Lai Châu: Đặc sản làm nên nhiều món ngon ở nơi này là thứ gì mà người xa quê đều nhớ?

Thuý Hạnh - Tuệ Linh Thứ ba, ngày 06/04/2021 19:00 PM (GMT+7)
Đến với xã Bình Lư (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) không thể không nhắc đến sản phẩm miến dong Bình Lư - một sản phẩm đã có thương hiệu được làm ra từ bàn tay khéo léo của những người nhớ hương vị quê hương từ những năm 70 của thế kỷ trước.
Bình luận 0

Miến dong Bình Lư (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) không chỉ thơm, ngon mà còn là sản phẩm được tin dùng vì không hóa chất, phụ gia…

Để đến xã Bình Lư, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu - nơi sản xuất ra thứ miến dong ngon nức tiếng, chúng tôi xuất phát từ thị xã Lai Châu, xuôi theo con đường nhựa dài chừng 30km thuộc quốc lộ 4D.

Miến dong Bình Lư-món ngon được tạo ra từ nỗi nhớ quê hương - Ảnh 1.

Bà Phạm Thị Hường đang cắt miến dong, đóng gói sản phẩm xuất ra thị trường cho thương lái

Sau những đoạn dốc uốn lượn lúc lên, lúc xuống và những khúc cua tay áo được coi là đặc trưng của vùng núi Tây Bắc chúng tôi đã có mặt tại Bình Lư.

Hình ảnh đầu tiên về làng nghề làm miến dong tại Bình Lư hiện lên sống động qua không khí nhộn nhịp, chất phác nhưng cũng rất vất vả về quá trình làm miến của người dân nơi đây.

Người bạn đồng nghiệp đi cùng giới thiệu: Vào thời điểm sản xuất chính, từ đầu đến cuối làng đâu đâu cũng thấy xe chở hàng ra vào tấp nập. 

Đến Bình Lư, hình ảnh đặc trưng là đâu cũng bắt gặp những tấm phên phơi đầy miến dong được bày ra la liệt khắp nơi từ trong sân cho đến ngoài ngõ của mỗi hộ gia đình.

Chả thế mà toàn xã Bình Lư có hơn 1.000 hộ thì có trên 300 hộ trồng dong riềng, hơn 10 cơ sở sản xuất bột dong và trên 50 hộ sản xuất miến dong. Mỗi năm, các hộ nơi đây xuất bán ra thị trường hơn 100 tấn. Nhiều hộ gia đình làm miến có thu nhập gần tỷ đồng mỗi năm.

Miến dong Bình Lư hiện nay đã có mặt ở khắp thị trường trong nước và đã trở thành sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu đặc trưng của tỉnh Lai Châu.

Miến dong Bình Lư-món ngon được tạo ra từ nỗi nhớ quê hương - Ảnh 2.

Thùng để trộn tinh bột khi đã nấu chín để sản xuất ra những sợi miến dong.

Theo chân cán bộ Hội Nông dân xã Bình Lư, chúng tôi đến thăm gia đình bà Phạm Thị Hường, sinh năm 1974, bản Thống Nhất. Đây là một trong những hộ gia đình của xã Bình Lư sản xuất miến dong lâu năm nhất khi đã hơn 30 năm kiếm sống từ nghề sản xuất miến dong.

Bà Hường cho biết, nhà mình trồng được khoảng 1 ha cây dong riềng, chủ yếu gia đình bà mua bột dong riềng từ các hộ gia đình nông dân trong xã là nhiều. 

Mỗi năm gia đình nhà bà Hường sản xuất miến dong rơi vào khoảng 17 tấn đến 18 tấn bột. Còn mỗi 1kg bột khô mua lại của người dân trong xã là khoảng 30 nghìn đồng.

Miến dong sau khi thành phẩm được bán theo giá đổ cho lái buôn là 50 nghìn đồng trên/kg và giá bán lẻ là 60 nghìn đồng/kg. Còn tùy thuộc vào thời tiết, nếu nắng nhiều thì các hộ gia đình sản xuất miến sẽ được nhiều, còn thời tiết mưa gió ẩm ướt thì sản xuất được ít miến và chậm tiêu thụ.

Miến dong Bình Lư-món ngon được tạo ra từ nỗi nhớ quê hương - Ảnh 3.

Công đoạn phơi miến để tạo thành những sợi miến khô nhưng vẫn dẻo.

Trao đổi thêm về nghề làm miến dong, bà Hường chia sẻ thêm: Trong quy trình sản xuất miến, mỗi hộ có bí quyết riêng nhưng vẫn đảm bảo sự thơm ngon của miến dong Bình Lư và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Như gia đình nhà tôi, mỗi năm sản xuất miến dong xuất bán cho thương lái các tỉnh thu về cả vốn lẫn lãi là khoảng 700 triệu đồng-800 triệu đồng/năm.

Để làm ra sợi miến ngon cần hội tụ đủ các yếu tố như: Màu trong, sợi nhỏ, dai, dẻo, vị đậm đà thì yêu cầu đầu tiên là bột dong nguyên chất, khâu đánh bột vừa tới, nếu khô hoặc nhão quá đều ảnh hưởng đến chất lượng miến thành phẩm.

Những điều này chủ yếu là dựa vào kinh nghiệm và sự trung thực của người làm nghề. Đối với những người làm miến dong ở đây, thì các tiêu chí nói trên đều là có thừa. Chính điều đó tạo nên thương hiệu miến dong Bình Lư nổi tiếng trong thời gian qua.

Miến dong Bình Lư-món ngon được tạo ra từ nỗi nhớ quê hương - Ảnh 4.

Miến dong Bình Lư được đóng gói và được bày bán hai bên quốc lộ 4D để giúp khách hàng mua bán thuận lợi.

Trước đây nghề làm miến dong nơi đây rất vất vả. Chỉ đến khi các hộ làm miến đưa được máy móc vào sản xuất cùng với kinh nghiệm của người dân nên miến dong Bình Lư mới mang chất lượng và mẫu mã ngày càng đẹp hơn, được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh Lai Châu tin dùng. Từ đó, nhiều hợp đồng làm miến dài hạn đã được ký kết càng khích lệ bà con hăng hái sản xuất.

Bên cạnh đó, nghề làm miến phát triển còn kéo theo nhiều dịch vụ khác như chế biến, xay xát bột dong, kinh doanh sản phẩm. Nhiều hộ có nguồn vốn lớn đã đứng ra bao tiêu, thu mua sản phẩm thúc đẩy nghề miến dong ngày một phát triển.

Cũng từ những nỗ lực phát triển nghề miến dong truyền thống và hỗ trợ của tỉnh, huyện trong việc quảng bá sản phẩm nên trong năm 2009, người dân làm miến Bình Lư đã vui mừng đón nhận sự kiện quan trọng khi miến dong Bình Lư được công nhận thương hiệu.

Miến dong Bình Lư-món ngon được tạo ra từ nỗi nhớ quê hương - Ảnh 5.

Những sợi miến dài khi đã phơi đủ nắng, người dân bắt đầu thu lại và phơi tiếp những mẻ mới

Bà Tạ Thị Dung, Bí thư Đảng ủy xã Bình Lư, cho biết: Thời gian qua, để giúp cho làng nghề miến dong Bình Lư thêm phát triển, xã Bình Lư đã quy hoạch vùng trồng dong riềng với diện tích 37 ha, năng suất đạt 60 tấn củ/ha. Trong đó, diện tích trồng dong riềng tập trung nhiều ở các bản Thống Nhất, Hoa Lư và Vân Bình…

Cũng để tránh tình trạng bị các tiểu thương ép giá, xã Bình Lư đã tổ chức họp bàn về việc bao tiêu sản phẩm củ dong riềng cho các hộ dân tại 7 bản. 

Đồng thời, yêu cầu các hộ làm miến dong ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm cũng như môi trường trong quá trình sản xuất miến dong.

Qua tìm hiểu được biết: Nghề miến dong đến với Bình Lư từ những năm 70 của thế kỷ trước. Khi ấy, người dân bản Thống Nhất, xã Bình Lư làm miến dong chỉ đơn giản là vì nỗi nhớ bát miến quê hương và muốn thử nghiệm cây dong có hợp với đất này, tay nghề làm miến sau những năm xa quê có bị mai một hay không.

Bởi người dân bản Thống Nhất, xã Bình Lư hầu hết là người dân từ tỉnh Thái Bình nghe theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước đã xung phong lên vùng Tây Bắc để xây dựng vùng kinh tế mới...

Miến dong Bình Lư-món ngon được tạo ra từ nỗi nhớ quê hương - Ảnh 7.

Sản phẩm miến dong Bình Lư hiện nay đã có mặt tại nhiều tỉnh trong cả nước từ thương hiệu sản phẩm sạch, không chất phụ gia.

 Chính từ nỗi nhớ quê hương da diết đã khiến cho người dân Bình Lư thèm một bát canh miến nấu riêu cua ấm áp mang hương vị của Thái Bình. Thế là các hộ bảo nhau trồng củ dong để vừa ăn cho đỡ đói, rồi làm thêm miến. Nào ngờ củ dong ở đây rất tốt, đặc biệt là chất bột rất nhiều.

Bột dong Bình Lư khi làm miến vừa trong, vừa dẻo, sợi miến làm ra dài tới mấy mét mà không đứt và gãy. Miến nấu lên vừa mềm, vừa dai và trơn mát, ngon hơn hẳn sợi miến ở quê nhà.

Ông Lò Văn Hào, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Lư (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) thông tin: Phải tới những năm cuối 90 của thế kỷ trước, thời điểm giao thương hàng hóa phát triển mạnh, thì khi đó thương hiệu miến dong Bình Lư mới được biết đến trên thị trường. Kể từ đó, cây dong riềng đã trở thành cây trồng chủ lực, góp phần giúp các hộ dân nơi đây xóa đói giảm nghèo.

Cũng nhờ việc các hộ dân đã biết đầu tư máy móc, cải tiến công nghệ sản xuất, nên chất lượng, năng suất của sản phẩm miến dong Bình Lư ngày càng được cải tiến. Đến nay, đời sống nhân dân đã được nâng lên rất rõ rệt, con cái được ăn học, rồi nhà cửa được xây rất là khang trang cũng nhờ thu nhập từ nghề sản xuất miến dong.

Miến dong Bình Lư-món ngon được tạo ra từ nỗi nhớ quê hương - Ảnh 8.

Công đoạn phơi miến dong cũng được các hộ dân làm rất cẩn thận. Do vậy, sợi miến dong dù dài hàng mét nhưng sau khi phơi khô vẫn không bị gẫy do giòn quá.

 Trở lại câu chuyện làm miến dong của những người nông dân, được biết: Theo kinh nghiệm của người dân làng nghề, để miến ngon, việc chọn địa điểm phơi cũng rất quan trọng. 

Khoảng sân hoặc vườn phải đảm bảo sạch sẽ, thoáng và là nơi hấp thụ tốt nhất ánh sáng mặt trời. Trên đó, được thiết kế cọc trụ bằng tre, bê tông có chiều cao từ 60cm trở lên để tránh bụi, độ ẩm của đất.

Cách mỗi trụ này được kết nối bởi những sợi dây chắc (dây thép hoặc dây chuyên dụng…) có độ bền để làm giá đỡ cho những phên miến. Khi miến đạt độ se nhất định được chuyển sang dây phơi cao hơn từ 1,5m trở lên cho đến khi khô có thể gấp và buộc thành từng bó miến thành phẩm…

Sau hơn 40 năm có mặt tại Bình Lư, giờ đây nghề làm miến dong Bình Lư đã gây dựng được niềm tin nơi người tiêu dùng khắp cả nước và trở thành một trong những sản phẩm đặc sản của địa phương; trở thành sản phẩm mũi nhọn trong xóa đói giảm nghèo cho người dân nơi đây.

Để làng nghề miến dong Bình Lư ngày càng phát triển, huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu) đã và đang tiếp tục xây dựng kế hoạch trong việc mở rộng thị trường. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện sản xuất, chế biến gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm. Huyện cũng tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhằm thu hút đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong việc chế biến, mở rộng sản xuất, góp phần tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người dân từ nghề truyền thống này...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem