dd/mm/yyyy

Lai Châu: Huyện Nậm Nhùn chủ động di rời dân ra khỏi vùng có nguy cơ lũ quét và sạt lở

Mùa mưa lũ đến, việc bố trí, sắp xếp, di dời dân cư ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở là nhiệm vụ cấp bách đang được các cấp, ngành huyện Nậm Nhùn cũng như tỉnh Lai Châu khẩn trương triển khai.

Nậm Nhùn là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lai Châu, mới được thành lập nên còn nhiều khó khăn. Huyện có tổng diện tích tự nhiên là 138.909,8ha, trong đó có 11 xã thị trấn với 69 bản, dân số trên 27.000 người; gồm 11 dân tộc cùng sinh sống. Dân tộc thiểu số chiếm 95% tổng dân cư của huyện, như: Mông, Mảng, Cống, Dao...

Lai Châu: Huyện Nậm Nhùn chủ động di rời dân ra khỏi vùng có nguy cơ lũ quét và sạt lở   - Ảnh 1.

Nhiều hộ dân tại bản Lồng Ngài, xã Nậm Hàng (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) đã được di chuyển lên nơi ở mới khang trang. Ảnh: Thuý Hạnh.

Trước tình hình mưa lũ phức tạp, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Nhùn đã cử cán bộ phối hợp với các xã rà soát, đánh giá tình hình và chủ động đề xuất với huyện phương án di dời dân cư ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở trước khi mưa lũ, sụt sạt xảy ra.

Theo thống kê thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Lồng Ngài xã Nậm Hàng huyện Nậm Nhùn có 04 người bị thương. Trong đó, 01 người bị thương nặng và 03 người bị thương nhẹ, nguyên nhân do trên đường đi làm nương bị cây gẫy trúng. Thiệt hại về nhà ở dân cư, có 69 nhà; trong đó 4 nhà bị sập hoàn toàn, 09 nhà bị tốc mái nặng từ 50% -70%, nhà bị tốc mái bình thường 30% - 50% là 12 nhà, nhà bị tốc mái dưới  30% là 44 nhà. Ngoài ra còn thiệt hại về cây trồng vật nuôi do mưa gió và giá rét. Ước tính tổng thiệt hại trong 6 tháng đầu năm lên đến khoảng 1.217 triệu đồng.

Lai Châu: Huyện Nậm Nhùn chủ động di rời dân ra khỏi vùng có nguy cơ lũ quét và sạt lở   - Ảnh 3.

Còn một số hộ dân tại bản Hát Mé, xã Mường Mô (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) sống tại nơi có nguy cơ sạt lở cao vẫn chưa được kịp thời chuyển sang chỗ ở mới. Ảnh: Thuý Hạnh.

Ông Đỗ Văn Thắng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Nhùn cho biết: Qua rà soát, đánh giá thực tế, trên địa bàn huyện có nhiều hộ đang sống trong khu vực nguy hiểm, nguy cơ sạt lở cao cần phải di dời, sắp xếp trong mùa mưa lũ năm 2021. 

Cụ thể có 99 hộ nằm trong nguy cơ phải di rời khỏi khu vực sạt lở lũ quét, trong đó đã có 43 hộ được di chuyển đến nơi an toàn và 56 hộ chưa được di chuyển. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng di rời những hộ còn lại về nơi ở mới và an toàn, để người dân yên tâm làm ăn sinh sống và ổn định cuộc sống của gia đình. Các hộ sau khi được sắp xếp đến nơi ở mới phải đảm bảo tốt hơn nơi ở cũ, đủ điều kiện để ổn định cuộc sống lâu dài và phát triển kinh tế bền vững. Các dự án sắp xếp dân cư tập trung được đầu tư hạ tầng đồng bộ.

Lai Châu: Huyện Nậm Nhùn chủ động di rời dân ra khỏi vùng có nguy cơ lũ quét và sạt lở   - Ảnh 4.

Một số hộ dân tại xã Mường Mô có nền nhà bị nứt chưa kịp thời di chuyển, vì đang thi công mặt bằng mới chưa xong. Ảnh: Thuý Hạnh.

Để ứng phó với mưa bão, những ngày qua, chính quyền huyện Nậm Nhùn đã quyết liệt triển khai công tác sơ tán, di dời dân ở những khu vực bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Những hộ dân chưa  kịp di chuyển, mỗi lần mưa lũ huyện đều phối hợp với cán bộ địa phương 24/24h túc trực sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Lai Châu: Huyện Nậm Nhùn chủ động di rời dân ra khỏi vùng có nguy cơ lũ quét và sạt lở   - Ảnh 5.

Chính quyền địa phương huyện Nậm Nhùn sớm có phương án giúp người dân ổn định cuộc sống. Ảnh: Thuý Hạnh.

Ông La Văn Ve, bản Hát Mé xã Mường Mô là một trong những hộ nằm trong nguy cơ sạt lở chưa được di chuyển chia sẻ: Gia đình tôi rất lo lắng mỗi khi mưa gió đến, nguy cơ sạt lở nhà tôi rất cao. Tôi mong chính quyền huyện và xã quan tâm đến gia đình tôi cũng như các gia đình khác nằm trong kế hoạch chưa được di chuyển. Mỗi lần mưa đến là gia đình tôi ăn không ngon, ngủ không yên, luôn thấp thỏm trong nỗi sợ hãi. Mong chính quyền địa phương sớm có phương án cho chúng tôi đến nơi ổn định cuộc sống mới và yên tâm làm ăn phát triển kinh tế.

Vinh Duy - Thuý Hạnh