Kiên Giang: Ấp nghèo nay đã thoát nghèo

Chúc Ly - An Lâm Thứ bảy, ngày 16/10/2021 19:13 PM (GMT+7)
Bằng nhiều giải pháp, đời sống của nhiều hộ dân ở ấp Thạnh Nguyên, xã Thạnh Hưng (Giồng Riềng, Kiên Giang) thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Đến cuối năm 2020, ấp chỉ còn 9 hộ nghèo, chiếm 1,39% và 21 hộ cận nghèo, chiếm 3,2%.
Bình luận 0

Ấp nghèo của Kiên Giang chuyển mình

Quyết tâm xoá nghèo của ấp Thạnh Nguyên xuất phát từ vai trò tiên phong của chi bộ và các đoàn thể, trong đó đảng viên là nòng cốt. Tất cả đảng viên đều được phân công hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo và cận nghèo.

Hộ bà Nguyễn Thị Phượng có 3 công đất, trước đây do sản xuất không hiệu quả nên cái nghèo cứ đeo bám.

Năm 2019, bà Phượng được hỗ trợ 50 triệu đồng từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội. Có vốn, bà đầu tư chăn nuôi, cải tạo đất bờ bao quanh ruộng trồng thêm rau màu.

Với sự nỗ lực, quyết tâm trong sản xuất và tích luỹ, vợ chồng bà Phượng mua thêm được máy để làm dịch vụ, sắm thêm chiếc chẹt (một loại ghe) để đưa rước khách, có thêm thu nhập hàng ngày. Đến cuối năm 2020 gia đình bà Phượng thoát diện hộ nghèo.

Kiên Giang: Ấp nghèo chuyển mình sau 10 năm nỗ lực - Ảnh 2.

Học sinh đi học trên đường giao thông nông thôn của ấp Thạnh Nguyên, xã Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: An Lâm.

"Nhờ chính quyền quan tâm giúp đỡ, gia đình tôi có điều kiện đầu tư làm ăn, từ đó thoát khỏi cảnh nghèo khó. Từ nay tôi cố gắng làm ăn để cuộc sống tốt hơn", bà Phượng bộc bạch.

Phát huy tốt nội lực cùng tranh thủ sự hỗ trợ từ nhiều phía, ấp Thạnh Nguyên đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo.

Theo ông Đinh Văn Nhanh – Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Thạnh Nguyên, hiện tổng nguồn vốn tín dụng do ấp quản lý đạt hơn 4,5 tỷ đồng. Từ đây, chi bộ và các tổ chức đoàn thể ấp tích cực vận động, tuyên truyền và hỗ trợ giúp hộ nghèo vươn lên. Đến cuối năm 2020, ấp chỉ còn 9 hộ nghèo, chiếm 1,39% và 21 hộ cận nghèo, chiếm 3,2%. So với năm 2010, giảm 28 hộ nghèo và 46 hộ cận nghèo.

Kiên Giang: Ấp nghèo chuyển mình sau 10 năm nỗ lực - Ảnh 3.

Nhờ được ấp tạo điều kiện cho vay vốn, bà Nguyễn Thị Phượng mua được chiếc chẹt đưa rước khách có thu nhập hàng ngày, từng bước vươn lên thoát nghèo. Ảnh: An Lâm.

Giờ đây, đến ấp Thạnh Nguyên, nhiều người không khỏi ngạc nhiên vì sự chuyển mình mạnh mẽ của một ấp từng được xem là điểm nghẽn trong công tác xoá nghèo của xã Thạnh Hưng. 

Nhiều con em địa phương theo học tại các trường cao đẳng và đại học. Đường sá được Nhà nước và nhân dân chung tay xây dựng, giúp việc đi lại dễ dàng, xe máy lưu thông thuận lợi. Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, nhà cửa khang trang hơn.

Ấp nghèo chung tay xây dựng nông thôn mới

Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng cải thiện, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội ổn định. Việc vận động người dân đóng góp xây dựng nông thôn mới trở nên thuận lợi hơn.

Khi nghe ấp nói có một số hộ nghèo không thể tham gia đóng góp làm công trình thắp sáng đường quê, ông Trần Công Nhân (79 tuổi, ngụ ấp Thạnh Nguyên) ngoài đóng góp phần của gia đình còn đăng ký đóng thay cho 3 hộ nghèo khác, tương đương với số tiền 1,8 triệu đồng.

Nhờ sự tích cực hưởng ứng của người dân nên chỉ trong vòng 10 ngày, 100 trụ đèn điện chiếu sáng tại 3 tổ nhân dân tự quản số 16, 17, 18 sớm được thi công.

Kiên Giang: Ấp nghèo chuyển mình sau 10 năm nỗ lực - Ảnh 4.

Đời sống nhiều hộ dân trong ấp cũng được đổi thay nhờ sử dụng nguồn vốn chính sách. Ảnh: An Lâm.

Ông Nhân chia sẻ: "Việc gì có lợi cho xóm, ấp, tôi luôn sẵn lòng đóng góp, bao nhiêu cũng không tiếc. Từ khi có đèn đường, địa phương không còn tình trạng trộm vặt như trước, người dân đi lại, sinh hoạt ban đêm cũng an toàn hơn".

Ấp Thạnh Nguyên có 644 hộ, trong đó 30% hộ không có ruộng đất, 25% hộ có từ 2-3 công ruộng. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng khi địa phương phát động phong trào làm đường giao thông nông thôn, công trình thắp sáng đường quê, hỗ trợ nhà đại đoàn kết… đều được người dân đồng lòng hưởng ứng.

Sự đoàn kết từ trong nội bộ đến nhân dân đã tạo điều kiện cho ấp hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới và tiến tới nông thôn mới nâng cao.

Ông Đinh Văn Nhanh thông tin: "Ấp tiếp tục phát huy thành quả, nâng chất từng tiêu chí đạt được một cách bền vững, nhất là xóa hộ nghèo, phát triển các mô hình kinh tế phù hợp thổ nhưỡng địa phương giúp dân tăng thu nhập. Bên cạnh đó, ấp kiến nghị xã, huyện quan tâm đầu tư cầu bắc qua kênh xáng Thị Đội vì hiện tại ấp có đến 4 bến phà, người dân đi lại gặp nhiều bất tiện, nhất là những trường hợp cần cấp cứu".

TRANG THÔNG TIN NÀY CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI 

NÔNG THÔN MỚI TRUNG ƯƠNG

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem