Không tranh được với sắn, ngô về lợi nhuận, diện tích thứ cây có thân ăn ngọt lừ ngày càng “teo tóp”

Khánh Nguyên Thứ năm, ngày 13/01/2022 13:29 PM (GMT+7)
Khả năng cạnh tranh với các cây trồng khác thấp hơn đang khiến diện tích mía nguyên liệu ở các địa phương ngày càng teo tóp. Nguy cơ thiếu mía nguyên liệu đang hiện hữu với ngành mía đường.
Bình luận 0

Nhập khẩu đường tăng 340%, ngành mía đường gặp khó

Với diện tích trồng mía hiện tại khoảng 151.000ha, tương ứng sản lượng khoảng 7,66 triệu tấn mía và 0,77 triệu tấn đường, Việt Nam đứng thứ tư tại Đông Nam Á (sau Thái Lan, Indonesia, Philip-pines) và thứ 15 trên thế giới về diện tích trồng mía.

Tuy nhiên, lượng cung trong nước hiện không đủ đáp ứng cầu tiêu dùng và được bù đắp bằng lượng nhập khẩu. 

Trong giai đoạn 2017 - 2020, bình quân mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu 1,2 - 1,8 triệu tấn đường, trong đó nhập khẩu chính ngạch chiếm từ gần 30 - 90% trong tổng lượng nhập khẩu, tùy theo từng năm; phần còn lại (10 - 70%) là đường nhập lậu.

Theo ông Cao Anh Đương - Quyền Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, sản xuất mía đường trong nước đang phải cạnh tranh khốc liệt với đường nhập khẩu, đặc biệt kể từ khi Việt Nam tham gia Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), theo đó thuế nhập khẩu đường nhập khẩu vào Việt Nam giảm còn 0-5% theo từng mặt hàng cụ thể, bắt đầu từ 1/1/2020.

Nỗi lo diện tích mía dần “teo tóp” - Ảnh 1.

Ngành mía đường đang đối mặt với nỗi lo thiếu nguyên liệu. Phun chế phẩm phân bón lá ở Nông trường mía Biên Hoà - Thành Long (Tây Ninh). Ảnh: T.L

Nỗi lo diện tích mía dần “teo tóp” - Ảnh 2.

Điều này được thể hiện ở con số diện tích trồng mía giảm từ hơn 274.000ha trong vụ 2016- 2017 xuống còn gần 151.000ha hiện nay, tương đương mức giảm trên 45%. 

Nếu như năm 2017 cả nước có 38 nhà máy chế biến đường thì hiện chỉ còn 29 nhà máy. Từ 2017 tới nay sản lượng đường giảm từ 1,24 triệu tấn xuống còn 0,77 triệu tấn, tương đương mức giảm 38%. 

Ngược lại, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam ngày càng tăng, riêng lượng nhập năm 2020 tăng gần 340% so với năm 2019.

Sự suy giảm về quy mô của ngành mía đường còn phải kể đến một số yếu tố nội tại của ngành là nguyên nhân dẫn đến chuỗi cung không bền vững. 

Người trồng mía, chủ yếu là các hộ gia đình, đóng vai trò chủ đạo ở đầu chuỗi cung, cung cấp phần lớn lượng mía nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. 

Tuy nhiên, nhóm hộ trồng mía chỉ nhận được dưới 11% trong tổng lợi nhuận từ chuỗi, tiếp đến là các nhà máy đường, gần một nửa (44%) lợi nhuận rơi vào khâu phân phối.

"Các yếu tố nội tại này đang tác động tiêu cực trực tiếp tới hiệu quả sản xuất kinh doanh và tính cạnh tranh của ngành. Các yếu tố nội tại này còn có tác động tiêu cực trực tiếp tới hiệu quả sản xuất kinh doanh mía đường và khả năng cạnh tranh của cây mía so với các cây trồng khác có sử dụng cùng nguồn quỹ đất" - ông Cao Anh Đương nhận định.

Cần có chính sách đặc thù cho ngành mía đường

Báo cáo: "Chuỗi cung ngành mía đường Việt Nam, thực trạng và một số khía cạnh phát triển bền vững" do Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Tổ chức Forest Trends thực hiện cho thấy, trong vụ 2019-2020, tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, cây sắn, ngô, keo lai có hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây mía khoảng 500-800% tính trên cùng một đơn vị diện tích đất. 

Tại khu vực Đông Nam Bộ, cây sắn và ngô vượt trội khoảng 1.000-3.000% về hiệu quả so với cây mía. Tại vùng Tây Nam bộ, cây lúa cho hiệu quả cao hơn cây mía khoảng 3.000 - 4.400%.

"Mức cạnh tranh thấp và các khó khăn và tồn tại của ngành nêu trên đặt ra câu hỏi liệu cây mía nói riêng và ngành mía đường của Việt Nam nói chung có thể tồn tại được trong tương lai?" - ông Cao Anh Đương nêu câu hỏi.

Theo nhóm nghiên cứu, nếu Việt Nam cần ngành mía đường tồn tại và phát triển trong tương lai, ngành cần phải có những thay đổi vĩ mô, nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh. Cần có chính sách đặc thù về liên kết chuỗi trong ngành mía. 

Chính sách này cần đảm bảo các hộ trồng mía được ưu tiên một cách cao nhất, với lợi ích được chia sẻ công bằng giữa các bên tham gia, đảm bảo lợi ích của hộ trồng mía thu được chiếm khoảng 60 - 70%, còn lại (30 - 40%) là của các nhà máy chế biến.

Thứ hai, nâng cao sức cạnh tranh trong khâu sản xuất. Điều này có thể đạt được bằng việc xúc tiến hình thành các liên kết không chỉ giữa các nhà máy đường và các hộ trồng mía mà còn giữa các hộ sản xuất để hình thành các tổ, nhóm, hợp tác xã nhằm liên kết với các nhà máy, cũng như giữa các nhà máy.

Thứ ba, nâng cao sức cạnh tranh trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm, giảm thiểu tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà máy và trong hệ thống thương lái.

Thứ tư, tăng cường kiểm soát nhập khẩu, đặc biệt là đối với luồng cung nhập lậu.

Thứ năm, đánh giá tổng thể, khách quan về lợi thế cạnh tranh của ngành, bao gồm cả sự cạnh tranh giữa cây mía và cây trồng khác có sử dụng cùng nguồn quỹ đất.

Và cuối cùng, hình thành tổ chức đại diện hiệu quả cho các hộ trồng mía. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem