Không được dạy văn hóa trong trường nghề: Học sinh, nhà trường cùng... thiệt!

Thùy Anh Thứ tư, ngày 31/03/2021 06:00 AM (GMT+7)
Sau thời gian loay hoay tìm cách giải quyết, tới nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc tổ chức dạy văn hóa THPT cho học sinh học nghề. Hậu quả là có hơn 1 triệu học sinh học nghề đang bị "tắc" không thể học văn hóa.
Bình luận 0

Đẩy học sinh vào thế khó, trường vào thế lãng phí!

Hoàng Thị Giang là học sinh lớp 11, hệ 9+ của Trường CĐ Công nghiệp Thanh Hóa. Dù chỉ còn 1 năm nữa là Giang có thể tốt nghiệp tham gia kỳ thi THPT quốc gia để lấy bằng, nhưng nguy cơ "thất học" của em đang hiện hữu. Lý do là bởi hết học kỳ này em sẽ không tiếp tục học văn hóa tại trường. Muốn học văn hóa tiếp có thể Giang phải quay về xin học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) của thành phố.

"Lúc đầu, em được thầy cô giới thiệu là học nghề 9+ có rất nhiều lợi ích, học xong vừa có bằng nghề vừa được học văn hóa, thi lấy bằng tốt nghiệp THPT. Thế nhưng giờ việc học văn hóa lại bị ách tắc thế này không biết tới bao giờ em mới hoàn thành chương trình học"- Giang nói.

Không được dạy văn hóa trong trường nghề: Học sinh, nhà trường cùng... thiệt! - Ảnh 1.

Học sinh học nghề may tại Trung tâm GDTX Thái Nguyên. Ảnh: Nguyệt Tạ

"Những năm gần đây, có tới 80% học sinh tốt nghiệp THCS vào học GDNN có nhu cầu học văn hóa THPT để tham dự kỳ thi quốc gia lấy bằng tốt nghiệp THPT. Hiện mỗi năm cả nước có hơn 300.000 học sinh tốt nghiệp THCS đang vừa học văn hóa vừa học nghề. Cộng dồn thì có khoảng 1 triệu học sinh sẽ bị ảnh hưởng bởi chính sách này. Thay vì phải kéo dài thời gian học tập, chỉ sau 3 năm vừa học văn hóa, vừa học nghề, các em có thể bước chân vào thị trường lao động với đầy đủ kỹ năng của người thợ trình độ trung cấp".

Ông Trương Anh Dũng -

Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN

Không chỉ học sinh bất an, nhà trường cũng gặp nhiều khó khăn. Thầy La Ngọc Tuân - Hiệu Phó Trường CĐ Cơ điện Thanh Hóa cho biết. Trước đây trường tuyển 50 giáo viên về dạy các môn văn hóa. Kèm theo đó, trang bị nhiều phòng học, máy móc để dạy học. Giờ không được dạy văn hóa thì sẽ gây lãng phí rất lớn. Chính bất cập này mà hơn 1.000 học sinh học nghề 9+ của nhà trường đang rất hoang mang lo lắng.

"Cái khó nữa là, nếu phải liên kết với trung tâm giáo dục thường xuyên dạy văn hóa thì trường sẽ không thể chủ động thời gian đào tạo. Thay vì dạy 3 năm xong chương trình 9+ thì thời gian này có thể sẽ bị kéo dài hơn, lên 4-5 năm"- thầy Tuân nói.

Ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ Điện Hà Nội cho biết, để dạy văn hóa, nhà trường đã phải liên kết với Trung tâm GDTX huyện Ba Vì để dạy học sinh theo mô hình 9+. Các giáo viên dạy văn hóa là người của Trung tâm GDTX. Sau khi hoàn thành chương trình này, học sinh có quyền tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia.

Không được dạy văn hóa trong trường nghề: Học sinh, nhà trường cùng... thiệt! - Ảnh 3.

Học sinh học nghề tại Trường CĐ Công nghiệp Thanh Hóa. Ảnh: P.V

img

Cần trình Quốc hội xem xét quyết định

"Không ai cấm dạy văn hóa (4 môn - PV) trong trường nghề. Thế nhưng việc các trường nghề muốn dạy văn hóa (dạy 7 môn) để thi tốt nghiệp, học sinh vừa lấy bằng nghề vừa lấy bằng tốt nghiệp THPT là trái luật. Anh muốn được cấp bằng THPT thì anh phải học chương trình THPT do đơn vị được chỉ định dạy khối lượng kiến thức chương trình THPT. Nếu muốn có thể học xong nghề rồi thi học lên ĐH, đâu nhất thiết cứ phải vừa học nghề vừa học văn hóa và nhận bằng tốt nghiệp THPT. Về vấn đề quyết định, cho hay không cho trường nghề dạy văn hóa để cấp bằng THPT cho học sinh liên thông lên ĐH, tôi nghĩ nên trình lên Thường vụ Quốc hội để xem xét quyết định".

TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT)

img

Sẽ có hướng dẫn mới

"Đối với học sinh không có định hướng chọn THPT mà đi theo hướng GDNN sau THCS thì học ở các cơ sở GDNN, các trường trung cấp, cao đẳng nghề. Những năm vừa qua, nội dung giáo dục phổ thông vẫn đang thực hiện trong chương trình khung trung cấp chuyên nghiệp với các modul về khối lượng kiến thức văn hóa cho học sinh theo Thông tư 16/2010TT-BGDĐT. Hiện Bộ GDĐT đang soạn thảo thông tư hướng dẫn về khối lượng kiến thức THPT cho đối tượng học sinh có bằng tốt nghiệp THCS học theo chương trình trung cấp trong cơ sở GDNN. Dự kiến trong tháng 4 sẽ đăng tải dự thảo này để lấy ý kiến".

Ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng

Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT)

Ông Ngọc cho biết, năm 2020, trường tuyển 140 học sinh hệ này. Dự kiến năm 2021, trường nâng chỉ tiêu lên khoảng 400 em. Tuy nhiên, việc liên kết cũng tốn khá nhiều thời gian, công sức để sắp đặt lịch học. Ông Ngọc đề xuất Bộ GDĐT nên tạo cơ chế, trao quyền cho các trường nghề được dạy văn hóa cho học sinh theo mô hình 9+ nếu đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và quản trị được chất lượng đầu ra theo quy định.

"Bên cạnh đó, cũng cần thiết kế chương trình học nghề văn hóa theo hướng tích hợp. Chỉ dạy các môn văn hóa gắn liền với nghề nghiệp. Ví dụ học sinh học khối kỹ thuật thì học nhiều toán, lý. Các môn khác chỉ cần học vừa đủ để thi tốt nghiệp THPT. Với học sinh học nghề khối xã hội thì học thêm các môn văn hóa như: ngữ văn, lịch sử..."- ông Ngọc kiến nghị.

Kêu "cứu" Thủ tướng

Sau những phân tích cụ thể thấy được ưu, nhược điểm của việc dạy văn hóa trong trường nghề, đặc biệt dạy học các môn văn hóa để học sinh có thể học lên trình độ cao hơn, Bộ LĐTBXH đã nhiều lần kiến nghị Bộ GDĐT sớm có nghị định quy định về việc dạy văn hóa trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Thế nhưng tới nay vẫn chưa có kết quả.

Gần đây nhất, ngày 26/3, các hiệp hội (bao gồm: Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam; Hiệp hội các Trường cao đẳng, Trung cấp và kỹ thuật) đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ "kêu cứu" việc Bộ GDĐT chậm ban hành thông tư quy định việc dạy văn hóa trung học phổ thông trọng dạy nghề, khiến quyền lợi các em bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục năm 2019, người học tốt nghiệp THCS đi học trình độ trung cấp, có thể học thêm văn hóa THPT để liên thông lên trình độ cao hơn và Bộ trưởng Bộ GDĐT có trách nhiệm ban hành thông tư quy định về khối lượng kiến thức văn hóa THPT mà người học phải tích lũy. Tuy nhiên, đến nay, Bộ GDĐT vẫn chưa ban hành được thông tư này.

Trước năm 2018, tại nhiều địa phương, Sở GDĐT đã cho phép các trường nghề được tổ chức giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT (học 7 môn văn hóa bắt buộc). Người học, sau khi hoàn thành chương trình được tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT để nhận được bằng tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, người học có bằng tốt nghiệp trung cấp nếu đã học xong khối lượng kiến thức văn hóa THPT (4 môn) thì cũng được tham dự kỳ thi đại học.

Tuy nhiên, kể từ năm 2019, Bộ GDĐT đã chỉ đạo các Sở GDĐT không cho phép các cơ sở GDNN được tổ chức giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT mà chỉ được giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT (tức là chỉ được dạy chương trình 4 môn học). Điều này khiến học sinh chỉ được liên thông từ trung cấp lên cao đẳng trong hệ thống GDNN, chứ không liên thông lên đại học.

Trước thực trạng này, Hiệp hội các Trường nghề kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GDĐT sớm ban hành thông tư quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT; Đồng thời kiến nghị Bộ GDĐT sớm ban hành thông tư quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT và việc giảng dạy văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN.

Trong đó cần quy định rõ: Khối lượng kiến thức THPT để giảng dạy trong các cơ sở GDNN, điều kiện để cơ sở GDNN được tham gia giảng dạy văn hóa THPT theo Luật Giáo dục năm 2019; nơi nào đủ điều kiện thì được dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT; người học có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp (nghề nghiệp), được tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm, được học liên thông lên trình độ đại học sau khi hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT… 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem