Không thể “dĩ hòa vi quý” khi lựa chọn cán bộ

Lương Kết (thực hiện) Thứ tư, ngày 13/05/2015 07:00 AM (GMT+7)
“Hôm qua tôi chấm phúc tra mới thấy có những cán bộ không nên cho đi thi vì nhiều bài viết nguệch ngoạc, tự trọng rất kém, lại toàn là cấp vụ trưởng, giám đốc sở. Thi vấn đáp thì rất nhiều giám đốc sở,  vụ trưởng không nắm rõ hoặc còn lơ mơ về nội dung quản lý nhà nước...”- ông Nguyễn Đình Quyền (ảnh) phát biểu như vậy ngày 11.5 trong phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 
Bình luận 0

img
TS luật học Nguyễn Đình Quyền

Để làm rõ thêm về phát biểu này, ngày 12.5, phóng viên NTNN đã trao đổi với TS luật học Nguyễn Đình Quyền.

Thưa TS, ông đã nói ra trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội câu chuyện ông đi chấm thi chuyên viên cao cấp và cảm thấy lo ngại vì dường như trình độ cán bộ đi xuống... Ông có thể chia sẻ sâu hơn về câu chuyện này?

img
Minh họa: Ngọc Diệp

- Tôi đi chấm thi thì không biết người ta là ai, thi chuyên viên cao cấp ít nhất phải từ cỡ phó vụ trưởng trở lên, còn lại hầu hết là vụ trưởng thì mới đủ tiêu chuẩn để thi. Còn ở tỉnh thì giám đốc sở, phó chủ tịch UBND tỉnh mới đủ điều kiện cả về trình độ và thời gian công tác để đi thi chuyên viên cao cấp. Thế nhưng khi họ đi thi, tôi chỉ hỏi những kiến thức rất cơ bản về quản lý nhà nước thấy nhiều người nắm lơ mơ. Đó là một thực trạng đáng báo động, cho thấy đội ngũ cán bộ quản lý cần phải được rà soát lại về năng lực và trình độ. Đội ngũ này chúng ta coi là đội ngũ tinh túy (ở địa phương là giám đốc sở, ngành, ở T.Ư thì cỡ vụ trưởng), là đội ngũ chuyên gia tham mưu chiến lược, thế mà trình độ còn như vậy thì rất đáng lo ngại.

 Những cán bộ đi thi mà trình độ lơ mơ như ông nói cần phải được sớm loại bỏ để hoạt động của các đơn vị vận hành tốt hơn, hạn chế những yếu kém, sai lầm có thể gây ra?

- Lúc tôi chấm thi thì ai trượt thì trượt rồi, ai đỗ thì đã đỗ rồi. Tôi chỉ là một chuyên gia đi chấm thi, không liên quan đến công tác quản lý cán bộ. Công tác cán bộ là việc chung của cả nước, việc đi thi liên quan đến cả nước thì các cơ quan nhà nước phải rà soát lại đội ngũ để trong bộ máy co nhiều cán bộ có năng lực, trình độ, đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới hiện nay.

Cán bộ là gốc của mọi công việc, cán bộ tốt mới thành công. Theo ông, chúng ta cần phải làm gì để lựa chọn được đúng những cán bộ đáp ứng được trình độ chuyên môn và có đủ phẩm chất, đạo đức công vụ?

- Đánh giá cán bộ phải nghiêm minh hơn, không thể "dĩ hòa vi quý”. Muốn nghiêm minh phải có tiêu chí cụ thể, rõ ràng để đánh giá cán bộ- tiêu chí quan trọng nhất là sản phẩm và chất lượng công việc. Thứ hai nữa là phải minh bạch, dân chủ trong việc đánh giá cán bộ.

Đành rằng việc đánh giá cán bộ là quá trình rất khó, không chỉ với Việt Nam mà ở cả các nước cũng vậy, nhưng quan trọng là phải đưa ra được tiêu chí đánh giá cán bộ cụ thể, quá trình thực hiện minh bạch, dân chủ, đảm bảo công bằng thì việc đánh giá mới thực chất.

Thưa ông, quay lại câu chuyện nông sản “được mùa mất giá” mà ông và nhiều thành viên Thường vụ Quốc hội đã góp ý kiến, phải chăng vai trò của bộ máy nhà nước trong hoạch định chính sách, tổ chức thực hiện đang có vấn đề?

Quan điểm

TS Nguyễn Đình Quyền
 Theo tôi, tất cả các khâu cần phải rà soát lại, từ khâu đào tạo, tuyển dụng, xem xét bổ nhiệm, tái bổ nhiệm, kiểm tra... phải làm đồng bộ thì mới có được đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng được yêu cầu của đất nước, của nhân dân”. 
- Cái này do nhiều nguyên nhân, đối với bộ máy nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức thì phải xem xét nguyên nhân từ cách hoạch định chính sách cho đến điều hành. Câu chuyện nông sản ế ẩm, được mùa mất giá đâu phải ngày hôm nay mới có mà đã kéo dài hàng chục năm. Hết chuyện hạt điều, cây hồ tiêu, gạo, vấn đề cá basa, tôm... được mùa mất giá khiến người nông dân điêu đứng.

 

Người dân chỉ biết sản xuất ra sản phẩm, còn vai trò của nhà nước phải điều tiết, tạo điều kiện về mọi mặt như thị trường, giống cây trồng, bảo quản... Vai trò của Nhà nước trên nhiều lĩnh vực, đầu tiên là hoạch định chính sách. Người cán bộ tham mưu để có chính sách dài hạn, dài hơi cho các sản phẩm. Trong công nghiệp có công nghiệp phụ trợ, trong nông nghiệp có nông nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm… Chúng ta đã nghe chuyện người nông dân từng phải đổ sữa ra đường vì bị ép giá, người dân không muốn đi thu hoạch mía, thu hoạch vải, dưa hấu... Tất cả những cái đó cho thấy vai trò của Nhà nước rất là lớn. Như vậy việc hoạch định chính sách của Nhà nước trong vấn đề này chưa sát thực tiễn. Mà Nhà nước là ai? Nhà nước chính là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là liên quan đến trình độ và trách nhiệm.

Tôi không biết các bộ ngành đã hoạch định đến đâu, nhưng đến giờ vẫn để xảy ra tình trạng như vậy thì rõ ràng chiến lược về lĩnh vực đó không đi vào cuộc sống.

Vấn đề thứ hai là mối quan hệ giữa người sản xuất và thị trường. Chúng ta có bao nhiêu viện nghiên cứu, bao nhiêu nhà hoạch định chính sách, tại sao vẫn để xảy ra tình trạng nông sản ế ẩm? Cần phải xem lại năng lực hoạch định chính sách, năng lực tổ chức thực hiện chính sách, và tất nhiên là cả năng lực, trách nhiệm của cán bộ quản lý nữa. Rõ ràng, chúng ta cần đánh giá một cách nghiêm túc, bài bản năng lực của bộ máy quản lý nhà nước, từ tham mưu hoạch định đến tổ chức thực hiện chính sách.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem