Lách rào chắn, xe máy đi vào làn đường dành riêng cho xe đạp ở Hà Nội

Thanh Hà Thứ bảy, ngày 16/03/2024 09:57 AM (GMT+7)
Rào chắn ở đầu các làn đường dành cho xe đạp và người đi bộ tuy mới được đưa vào vận hành hơn một tháng nhưng đã xuất hiện tình trạng hoen rỉ, xuống cấp. Các phần thiết kế không đồng bộ, có những nơi vẫn đủ tạo khoảng trống cho xe máy len vào.
Bình luận 0

Mới đây, dựa trên hiện trạng, mật độ phương tiện, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã lựa chọn hai tuyến phù hợp để nghiên cứu thí điểm làn dành cho xe đạp.

Trong đó, tuyến dọc theo sông Tô Lịch (từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy), trên cơ sở đã có đường đi bộ ven sông Tô Lịch với chiều dài 2.300m. Tuyến có khả năng kết nối với ga Láng của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông và ga số 8 của tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội.

Việc xây dựng làn đường dành cho xe đạp trên tuyến này sẽ tạo khả năng kết nối với các tuyến xe buýt thông qua 6 điểm dừng trên đường Láng. Tuyến thứ hai dự kiến gần Công viên Hoà Bình.

Tuyến dọc sông Tô Lịch có mặt đường rộng 4m, trong đó, đường cho xe đạp được tổ chức giao thông hai chiều với chiều rộng 3m, kết hợp với đường đi bộ rộng 1m.

Tại lối ra vào, ba lớp rào chắn bằng thép được dựng lên để cấm các phương tiện khác xe đạp thường tiến vào.

Dù mới được đưa vào sử dụng, hạng mục công trình này vẫn còn nhiều bất cập, để lại nhiều băn khoăn cho người dân.

Theo quan sát của phóng viên, dọc tuyến đường trên xuất hiện nhiều rào chắn có dấu hiệu gỉ sét. Trong đó, có những cái có thể bị bật lên bất cứ lúc nào.

Chưa kể, với việc sắp xếp không hợp lí, một số người điều khiển xe máy vẫn có thể lách vào làn đường này một cách dễ dàng.

Lách rào chắn, xe máy đi vào làn đường dành riêng cho xe đạp ở Hà Nội- Ảnh 2.

Trước đây, khu vực này là đường ven sông Tô Lịch được đầu tư gần 65 tỷ đồng, đưa vào sử dụng từ tháng 3/2019. Ban đầu đường được sử dụng cho người dân tản bộ, tập thể dục. Sau gần 4 năm, đường đã xuống cấp, trở thành nơi đổ rác thải. Tuyến đường cũng thường xuyên bị chia cắt, rào chắn khi thi công dự án nước thải Yên Xá.

Theo ghi nhận của phóng viên, lợi dụng kẽ hở giữa rào chắn, nhiều người dân đã sử dụng xe máy để di chuyển trong làn đường riêng dành cho xe đạp.

"Đây không phải lần đầu chúng tôi chứng kiến xe máy đi vào. Nhiều khi đang đi thể dục, có 1 - 2 con xe máy nối đuôi nhau chạy vào, để tránh tình trạng ùn tắc ngoài đường Láng", ông Nguyễn Xuân Nam (Yên Hòa, Cầu Giấy) nói.

Lách rào chắn, xe máy đi vào làn đường dành riêng cho xe đạp ở Hà Nội- Ảnh 3.

Lách rào chắn, xe máy đi vào làn đường dành riêng cho xe đạp ở Hà Nội- Ảnh 4.

Lợi dụng kẽ hở giữa rào chắn, nhiều người dân đã sử dụng xe máy để di chuyển trong làn đường riêng dành cho xe đạp.

Bên cạnh đó, hàng rào chắn này cũng nhận được nhiều phản hồi từ người dân về việc chưa được đồng bộ, thống nhất.

Anh Hoàng Phương Duy (Đống Đa, Hà Nội) thường xuyên tập thể dục tại đây bằng cách sử dụng xe đạp công cộng. Anh cho hay: “Rào chắn này hơi bất tiện. Để di chuyển, mọi người thường bê xe lên để vượt qua rào chắn, thay vì dắt qua”.

Lách rào chắn, xe máy đi vào làn đường dành riêng cho xe đạp ở Hà Nội- Ảnh 5.

Lách rào chắn, xe máy đi vào làn đường dành riêng cho xe đạp ở Hà Nội- Ảnh 6.

Người dân khó khăn trong việc cho xe đạp vào, ra làn đường.

Theo ghi nhận, hiện người dân chỉ sử dụng đường đi với mục đích tập thể dục. Vẫn có rất nhiều người lựa chọn đi xe đạp bên ngoài đường Láng do tuyến đường dành riêng cho xe đạp có nhiều đoạn giao cắt, gây bất tiện cho người dân trong việc di chuyển xuyên suốt.

Anh Tuấn Anh cho rằng, một trong lý do khiến mọi người ít đi tuyến đường này là vì không gian xung quanh vẫn còn ô nhiễm.

Các bãi rác thải tự phát nằm rải rác dọc đường, bên cạnh lại có dòng sông Tô Lịch vẫn còn trong quá trình xử lý. Điều kiện không gian chưa được tốt khiến người dân còn ngại ngần trong việc di chuyển.

Lách rào chắn, xe máy đi vào làn đường dành riêng cho xe đạp ở Hà Nội- Ảnh 7.

Dọc tuyến đường trên xuất hiện nhiều rào chắn có dấu hiệu gỉ sét. Trong đó, có những cái có thể bị bật lên bất cứ lúc nào.

Lách rào chắn, xe máy đi vào làn đường dành riêng cho xe đạp ở Hà Nội- Ảnh 8.

Rác ngổn ngang tại tuyến đường.

Sau hơn một tháng vận hành, tuyến đường dành cho xe đạp và người đi bộ cũng nhận không tít phản hồi tích cực của người dân. Theo ghi nhận, người dân thường di chuyển trên tuyến đường này thời điểm chiều tối, khung giờ 16h-19h.

Anh Nguyễn Tuấn Anh (đường Láng, Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Phải nói rằng đây là một sáng kiến rất hay, phát triển không gian sống cho người dân. Từ lúc đường mở, tôi thường ra đây đạp xe”.

Tuyến đường này được triển khai nhằm từng bước đồng bộ hạ tầng kết nối giữa tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và tuyến Nhổn.

Đồng thời, làn đường dành cho người đi xe đạp được kỳ vọng sẽ thay đổi thói quen di chuyển của người dân, hạn chế xe cá nhân và giảm thiểu ùn tắc giao thông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem