Ký ức Tết trong tôi: Vườn cây gói bánh

Nguyễn Chí Diễn Thứ sáu, ngày 31/01/2020 19:00 PM (GMT+7)
Đây là những vần thơ, những rung động của tôi mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Bình luận 0

Bà trồng cây chít, cây dong

Tốt tươi những khóm đùa trong vườn nhà.

Cây đâu rực rỡ màu hoa 

Bao nhiêu nhựa sống đậm đà lá xanh.

Thân gày lá chít mong manh

Vẫn vui năm tháng trời hanh, đất cằn.

Rễ nhiều đâu quản nhọc nhằn

Cây dong vẫn cứ ở ăn với người.

Bà thường nhoẻn miệng nói cười 

Những ngày giáp Tết càng tươi dáng gày 

Lá dong, lá chít về đây 

Bà đan chiếc áo mỏng dày bánh chưng.

Giao thừa chiếc bánh thơm lừng

Lá xanh, nếp trắng vui mừng quyện nhau.

Tết này nối những Tết sau 

Lá dong, lá chít một màu thân thương.

Nhập nhòa mờ tỏ khói sương

Bà về với đất quê hương thuở nào

Vườn quê vẫn gió rì rào

Vẫn vui với lá gọi vào khoảng không.

Xanh vườn cây chít, cây dong 

Nhớ bà một thuở lưng còng bánh chưng.

Đây là những vần thơ, những rung động của tôi mỗi dịp Tết đến Xuân về. Khi còn nhỏ tuổi, có lẽ đối với tôi, những ngày vui nhất là những ngày Tết đến. Tôi là con út trong nhà, kế trên tôi có một chị hơn tôi một tuổi. Chúng tôi hay được bố mẹ giao cho việc quét sân vào những buổi chiều khi đã cho đàn gà ăn xong. Vừa quét sân chúng tôi thường vừa nhẩm tính, “chỉ còn khoảng 100 ngày nữa thôi là đến Tết chị nhỉ?”, có thể con số không chuẩn lắm thì chúng tôi lại giở lịch ra xem. “Chính xác là 95 ngày”. Rồi hôm sau lại “94 ngày”, … Cứ như thế, chúng tôi đếm lùi dần. Tôi thường nghe người lớn than rằng “Tết chỉ sướng bọn trẻ thôi chứ người lớn thì mệt lắm”, “nay mai các con lớn lên rồi sẽ hiểu”… Nhưng dường như chúng tôi không quan tâm lắm đến những lời than vãn đó của người lớn hay của bố mẹ.

Ngày Tết tôi rất thích thú khi được bố mẹ mua cho quần áo mới, nhất là được xem bà và bố mẹ gói bánh chưng.

Nhà đông con nên cuộc sống khó khăn, gần như chúng tôi chỉ được mua quần áo mới khi đã quá chật không mặc được nữa, hoặc là khi Tết về. Ngày thường chúng tôi phải mặc những cái quần rách đầu gối hoặc rách ở sau mông. Do nghịch ngợm mà chúng tôi thường chơi cầu trượt, lê trên nền gạch hoặc xi măng. Những miếng vá đó thường được mang đi tích-kê lại, tức mang ra cửa hàng thợ may, người ta bù vào chỗ rách một miếng vải hình vuông rồi may lại, các đường chỉ ngang, dọc, chéo nhau chằng chịt. Những thợ may giỏi biết tạo ra những đường hoa văn từ những lớp chỉ đó. Nhưng ngày Tết thì chúng tôi ai cũng có quần áo mới để khoe với bạn bè.

img

Ảnh minh họa.

Quê tôi thường không gói loại bánh chưng vuông như trong sự tích bánh chưng bánh dầy. Người dân cũng biết gói bánh chưng vuông nhưng chỉ gói vài ba cái để thờ cho đẹp chứ ăn không ngon bằng bánh chưng loại dài như bánh tét ở trong miền Nam. Bánh chưng quê tôi ngoài hương vị dẻo, thơm, còn độc đáo bởi dùng lá chít kết hợp với lá dong để gói bánh. Hầu như nhà nào cũng có một bụi chít và một khóm dong dùng để gói bánh chưng. Nếu cây trong vườn nhà không đủ lá thì có thể sang nhà hàng xóm xin rất dễ dàng hoặc ra chợ quê mua.

Thông thường ở các nơi người ta dùng lá dong để gói bánh chưng, một số nơi đặc biệt hơn, chỉ dùng lá chít để gói. Quê tôi thì kết hợp hai loại lá đó. Đặc điểm của lá dong là cho bánh thơm nhưng lại khó bóc bánh khi luộc xong, nhất là khi luộc bánh bị nhừ. Lá chít thì dễ bóc nhưng bánh lại không thơm. Kết hợp hai thứ lá đó để gói bánh vừa tận dụng được ưu điểm của chúng vừa dễ gói hơn khi dùng một trong hai loại. Quê tôi có câu “bên ngoài lá dong, bên trong lá chít” khi nói về việc dùng lá để gói bánh chưng.

Cây dong là cây thân thảo cao 1–2 m, phiến lá có hình như quả trứng gà nhưng to bằng nửa cái lá chuối, dạng dai như da nhưng mỏng, không lông, gốc lá thuôn tròn, đỉnh lá nhọn. Chít là một loại gần giống như cây lau, cây sậy, còn có tên gọi khác là cây đót. Hoa của nó có thể được làm chổi chít. Lá chít dai và mỏng. Đặc biệt lá có nhiều răng cưa, sắc như dao lam. Khi thu hoặch lá phải thật cẩn thận không thì dễ gây xước da.

Lá dong loại lớn và lá chít được bà và mẹ mang về rửa sạch, cắt bỏ cuống và đầu ngọn, xếp cẩn thận vào nồi và luộc đến khi nước sôi. Làm thế để lá được dẻo, dai và giúp bánh trắng, đẹp, thơm, không có màu xanh của lá. Sau đó lau khô và để ráo. Tước bỏ sống dày của lá dong (từ ngay điểm cần tước hướng ra ngoài cuống lá), tác dụng để làm mỏng đi bớt phần sống dày lõm chõm, giúp bánh khi gói được dễ và đẹp hơn. Bánh chưng chỉ gói bằng lá dong quan niệm rằng lớp ngoài càng xanh càng đẹp, nhưng bánh chưng gói bằng lá dong kết hợp lá chít lại khác, bánh phải trắng, dẻo và dai. 

Bà tôi thường là người gói bánh chưng. Vì chỉ có bà gói là khéo, đẹp và ngon nhất. Bố và mẹ tôi gói thường không hợp ý bà. Trước tiên bà dùng những dây bằng lạt tre hoặc rơm khoảng 4-5 cái xếp song song, sau đó đặt 1 chiếc lá dong lên trên. Tiếp theo là 8 lá chít xếp sát nhau, tạo thành một bản dày, khít, chắc chắn, rồi đổ gạo, cho đỗ và thịt lợn ba chỉ đã được tẩm ướp vào. Sau đó khéo léo vén các lớp lá lên để buộc thô bánh bằng 4 sợi lạt. Rồi công đoạt khó nhất là gấp đầu bánh sao cho đầu bánh có hình tam giác, vuông thành sắc cạnh, bánh phải chắc chắn, không bị hở khi luộc. Sau đó mới dùng lạt dài buộc thành nhiều vòng dựa vào lớp buộc thô ban đầu.

Khi xong, những chiếc bánh chưng có hình dài, tròn đều, trông thật đẹp mắt. Tùy theo khối lượng và kích thước bánh mà lượng gạo, lượng lá dùng gói bánh sẽ nhiều ít khác nhau. Nhưng bà đã căn được chiều dài của bánh cho vừa xoong. Cái đầu tiên bao giờ cũng dài nhất, những cái sau ngắn dần cho tới khi được một lượt xếp. Cứ như vậy bà xếp vài lượt là được một xoong bánh chưng. Khi những chiếc bánh cuối cùng được gói là những lúc chúng tôi thích nhất. Bà thường gói cho hai chị em tôi mỗi đứa một cái bánh tí hon để khi luộc xong chúng tôi thường đeo trước ngực khoe với nhau, khoe với các bạn hàng xóm những “cái đài” của ai xinh hơn, đẹp hơn.

Bây giờ cuộc sống đã khá giả hơn xưa rất nhiều. Tôi cũng đã trưởng thành và đã là cha của những đứa nhỏ. Bà tôi cũng không còn nữa. Mỗi dịp Tết về tôi lại nhớ bà nhiều hơn, nhất là khi nhìn những đứa con thơ háo hứng bên cạnh xem bố mẹ tôi gói bánh. Những lúc đó thì kí ức Tết xưa lại ùa về càng mãnh liệt. Có nhiều khi tôi mơ màng như mình được chạy quanh khi bà gói bánh chưng, được bà đưa cho những “cái đài” xinh xinh, nhỏ nhỏ. Tôi đưa tay đón lấy… nhưng không chạm vào được nó mà chỉ có thể chạm được vào những kí ức Tết xưa vẫn luôn đẹp đẽ, trong trẻo. Những cái Tết lại đến, lại đi như những vườn cây chít, cây dong vẫn đùa trong gió, vẫn nhắc nhở tôi về một thời để nhớ, để yêu, để hôm nay sống tốt đẹp hơn như mùa Xuân đang vui cùng đất nước.

Bút danh: Nguyễn Chí Diễn

Họ tên: Nguyễn Chí Diễn

Địa chỉ: Thôn Thần Chúc, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang

Email: nguyenchidien@gmail.com

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem