo và học sinh Trường Tiểu học Nậm Manh khi ánh chiều buông, chúng tôi thầm cảm phục lòng nhiệt huyết, sự tận tâm với nghề của các thầy, cô giáo nơi vùng cao. Hy vọng, thời gian tới, nhà trường tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa sự sẻ chia, giúp đỡ của các nhà hảo tâm để những "mầm non tương lai" được học tập, nuôi dưỡng trong môi trường tốt nhất.

Vinh Duy - Thúy Hạnh