Kiện toàn tổ chức triển khai Chương trình OCOP

Duy Hậu Thứ hai, ngày 30/09/2019 10:53 AM (GMT+7)
Để tổ chức thực hiện tốt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh Đăk Lăk đang khẩn trương củng cố kiện toàn bộ máy tổ chức cũng hệ thống tư vấn hỗ trợ theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Quyết định số 490 của Thủ tướng Chính phủ.
Bình luận 0

Giữ nguyên biên chế, bổ sung nhiệm vụ

Theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020, bộ máy cơ quan Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia các cấp sẽ đảm nhiệm thêm nhiệm vụ thực hiện Chương trình OCOP. Trên cơ sở này, tỉnh Đăk Lăk đang khẩn trương triển khai các nhiệm vụ nhằm củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức để triển khai thực hiện đề án OCOP của tỉnh.

img

Giới thiệu trà thảo dược Xuân Sang - một sản phẩm OCOP của tỉnh Đăk Lăk. Ảnh: D.H

Theo đề án OCOP đã được phê duyệt, tỉnh Đăk Lăk sẽ lựa chọn các tổ chức cá nhân (tại các doanh nghiệp, viện, trường đại học) có kinh nghiệm và năng lực tư vấn toàn diện (hoặc lĩnh vực cụ thể) các hoạt động của Chương trình OCOP. Đối với cấp huyện có thể chọn một đến nhiều tư vấn hoặc tự tổ chức thực hiện.

Theo đó, bộ máy thực hiện Chương trình OCOP sẽ không thay đổi cơ cấu tổ chức, không phát sinh biên chế, chỉ bổ sung nhiệm vụ cho các bộ phận liên quan. Đối với cấp tỉnh, bộ máy tổ chức OCOP là Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia. Cơ quan chuyên môn tham mưu giúp việc là Sở NNPTNT. Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm ở cấp tỉnh và huyện tại mỗi kỳ đánh giá thường niên, do UBND cùng cấp quyết định. Đối với cấp huyện, Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia cấp huyện sẽ là cơ quan chỉ đạo.

Phòng NNPTNT các huyện hoặc Phòng Kinh tế thị xã, thành phố (đối với UBND thị xã, thành phố) là cơ quan tham mưu giúp việc. Đối với cấp xã: UBND cấp xã tổ chức triển khai thực hiện Chương trình OCOP. Lồng ghép trong nhiệm vụ phát triển thủy sản nông lâm của xã, cử cán bộ lãnh đạo phụ trách lĩnh vực nông nghiệp thực hiện nhiệm vụ tham mưu, triển khai chương trình trên địa bàn.

Ông Nguyễn Hữu Vinh - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Đăk Lăk cho biết, hiện đơn vị đã xây dựng kế hoạch tập huấn cho cán bộ quản lý nhà nước các cấp về Chương trình OCOP, bao gồm: Các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố…; cán bộ quản lý của doanh nghiệp, HTX, trưởng các tổ hợp tác và chủ hộ sản xuất. Dự kiến đến tháng 10 này, công tác tập huấn sẽ được triển khai.

Trong tháng 9 này, Sở NNPTNT đã có văn bản hướng dẫn một số nội dung thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh, gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố. Các huyện, thị xã, thành phố cũng đã triển triển khai hướng dẫn cho các xã, các chủ thể đăng ký sản phẩm OCOP theo đề án OCOP đã được phê duyệt. Sau khi có đăng ký này, các huyện sẽ thành lập Hội đồng đánh giá, xét duyệt sản phẩm OCOP. Các sản phẩm đạt từ 50 điểm trở lên theo bộ tiêu chí thì gửi lên để Hội đồng xét duyệt cấp tỉnh đánh giá.

Xây dựng hệ thống hỗ trợ đề án OCOP

Bên cạnh việc xây dựng bộ máy tổ chức, để thực hiện tốt đề án OCOP, Đăk Lăk cũng đang tập trung xây dựng hệ thống hỗ trợ cho đề án. Theo đề án OCOP đã được phê duyệt, tỉnh Đăk Lăk sẽ lựa chọn các tổ chức cá nhân (tại các doanh nghiệp, viện, trường đại học) có kinh nghiệm và năng lực tư vấn toàn diện (hoặc lĩnh vực cụ thể) các hoạt động của chương trình OCOP. Đối với cấp huyện có thể chọn một đến nhiều tư vấn hoặc tự tổ chức thực hiện.

Các nhà tư vấn sẽ giúp tỉnh xây dựng và triển khai một, một số hoặc toàn bộ các hạng mục cụ thể của Chương trình OCOP. Đối với Ban điều hành OCOP các cấp, các nhà tư vấn sẽ giúp xây dựng (toàn bộ hoặc một số) các hạng mục như: Bộ tài liệu hướng dẫn triển khai Chương trình OCOP (chu trình OCOP, các nội dung hỗ trợ…), cơ chế hoạt động của Ban điều hành các cấp; kế hoạch triển khai chi tiết năm; xây dựng và triển khai các dự án thành phần của chương trình; xây dựng mô hình điểm tại các xã, huyện từ đó làm cơ sở cho cộng đồng học tập cũng như tập huấn cán bộ OCOP huyện; tư vấn về nghiệp vụ trong công tác triển khai chương trình.

Đối với các tổ chức OCOP tại cộng đồng, các đơn vị, nhà tư vấn sẽ thực hiện một số nhiệm vụ chính là: Tư vấn phát triển SMEs, HTX: Tuyên truyền, vận động, hình thành hoặc tái cơ cấu các SMEs, HTX, xây dựng cơ cấu tổ chức, thiết kế mặt bằng,... để đạt các tiêu chuẩn nhà sản xuất theo luật định; tư vấn tài chính: Xác định nhu cầu vốn, nguồn vốn, phương pháp tiếp cận,...; tư vấn phát triển sản phẩm: Xác định nhu cầu thị trường, thiết kế sản phẩm mới, cải tiến sản phẩm đã có,...; tư vấn kỹ năng phân phối, xúc tiến thương mại: Xây dựng kênh phân phối; tư vấn, tập huấn,...; tư vấn quản trị doanh nghiệp (SMEs, HTX) và tư vấn kỹ thuật/công nghệ.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem