Kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Geneve: Những bài học lớn

V.N Thứ năm, ngày 25/04/2024 10:12 AM (GMT+7)
Với Hiệp định Geneve, các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đã được khẳng định trong một điều ước quốc tế với sự tham gia ký kết và thừa nhận của các cường quốc.
Bình luận 0

Sáng nay 25/5 tại Hà Nội đã diễn ra Lễ kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam.

Tới dự lễ kỷ niệm có đại diện Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các đồng chí nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và ngành Ngoại giao, các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện các nước, các tổ chức quốc tế, lãnh đạo các ban, bộ ngành trung ương, địa phương, đại diện gia đình thành viên đoàn đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Geneve.

Kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Geneve: Những bài học lớn- Ảnh 1.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: M.H.

Trong bài phát biểu khai mạc lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định: Độc lập, tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ là nguyên tắc bất di bất dịch, xuyên suốt lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Trên nền tảng tư tưởng "nhân nghĩa", ông cha ta luôn coi trọng hoạt động ngoại giao, kết hợp chặt chẽ quân sự với ngoại giao, vừa "đánh" vừa "đàm", kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, tạo nên truyền thống và bản sắc hào khí, hòa hiếu và nhân văn của dân tộc Việt Nam: "Đem đại nghĩa để thắng hung tàn; Lấy chí nhân mà thay cường bạo!"; "Dập tắt muôn đời lửa chiến tranh; Mở nền muôn thủa thái bình!". Đây là những tư tưởng, triết lý mãi trường tồn cùng dân tộc Việt Nam.

Bộ trưởng nhắc lại, trong "Lời kêu gọi sau khi Hội nghị Geneve thành công" ngày 22/7/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: "Hội nghị Geveve đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to". Quả thực, nếu trong Hiệp định Sơ bộ năm 1946, Việt Nam mới chỉ được công nhận là một quốc gia tự do, thì với Hiệp định Geneve, các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đã được khẳng định trong một điều ước quốc tế với sự tham gia ký kết và thừa nhận của các cường quốc.

Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", việc ký kết Hiệp định Geneve đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta, mở ra cục diện chiến lược mới của cách mạng Việt Nam là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng thời tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam nhằm thực hiện trọn vẹn mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, cả nước cùng xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Hội nghị Geneve là hội nghị quốc tế đa phương lớn đầu tiên Việt Nam tham dự để đàm phán và ký kết điều ước quốc tế với sự tham gia trực tiếp của các cường quốc.

Kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Geneve: Những bài học lớn- Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Chính phru và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam ký Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam. Ảnh tư liệu.

Hiệp định Geneve là thắng lợi mang ý nghĩa thời đại, bởi đây không chỉ là thắng lợi của nhân dân Việt Nam và ba nước Đông Dương, mà còn là thắng lợi chung của các dân tộc bị áp bức. Hiệp định này cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ đã cổ vũ mạnh mẽ cho các dân tộc thuộc địa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới vững tin vào chính nghĩa, đạo lý và công lý, đứng lên đấu tranh đánh đổ chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới.

Tri ân các thế hệ đi trước

Thắng lợi của Việt Nam tại Hội nghị Geneve bắt nguồn từ đường lối cách mạng đúng đắn và sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ khát vọng hòa bình cháy bỏng, chủ nghĩa yêu nước anh hùng cùng trí tuệ và bản lĩnh của dân tộc Việt Nam. Hiệp định Geneve là kết tinh thành quả đấu tranh gian khổ và hy sinh to lớn của quân và dân ta, từ chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông năm 1947 đến Chiến dịch Biên giới Thu Đông năm 1950 và tiến công chiến lược Đông Xuân năm 1953-1954 với đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ.

Bộ trưởng nhắc tới sự đóng góp trực tiếp của các thành viên đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng như đội ngũ cán bộ phục vụ đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định. Hội nghị Geneve đã tôi luyện nên những nhà lãnh đạo đồng thời cũng là những nhà ngoại giao xuất sắc trong thời đại Hồ Chí Minh như các đồng chí Phạm Văn Đồng, Tạ Quang Bửu, Hà Văn Lâu và nhiều cán bộ ngoại giao ưu tú khác.

Bộ trưởng khẳng định sự biết ơn vô hạn công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc tiền bối cách mạng cũng như sự hy sinh vô cùng to lớn của quân và dân ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; tri ân sâu sắc sự cống hiến to lớn của các thành viên đoàn đàm phán và đội ngũ cán bộ tham gia đấu tranh yêu cầu thực thi Hiệp định Geneve.

Việt Nam cũng ghi nhớ tình đoàn kết trong sáng, sự ủng hộ, giúp đỡ của các lực lượng cách mạng và nhân dân Lào, Campuchia, sự hỗ trợ to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới dành cho Việt Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Những bài học lớn

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, cùng với Hiệp định Sơ bộ 1946 và Hiệp định Paris 1973, Hiệp định Geneve 1954 là một mốc son trong lịch sử ngoại giao cách mạng Việt Nam, mang đậm dấu ấn tư tưởng, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh. Quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Geneve là cuốn cẩm nang chứa đựng nhiều bài học sâu sắc còn nguyên giá trị tới ngày nay.

Trước hết, đó là bài học về kiên định độc lập, tự chủ trên cơ sở lợi ích quốc gia- dân tộc. Đây vừa là bài học, vừa là nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt lịch sử dựng nước, giữ nước và đối ngoại, ngoại giao của Việt Nam. Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, đến nay Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia; có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và đối tác chiến lược với tất cả các nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Có thể khẳng định, chưa bao giờ Việt Nam có được mạng lưới đối tác và bạn bè quốc tế rộng mở, vững chắc như ngày nay.

Kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Geneve: Những bài học lớn- Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm triển lãm các hình ảnh kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Geneve. Ảnh M.H

Thứ hai, bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, gắn kết đại đoàn kết dân tộc với đoàn kết quốc tế.

Vận dụng sáng tạo bài học này trong công cuộc Đổi mới hiện nay, Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiệu quả đi đôi với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Nhờ đó, đã khơi dậy và phát huy nhiều nguồn lực trong nước kết hợp với huy động các nguồn lực bên ngoài, nhất là về thị trường, vốn đầu tư, tri thức và công nghệ, góp phần quan trọng tăng cường tiềm lực, vị thế và sức mạnh tổng hợp quốc gia.

Thứ ba, bài học về kiên định mục tiêu, nguyên tắc, song cơ động, linh hoạt trong sách lược, sáng tạo trong hành động theo phương châm "dĩ bất biến, ứng vạn biến". Đây vừa là bài học, vừa là phương pháp và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh, thể hiện bản sắc "cây tre Việt Nam" của nền ngoại giao Việt Nam, "gốc vững", "thân chắc", "cành uyển chuyển".

Trước những biến động rất phức tạp trên thế giới hiện nay, vận dụng sáng tạo phương châm "dĩ bất biến, ứng vạn biến", Việt Nam đã xử lý đúng đắn các mối quan hệ đối ngoại trên cơ sở kiên định nguyên tắc, linh hoạt trong sách lược và ứng xử, nêu cao tinh thần hòa hiếu và hữu nghị, kiên trì đối thoại và hợp tác. Nhờ đó, vừa giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, vừa thúc đẩy hợp tác phục vụ phát triển kinh tế- xã hội.

Thứ tư, bài học về phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại, sử dụng đối thoại và đàm phán hòa bình để giải quyết bất đồng, xung đột trong quan hệ quốc tế. Cùng với quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông- Xuân năm 1953-1954, Đảng ta đã chủ trương dùng đàm phán hòa bình làm phương thức chấm dứt xung đột, từ đó mở ra hướng đàm phán kết thúc chiến tranh ở Đông Dương.

Phát huy truyền thống tốt đẹp này của dân tộc, Việt Nam nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, ủng hộ giải quyết các bất đồng, xung đột trên thế giới bằng các biện pháp hòa bình.

Thứ năm, bài học về coi trọng công tác nghiên cứu, đánh giá và dự báo tình hình quốc tế, "biết mình", "biết người", "biết thời", "biết thế" để từ đó "biết tiến", "biết thoái", "biết cương", "biết nhu". Đây là bài học còn nguyên giá trị trong bối cảnh hiện nay, khi thế giới và khu vực đang trải qua những biến động phức tạp và khó lường, càng phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo tình hình, trên cơ sở đó có đối sách phù hợp nhằm bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc.

Cuối cùng, bài học bao trùm là sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta nói chung và mặt trận ngoại giao nói riêng. Đảng đã đề ra chủ trương, đường lối và sách lược cách mạng đúng đắn, mở ra mặt trận ngoại giao chủ động tiến công, phối hợp chặt chẽ và thống nhất với các mặt trận chính trị, quân sự để tạo nên sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bộ trưởng khẳng định, ngoài những bài học nổi bật nói trên, còn nhiều bài học quý báu từ Hiệp định Geneve cần tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá và tổng kết để kế thừa, vận dụng và phát triển trong xây dựng trường phái đối ngoại và ngoại giao mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem