Kiến tạo những cơ hội “vàng” để doanh nghiệp bứt phá

Lan Uyên Thứ sáu, ngày 26/02/2021 04:00 AM (GMT+7)
“Chính phủ đã tạo nên những cơ hội “vàng” để doanh nghiệp nắm bắt từ đó bứt phá đi lên chứ không mang tiền cho doanh nghiệp. Đó chính là thành công của Chính phủ kiến tạo” - TS Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, chia sẻ với phóng viên Báo NTNN.
Bình luận 0

Thưa ông, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định quyết tâm "xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân". Đâu là thành công nổi bật trong công tác điều hành của Chính phủ trong 5 năm qua?

- Trong nhiệm kỳ vừa qua, Chính phủ đã khẳng định được quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân nhân. Trong đó, thành công của Chính phủ trong việc kiến tạo các giải pháp nhằm ổn định và phát triển kinh tế được thể hiện khá đậm nét.

Dấu ấn thành công đầu tiên của Chính phủ kiến tạo chính là sự chuẩn bị cho hội nhập kinh tế quốc tế. Nhiệm kỳ vừa qua các Hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP đều đã được ký kết. Đây chính là bước chuẩn bị hành trang cho nền kinh tế hay có thể nói là kiến tạo lộ trình phát triển cho các doanh nghiệp Việt.

Tatnien/ Kiến tạo những cơ hội “vàng” để doanh nghiệp bứt phá - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gian trưng bày sản phẩm 5G của Viettel. Ảnh: V.G.P

img

"Việt Nam là một trong những quốc gia đưa ra nhận định đầu tiên về nền kinh tế thế giới bị đứt gãy cả cung lẫn cầu sớm nhất. Do khẳng định kinh tế thế giới sẽ suy giảm, vì thế nên chúng ta điều hành nền kinh tế không phải theo hướng tăng trưởng bằng mọi giá”.

TS Nguyễn Đức Kiên

Nếu như CPTPP, EVFTA, BITs là những hiệp định thương mại kiểu mới, đưa ra những tiêu chuẩn rất ngặt nghèo từ mua sắm của chính phủ, điều kiện lao động, điện kiện sống của công nhân đến vấn đề bảo vệ môi trường, nhưng đến RCEP thì tiêu chuẩn lại hạ xuống một bước. Tức là trước đó chúng ta chuẩn bị cho các doanh nghiệp Việt ở một tầm cao hơn, nhưng đến khi ký RCEP lại hướng đến những doanh nghiệp có tầm thấp hơn với mục tiêu là để chúng ta có khả năng chen chân vào nhiều hơn các thị trường của RCEP.

Như vậy có thể thấy, công tác chuẩn bị kiến tạo đã được nhìn ở tầm xa. Vì các nước trong RCEP đa phần tương đồng với nền kinh tế Việt Nam, nhưng sẽ chia làm hai nhóm: Một nhóm thuộc top trên (gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), còn lại là các nước thuộc nhóm dưới. Việt Nam nếu chuẩn bị tốt các điều kiện thì sẽ trở thành nước đệm giữa 3 nước dẫn đầu với những nước còn lại trong RCEP.

Với những hiệp định được ký kết trong nhiệm kỳ, Chính phủ đã tạo những cơ hội "vàng" để doanh nghiệp nắm bắt từ đó bứt phá đi lên chứ không mang tiền cho doanh nghiệp.

Hiện có nhiều ý kiến nhận xét khác nhau về vấn đề cung ứng vốn cho nền kinh tế. Trong nhiệm kỳ 5 năm qua, ông đánh giá thế nào về vấn đề điều hành nguồn vốn của Chính phủ?

- Hiện nay, một trong những việc Chính phủ làm được chính là tỷ lệ nợ công đã giảm đáng kể khi đầu nhiệm kỳ là 64,3% thì đến cuối nhiệm kỳ giảm còn 50%, tức giảm 13% trong vòng 4 năm. Nhưng quan trọng là tổng đầu tư toàn xã hội vẫn ở mức 31-32% GDP. Tức là đầu tư công giảm xuống nhưng đầu tư FDI và các thành phần kinh tế khác tăng lên. Điều này có nghĩa Chính phủ đã kiến tạo cho doanh nghiệp cơ hội để phát triển.

Như vậy có thể thấy, thể chế của chúng ta để thu hút FDI, thể chế trong thành lập mới doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác là mở.

Năm 2020, trong khó khăn, Chính phủ đã thể hiện được năng lực điều hành khi chúng ta nhanh chóng kiểm soát được dịch và là một trong số ít các quốc gia có mức tăng trưởng dương. Ông đánh giá gì về thành công này?

- Năm 2020 Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi dịch Covid-19 bùng phát. Nhưng điều may mắn là chúng ta đã kịp thời kiểm soát được. Ngay từ đầu Chính phủ đã đưa ra được phương châm phòng dịch và giảm tốc độ suy giảm của nền kinh tế. Khi đặt mục tiêu ấy ra vào đầu tháng 2/2020, cả đất nước đã vận hành theo và chúng ta đã thành công.

Từ rất sớm Chính phủ đã xác định, phải phòng dịch quyết liệt hơn. Trong phòng chống dịch, các hành động được thực hiện hết sức quyết liệt. Và quan trọng nhất, chúng ta đã kịp thời thay đổi nhận thức. Khi nhận thức ngày càng rõ hơn về cơ chế lây bệnh của dịch Covid-19, chúng ta đã điều chỉnh hoạt động của xã hội và của Chính phủ. Cụ thể, như tháng 3 chúng ta thực hiện giãn cách xã hội toàn quốc nhưng sau đó chỉ thực hiện phong tỏa một xã Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) rồi lùi xuống chỉ phong tỏa một khu phố ở Trúc Bạch (Tây Hồ, Hà Nội), rồi phong tỏa tòa nhà có người nhiễm bệnh và cuối cùng là tự cách ly tại nhà. Như vậy có thể thấy, cơ chế điều hành phòng dịch đã phát triển, linh hoạt, bài bản và phù hợp với nhận thức mà chúng ta có được về cơ chế lây nhiễm bệnh.

Một điểm sáng tạo nữa trong công tác điều hành của Chính phủ trong năm qua chính là việc đưa ra quyết sách rất sớm. Việt Nam là một trong những quốc gia đưa ra nhận định đầu tiên về nền kinh tế thế giới bị đứt gãy cả cung lẫn cầu sớm nhất. Do khẳng định kinh tế thế giới sẽ suy giảm, vì thế nên chúng ta điều hành nền kinh tế không phải theo hướng tăng trưởng bằng mọi giá.

Chính vì dự báo được tình hình nên Chính phủ đã chọn đầu tư công là tâm điểm của tăng trưởng kinh tế năm 2020. Trong lúc dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, xuất khẩu gặp khó khăn thì chúng ta đẩy đầu tư công trong nước ra làm bệ đỡ khiến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế vẫn dương trong khi các nước khác tăng trưởng âm. Đấy chính là hướng đi để "giảm sốc" cho nền kinh tế thể hiện sự linh hoạt, sáng tạo trong điều hành của Chính phủ.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem