Kỹ sư Hồ Quang Cua-cha đẻ gạo ngon nhất thế giới 2019: Cần xử lý nghiêm việc lấy lúa thịt làm lúa giống

Chúc Ly Chủ nhật, ngày 10/01/2021 15:40 PM (GMT+7)
Kỹ sư Hồ Quang Cua cho rằng: “Sắp tới khi diện tích lúa ST 24, ST 25 tăng lên, tỉnh Bạc Liêu cần quan tâm chủ động mời gọi thêm doanh nghiệp bao tiêu và phân vùng cụ thể, tránh tình trạng tranh nhau thu mua. Tỉnh Bạc Liêu cũng cần xử lý những trường hợp sử dụng giống lúa lương thực để làm để giống”.
Bình luận 0

Ngày 10/1, tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức hội nghị triển khai kịch bản phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020-2021 trên địa bàn tỉnh và tổng kết, đánh giá tính thích nghi của giống lúa ST24, ST25 trên đất nuôi tôm.

Nhằm mở rộng vùng liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hóa cho nông dân, đòi hỏi phải có những giống lúa đặc sản, chất lượng cao thích ứng với điều kiện sản xuất của tỉnh, Bạc Liêu đã xây dựng mô hình trình diễn và nhân rộng sản xuất giống lúa ST14, ST25 trên địa bàn.

Kỹ sư Hồ Quang Cua: Cần xử lý nghiêm việc lấy lúa lương thực làm giống - Ảnh 1.

Hàng trăm nông dân tham gia hội nghị tổng kết, đánh giá tỉnh thích nghi của giống lúa ST24, ST25 trên đất nuôi tôm. Ảnh: Chúc Ly.

Theo đó, mô hình sản xuất giống lúa ST24, ST25 được thực hiện trên địa bàn huyện Phước Long, Hồng Dân và thị xã Giá Rai, với tổng diện tích 3.500ha. Qua đó đã tổ chức 70 lớp tập huấn kỹ thuật "Mô hình canh tác giống lúa ST24, ST25 cho vụ lúa trong mô hình lúa – tôm" cho nông dân.

Nông dân tham gia thực hiện mô hình sẽ được nhà nước hỗ trợ 50% lúa giống, 50% còn lại doanh nghiệp bao tiêu hỗ trợ có thu hồi; 500.000 đồng thuốc bảo vệ thực vật/ha.

Bên cạnh đó, nông dân được hướng dẫn quy trình, kỹ thuật canh tác giống lúa ST24, St25; đặc biệt là khâu rửa mặn, khâu quan trọng quyết định đến sự thành công của mô hình. Sản phẩm lúa của nông dân làm ra được bao tiêu hoàn toàn bởi các doanh nghiệp.

Kỹ sư Hồ Quang Cua: Cần xử lý nghiêm việc lấy lúa lương thực làm giống - Ảnh 2.

Nông dân Lê Việt Thắng (ngụ ấp Long Hậu,thị trấn Phước Long, huyện Phước Long) cho biết, lợi nhuận khi sản xuất giống lúa ST24 cao hơn các giống lúa khác. Ảnh: Chúc Ly.

Ông Phạm Thanh Hải – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh bạc Liêu, thông tin: Qua quá trình canh tác cho thấy, tổng chi phí của ruộng mô hình thấp hơn so với ruộng đại trà 1,7 triệu đồng/ha. Với năng suất ước đạt trung bình 6 tấn/ha, giá bán 7.000 đồng/kg, cao hơn lúa một bụi đỏ (giá 6.500 đồng/kg), hiệu quả từ mô hình cao hơn ruộng đại trà 4,7 triệu đồng/ha.

Cũng theo ông Hải, theo đánh giá của cán bộ phụ trách mô hình và những hộ nông dân trực tiếp tham gia sản xuất, giống lúa ST24 có khả năng thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương, đặc biệt là khả năng chịu mặn, chịu phèn rất tốt, dễ canh tác.

Ngoài ra, ST24 còn có ưu điểm vượt trội hơn so với các giống như OM 2517, OM 5451, BTE1 (F lai) và một số giống địa phương khác là hầu như không xuất hiện bệnh đạo ôn gây hại. Mặt khác với bản lá đứng đặc trưng của giống cũng hạn chế được sâu cuốn lá gây hại nên đặc biệt thích hợp canh tác và nhân rộng sản xuất trên vùng đất tôm - lúa phía Bắc Quốc lộ 1A.

Nông dân Lê Việt Thắng (ngụ ấp Long Hậu, thị trấn Phước Long, huyện Phước Long), cho biết: Năm 2020, tôi được UBND huyện Phước Long, Phòng NNPTNT huyện, UBND thị trấn Phước Long quan tâm, vận động tham gia thực hiện mô hình trình diễn giống lúa ST24, ST25 trên đất nuôi tôm.

"Tôi đã đăng ký thực hiện mô hình với diện tích 1,5ha để sản xuất lúa ST24. Chi phí sản xuất lúa ST24 khoảng 11 triệu đồng, năng suất đạt được khoảng 6 tấn, tôi thu được khoảng 42 triệu đồng, lợi nhuận thu được khoảng 31 triệu đồng. So với năm 2019 lợi nhuận thu được tăng thêm 10 triệu đồng/ha so với giống lúa lai", ông Thắng chia sẻ.

Kỹ sư Hồ Quang Cua: Cần xử lý nghiêm việc lấy lúa lương thực làm giống - Ảnh 3.

Kỹ sư Hồ Quang Cua cho rằng, cần xử lý nghiêm việc lấy lúa lương thực làm giống. Ảnh: Chúc Ly.

Theo nhiều nông dân đánh giá, giống lúa ST24 thích hợp sản xuất trên đất tôm, chịu phèn, chịu mặn tốt. Đến thời điểm này lúa của nông dân chưa có hiện tượng bệnh, đổ ngã hay rầy nâu, hiện nay đang rút nước chuẩn bị cho thu hoạch.

Phát biểu tại hội nghị, ông Hồ Quang Cua cho rằng, qua đánh giá cho thấy có sự thành công tương đương nhau giữa các vùng sản xuất các giống lúa ST. Điều này cho chúng ta niềm tin để xây dựng kế hoạch cho tương lai.

"Bà con không nên sản xuất ồ ạt giống lúa ST25, riêng tôi cho rằng chỉ nên ở khoảng 10% thôi. Vì chúng ta cần thời gian nghiên cứu, đánh giá đặc tính để sản xuất cho hiệu quả tốt nhất", ông Cua nhận định.

Kỹ sư Hồ Quang Cua: Cần xử lý nghiêm việc lấy lúa lương thực làm giống - Ảnh 4.

Kỹ sư Hồ Quang Cua tại trại thực nghiệm giống của ông ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Chúc Ly.

Ông Cua cũng cho rằng: "Trong năm tới, chúng ta cần đưa giống sớm đến người dân để có sự chủ động. Năm nay, vấn đề tìm nguồn giống để bổ sung đã gây ra hệ lụy không tốt. Chúng tôi thấy có những nơi có những giống lúa khác trà trộn vào giống ST. Vấn đề giống là tối quan trọng trong sản xuất, nên tỉnh cần quan tâm nhiều hơn".

"Sắp tới khi diện tích lúa ST tăng lên, tỉnh cần quan tâm chủ động mời gọi thêm doanh nghiệp bao tiêu và phân vùng cụ thể. Tránh tình trạng tranh nhau thu mua, tránh lộn xộn ở khâu thu hoạch. Tỉnh cần xử lý những trường hợp sử dụng giống lúa lương thực để làm để giống, đây là tác hại vô cùng lớn", ông Cua đề nghị.

Ở năm 2021, tỉnh Bạc Liêu xây dựng cánh đồng lớn và liên kết bao tiêu với 9 cánh đồng diện tích 1.700ha. Bên cạnh đó, dự kiến diện tích sản xuất giống lúa ST24, ST25 là 11.800ha (vùng ngọt ổn định 3.500ha, vùng lúa tôm 8.300ha); trong đó phát triển mới 8.300ha.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem