Kích cầu du lịch ĐBSCL: Du lịch cộng đồng “lên hương”

Thứ sáu, ngày 03/07/2020 19:57 PM (GMT+7)
Phát huy tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, về lịch sử, văn hóa bản địa, cũng như tập tục và lối sống, văn hóa ẩm thực phong phú là cơ sở để Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thu hút khách du lịch. Đặc biệt du lịch cộng đồng, loại hình du lịch đặc thù là tiềm năng lớn cho vùng trong thời gian tới.
Bình luận 0

Chiều 3/7, nằm trong chuỗi hoạt động kích cầu du lịch, tại TP. Cần Thơ, Hội thảo Kết nối Du lịch ĐBSCL với chủ đề "Làm mới du lịch các tỉnh ĐBSCL" được tổ chức. Mục tiêu của sự kiện này nhằm tạo ra diễn đàn trao đổi, đóng góp sáng kiến, từ các cơ quan ban ngành, doanh nghiệp, chuyên gia… nhằm kiến tạo các sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo, hấp dẫn cho vùng du lịch giàu tiềm năng.

Đẩy mạnh kết nối du lịch

Phát biểu tại hội thảo, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết: TP. Cần Thơ có vị trí thuận lợi, điều kiện hạ tầng giao thông đường bộ, đường hàng không và đường thủy thuận lợi, là một điểm đến, điểm trung chuyển kết nối du khách đến vùng ĐBSCL. Cần Thơ đã và đang thu hút đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển du lịch. Tập trung phát triển loại hình du lịch MICE và du lịch đường sông. Theo đó, các sản phẩm du lịch mới như: Du thuyền Victoria Mekong chạy tuyến Cần Thơ – Châu Đốc, du lịch Cộng đồng Cồn Sơn với nhiều sản phẩm mới, cung cấp du khách nhiều dịch vụ trải nghiệm; Công ty Cổ phần Mai Linh dự kiến khai thác tàu cao tốc tuyến Cần Thơ - Côn Đảo trong tháng 7/2020 và nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn sẽ thúc đẩy du lịch ĐBSCL phát triển trong mối liên kết vùng và với TP. HCM.

Kích cầu du lịch ĐBSCL: Du lịch cộng đồng “lên hương” - Ảnh 1.

Nhiều hoạt động kết nối du lịch với TP.HCM và các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL

Thời gian qua, sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Cần Thơ tiếp tục phối hợp với các địa phương trong vùng, các đơn vị truyền thông tuyên truyền và vận động các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch xây dựng các gói dịch vụ hấp dẫn, kết nối các tour tuyến du lịch nhằm góp phần thu hút khách du lịch đến TP.Cần Thơ và vùng ĐBSCL.

Là đơn vị chủ động kết nối du lịch với các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc sở Du lịch TP.HCM, cho biết: "Trong 2 tháng đầu năm đã có 5 nghìn lượt du khách quốc tế xuất phát từ TP.HCM đi các tỉnh ĐBSCL, tăng 14% so với cùng kỳ, dĩ nhiên dịch bệnh Covid-19 đã làm chậm lại sự phát triển này. Nhưng gần đây, hoạt động du lịch trong khu vực ĐBSCL đã bắt đầu khởi động trở lại. Riêng TP.HCM doanh thu du lịch của tháng 6/2020 đã tăng 13,5% so với cùng kỳ. Tôi tin trong tháng 7 này và đợt du lịch hè sẽ có sự cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, không có sự vào cuộc của chính quyền, cơ quan quản lý và doanh nghiệp thì tôi nghĩ rằng mối liên kết này sẽ thiếu sự sôi động".

Du lịch cộng đồng "lên hương"

Những năm gần đây, du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan du lịch tại ĐBSCL thường lựa chọn những tour tuyến du lịch sinh thái cộng đồng, loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho cư dân bản địa. Du lịch cộng đồng không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà còn bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương. Vùng ĐBSCL có nhiều tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, giá trị về lịch sử, văn hóa bản địa của các dân tộc, tập tục và lối sống, văn hóa ẩm thực phong phú của các vùng miền là cơ sở để phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng.

Kích cầu du lịch ĐBSCL: Du lịch cộng đồng “lên hương” - Ảnh 2.

Trải nghiệm xổ vuông tại Cà Mau.

Du lịch sinh thái cộng đồng là loại hình du lịch đang được đầu tư, phát triển mạnh tại TP.Cần Thơ, điển hình là điểm du lịch cộng đồng ở cồn Sơn. Nơi đây kết hợp những thế mạnh từ thiên nhiên, cung cấp dịch vụ du lịch sinh thái cộng đồng một cách đa dạng phục vụ khách du lịch. Du khách đến với Cồn Sơn sau khi được trải nghiệm các hoạt động nuôi thủy sản trên sông Hậu, sẽ hòa mình vào thiên nhiên với vườn cây trĩu quả, được trải nghiệm làm bánh dân gian, làm vườn, tát mương bắt cá…

Vài năm gần đây, Cà Mau nơi cuối cùng Tổ quốc thu hút ngày càng nhiều khu khách về đây, ngoài việc chiêm ngưỡng mốc lịch sử quốc gia ở đất mũi, du khách còn muốn trải nghiệm đời sống của người dân bản địa, len lỏi qua từng rừng đước, mắm, đánh bắt thủy sản…

Ông Lê Văn Dũng, Giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau chia sẻ: "Trước đây, du khách khi đến Mũi Cà Mau chỉ toàn chụp ảnh đến vùng đất cực Nam trên đất liền rồi về, vì nơi đây chưa có các điểm để du khách lưu trú. Tuy nhiên vài năm gần đây, nhiều dự án xây dựng các điểm du lịch cộng đồng, các hộ dân tham gia làm du lịch đã thu hút được nhiều du khách dừng chân tại đây. Du khách được sống cùng người dân, không chỉ trải nghiệm hệ sinh thái rừng ngập, mà cùng ăn, cùng ở, cùng tham gia các hoạt động mưu sinh với dân như giăng lưới bắt cá, bắt ốc len, ba khía, câu cua…".

Kích cầu du lịch ĐBSCL: Du lịch cộng đồng “lên hương” - Ảnh 3.

Khách du lịch thích thú trải nghiệm du lịch xuyên rừng tại Cù Lao Dung, Sóc Trăng

Tỉnh Trà Vinh thời gian gần đây được biết đến với nhiều điểm du lịch cộng đồng, hấp dẫn du khách khắp nơi tìm đến như Cồn Chim đưa vào khai thác từ tháng 5/2019, đã đón hàng chục tour mỗi tháng, với hàng trăm lượt khách từ TP.HCM và các tỉnh về tham quan, trải nghiệm…

Nhận thấy tiềm năng to lớn của du lịch sinh thái của vùng, mới đây 4 địa phương, gồm các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long và Tiền Giang đã cùng bắt tay hợp tác với nhau trong quảng bá, tìm kiếm cơ hội liên kết, hợp tác đầu tư phát triển du lịch sinh thái cho khu vực...

Hồng Cẩm (Ngày hội kích cầu du lịch TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem