dd/mm/yyyy

Lạ: Bùn thải biến thành đất sạch, nhờ bàn tay chàng trai 9X miền Tây, trồng dưa lưới thu 3 tấn quả

Ít ai nghĩ rằng bùn thải từ nước chế biến thủy sản lại có thể biến thành đất sạch. Thế nhưng, một 9X ở Cà Mau không chỉ đã biến điều này thành sự thật, mà còn phát triển một hệ thống nông nghiệp công nghệ cao trên nền tảng đất sạch này.

Biến bùn thải thành đất sạch

Hiện nay, nhắc đến anh Nguyễn Hữu Huy Hào (SN 1995, ngụ phường Tân Thành, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau) chắc nhiều người đã không còn xa lạ. Tuy có tuổi đời khá trẻ, nhưng anh Hào là người đi đầu trong lĩnh vực xử lý môi trường, biến bùn thải thành đất sạch nổi tiếng khắp nơi.

Huy Hào tốt nghiệp ngành môi trường, Trường Đại học Cần Thơ năm 2018. Tuy nhiên, ngay từ khi còn là sinh viên năm 1, anh Hào đã có niềm đam mê với việc nghiên cứu các sản phẩm đất sạch được xử lý từ bùn thải. Để có kinh phí cho ý tưởng của mình, anh Hào đã tham gia nhiều dự án khởi nghiệp và nhận vô số giải thưởng.

Cuối năm 2017, xuất phát ý tưởng từ thực tế địa bàn tỉnh Cà Mau có rất nhiều công ty chế biến thủy sản lớn, tình trạng xả chất thải công nghiệp ra môi trường, luôn là vấn đề nóng, được nhiều người quan tâm. Hào đã có mong muốn cải thiện chất lượng nguồn nước và tái sử dụng lượng bùn thải do các nhà máy này tạo ra. Theo đó, Hào đã bắt tay nghiên cứu các chế phẩm sinh học.

tannien/ 9X miền Tây và giấc mơ biến bùn thải thành đất sạch - Ảnh 1.

Trại trồng dưa lưới công nghệ cao trên nền tảng đất sạch Nata của anh Hào. Ảnh: Chúc Ly

"Khởi nghiệp từ lĩnh vực nông nghiệp luôn rất khó, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Khi bắt tay vào làm chúng ta hãy xác định mình tham gia vào "một trận chiến", cố gắng làm tốt nhất"- anh Nguyễn Hữu Huy Hào bộc bạch.

Với nền tảng kiến thức có được từ việc học và quá trình nghiên cứu, anh Hào đã mạnh dạn thành lập doanh nghiệp chuyên xử lý môi trường và sản phẩm sau xử lý là đất sạch hữu cơ Nata. 

Giải pháp xử lý bùn thải chính là dự án khởi nghiệp đầu tiên mà Huy Hào và một người bạn vinh dự được nhận giải Nhì cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sinh viên toàn quốc do Trung ương Đoàn tổ chức năm 2017.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Hào cho biết: "Sau khi xử lý nước thải chế biến thủy sản hoàn thành sẽ cho ra lượng nước đạt tiêu chuẩn, còn lại lượng bùn thải thì bỏ không. Trong khi bùn được xử lý từ nước chế biến thủy sản vốn chứa rất nhiều hữu cơ và hoàn toàn không có hóa chất hoặc kim loại nặng. Nhưng nếu không được xử lý một cách triệt để thì chính lượng bùn thải này sẽ gây ô nhiễm đất, điều này đã khiến mình nảy sinh ý tưởng khởi nghiệp. Nếu xử lý đúng cách, đây sẽ là lượng phân bón rất hiệu quả cho các loại cây trồng".

Quy trình tái chế bùn thải thành bùn vi sinh trải qua 3 giai đoạn gồm tách nước, khử UV và bổ sung vi sinh có lợi cho cây. Loại bùn này có ưu điểm là hàm lượng dinh dưỡng cao, không lẫn các chất hóa học, thích hợp trong trồng hoa kiểng, rau màu, đặc biệt là các loại rau sạch. Ngoài ra, có thể sử dụng kết hợp hoặc làm giá thể trong thủy canh, thân thiện với môi trường.

Hiện hay các sản phẩm của công ty do Huy Hào thành lập đã phủ sóng khắp các tỉnh, thành phía Nam, khẳng định thương hiệu và được các nhà vườn đánh giá cao.

Làm nông nghiệp công nghệ cao trên nền đất sạch

tannien/ 9X miền Tây và giấc mơ biến bùn thải thành đất sạch - Ảnh 3.

Hệ thống Cà Mau Farm của anh Hào và gia đình đang phát triển rất mạnh trên nền tảng đất sạch từ bùn thải. Ảnh: Chúc Ly

Anh Nguyễn Hữu Huy Hào vinh dự là một trong những thanh niên được tuyên dương tại Lễ tuyên dương Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VI. Mới đây, anh Hào là 1 trong 56 gương thanh niên tiêu biểu nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2020.

Vào năm 2018, anh Hào và gia đình bắt tay vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao trên nền tảng đất sạch Nata. Được sự ủng hộ lớn từ gia đình, Hào bắt tay vào xây dựng nhà kính vào tháng 6/2018 để trồng dưa lưới.

Những ngày đầu do chưa có kinh nghiệm, Hào đã vấp phải thất bại. Từ tháng 9/2018 đến cuối năm 2018 là khoảng thời gian khủng hoảng. Tuy nhiên, anh Hào vẫn tin tưởng rằng bản thân đi đúng hướng, sản phẩm của anh sẽ được đón nhận.

Bởi theo anh Hào, trước khi bắt tay vào làm Hào đã bỏ ra nhiều thời gian nghiên cứu, học hỏi. Chính các thành viên trong gia đình đã chia nhau những công việc cần thiết cho mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao. Phân công cụ thể ai sẽ đi học hỏi, tham quan các mô hình hiệu quả, ai nghiên cứu kỹ thuật trồng…

"Lúc này nhiều người xung quanh cũng e ngại cho mình, họ không tin rằng tôi có thể trồng được dưa lưới ở vùng đất Cà Mau. Bởi có 2 lý do chính là đất Cà Mau bị nhiễm phèn, mặn; biên độ nhiệt tại địa phương là rất cao, không cố định và thất thường. Nhưng với quyết tâm của cả gia đình, chúng tôi quyết chứng minh điều ngược lại"- anh Hào chia sẻ.

Không nản chí, anh Hào và các thành viên trong nhà lại tất bật bắt tay vào cải tạo sản xuất, tìm ra cách làm tối ưu nhất. 

Cuối cùng, với nỗ lực của mình, Hào đã gặt hái được nhiều thành công trong mô hình trồng dưa lưới, trở thành người đầu tiên trồng thành công dưa lưới ở Cà Mau. Đến nay, gia đình của anh Hào đã bước qua vụ dưa lưới thứ 5.

Hiện tại, anh Hào có nhiều trại dưa lưới tại Cà Mau. Đợt thu hoạch vừa qua, mỗi trại anh thu về khoảng 3 tấn dưa lưới. Thời gian từ khi dưa lưới được xuống giống đến thu hoạch là 75 ngày. Ước tính, trung bình mỗi năm, một trại dưa sẽ mở cửa đón khách được 3 vụ.

Anh Hào chia sẻ: "Cách làm của tôi là trồng dưa lưới kết hợp đón khách tham quan. Khách đến vườn sẽ được tự tay chọn lựa những trái dưa ưng ý. Nên thường chỉ sau 3 ngày, dưa lưới trong trại đã được bán hết. Ở những vụ dưa lưới đầu tiên, chúng tôi được đón nhận rất nhiều. Đó cũng là động lực để tôi cố gắng nghiên cứu và đầu tư các mô hình nông nghiệp cao tại quê hương mình".

Không dừng lại đó, cũng chính anh Hào là người đầu tiên đưa dâu Tây về trồng thành công ở Cà Mau. Hiện nay anh đang phát triển một khu ở xã Lý Văn Lâm, TP.Cà Mau chuyên nghiên cứu trồng các loại cây độc, lạ lần đầu xuất hiện ở Cà Mau. Đồng thời, định hướng xây dựng khu du lịch nông nghiệp công nghệ cao trên nền tảng các loại cây này.

Sau nhiều năm phấn đấu trên nền tảng đất sạch từ bùn thải, hiện anh Hào là người sáng lập và điều hành 4 doanh nghiệp, trong đó có các lĩnh vực xử lý dịch vụ bùn thải cho các nhà máy xí nghiệp sản xuất tôm tại Cà Mau; nông nghiệp công nghệ cao.

Hiện tại hệ thống Cà Mau Farm của anh Hào đã xuất hiện ở nhiều tỉnh thành. Trong đó, riêng Cà Mau có 6 nhà trại nông nghiệp công nghệ cao; tại TP.Cần Thơ có 3 trại và một nhà thí nghiệm; tỉnh Bạc Liêu đang xây dựng 2 nhà trại.

Theo anh Hào, thông qua hệ thống các trang trại nông nghiệp công nghệ cao, anh mong muốn phát triển hệ thống du lịch nông nghiệp công nghệ cao. Từ đó, mang đến cho du khách những sản phẩm mới lạ, chưa từng có ở địa phương.

Chia sẻ về việc khởi nghiệp từ nông nghiệp, anh Hào cho rằng: "Các bạn trẻ khi bắt tay vào lĩnh vực này trước tiên hãy chuẩn bị cho mình một lượng kiến thức cần thiết. Đồng thời, hãy tìm cho mình một "người dẫn đường" trong lĩnh vực bạn thực hiện. Điều này sẽ giúp chúng ta giảm được rủi ro".

Chúc Ly