Khó “tứ bề” vì dịch Covid-19, doanh nghiệp vẫn căng mình tìm cơ hội xuất khẩu

Quốc Hải Thứ năm, ngày 16/09/2021 20:01 PM (GMT+7)
Đại dịch Covid-19 gây khó khăn cho hoạt động thương mại xuyên biên giới theo phương thức truyền thống, vì thế, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đang căng mình tìm nhiều giải pháp để tối ưu hóa hoạt động, duy trì và phát triển thị trường…
Bình luận 0

Khó "tứ bề" vì dịch Covid-19

Bà Lưu Vũ Ngọc Ngân, phó Giám đốc Công ty Kim Minh International (TP.Thủ Đức) - DN chuyên xuất khẩu rau củ quả tươi, đông lạnh và nước ép trái cây, cho biết, dịch Covid-19 khiến DN gặp khó khăn "tứ bề". Chẳng hạn, trong vận chuyển, tình trạng khan hiếm container lạnh do nhu cầu xuất khẩu tăng cao làm cho giá cước tăng đột biến. Đơn cử, nếu vào tháng 6/2021 thì cước đi Shanghai, Trung Quốc tầm khoảng 800usd/Cont 40"RF thì giá hiện tại vào khoảng 1.800usd/Cont 40". Hoặc, cước biển đi Hà Lan tăng từ 6.000usd/Cont 40" lên 10.000usd/ Cont 40".

"Chưa kể, Cảng Cát Lái tạm thời ngưng tiếp nhận đóng hàng lạnh tại bãi, nên doanh nghiệp phải phát sinh chi phí kéo container về đóng hàng tại kho riêng, chi phí kéo container lạnh cao hơn nhiều so với chi phí vận chuyển bằng xe tải lạnh", bà Ngân nói.

Khó “tứ bề” vì dịch Covid-19, doanh nghiệp vẫn căng mình tìm cơ hội xuất khẩu  - Ảnh 1.

Kiểm tra chất lượng trái sầu riêng ở đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: Trần Đáng

Không chỉ gặp khó trong vận chuyển, Kim Minh International cũng gặp khó khăn về nguồn cung như: Một số nhà máy không thể lo được vấn đề 3 tại chỗ cho toàn bộ công nhân, nên thu hẹp sản xuất, sản xuất chỉ 1/3 so với công suất thực tế nên tiến độ giao hàng bị chậm trễ; Một số nhà máy đóng cửa tạm thời do nằm trong vùng phong tỏa nên nguồn cung hoàn toàn đứt gãy; Tình trạng trái cây đến mùa thu hoạch nhưng thiếu hụt nhân công để sơ chế đóng gói…

Chưa kể, một số nước nhập khẩu cũng đang bị bùng phát dịch nên hạn chế số lượng nhập khẩu như Thailand, Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia…

Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu cũng cho biết, hiện tại, công ty đang thu mua từ 100 đến 200 tấn sầu riêng/ngày để xuất khẩu. Do tình hình dịch bệnh nên công ty cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác vận chuyển, giá cước tăng cao.

Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của cả nước 8 tháng đầu năm ước đạt 32,1 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 8/2021 lại sụt giảm đáng kể, chỉ đạt 3,4 tỷ USD, giảm 21,6% so với cùng kỳ năm trước và giảm 22% so với tháng 7/2021…

Ông Nguyễn Quốc Minh, giám đốc một DN xuất khẩu trái cây tại huyện Bình Chánh phân tích, cái khó cho các DN xuất khẩu là đa số bán theo phương thức CIF, bên xuất khẩu phải trả phí cước tàu. Trong bối cảnh cước tàu tăng mạnh như hiện nay, nếu nhà nhập khẩu không chia sẻ thì chi phí đó sẽ là gánh nặng cho các DN.

"Trong bối cảnh hiện nay, giá bán thì khó tăng bởi thực tế các thị trường tiêu thụ cũng đều mới phục hồi sau dịch Covid-19, người tiêu dùng không chấp nhận giá tăng cao nên cuối cùng doanh nghiệp Việt phải… "gánh" nếu vẫn muốn duy trì thị trường", ông Minh nói.

Chưa kể, theo vị này, do hiện nay các DN Việt cũng đang phụ thuộc vào các hãng vận tải quốc tế vì chúng ta hiện không có hãng vận tải nào có tàu và có đường vận chuyển container quốc tế. Thậm chí, ngay cả khi DN chấp nhận chi phí vận chuyển tăng vọt để giữ "mối" khách hàng, đăng ký được container thì không còn chỗ trên tàu.

"Ngoài việc cước vận chuyển tăng lên, thì tình hình lịch trình tàu hàng không ổn định, thường xuyên chậm trễ nên đối với một số mặt hàng trái cây tươi thì nhiều hãng tàu tạm thời ngưng cung cấp dịch vụ. Chẳng hạn, trái Thanh Long xuất khẩu đi Ấn Độ giảm mạnh, do các hãng tàu từ chối cung cấp dịch vụ cho mặt hàng trái cây tươi vận chuyển bằng đường biển đến nước này", ông Minh nói thêm.

Tìm cơ hội trong khó khăn

Để tìm cơ hội trong khó khăn, các DN xuất khẩu nông sản đều tận dụng các thế mạnh sẵn có, đồng thời hoàn thiện thêm những mắt xích còn yếu trong chuỗi cung ứng của mình.

Tại Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu, bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc DN này cho biết, do năm nay cước vận chuyển tăng cao nên công ty hạn chế xuất khẩu sản phẩm tươi. Thay vào đó, công ty đẩy mạnh hàng chế biến sâu như hàng sấy, đông lạnh.

"Khuynh hướng tiêu dùng của nhiều quốc gia bắt đầu có sự thay đổi. Người tiêu dùng mua nhiều sản phẩm đông lạnh để trữ ăn dần chứ không đi chợ để mua hàng tươi như trước", bà Vy nói.

Khó “tứ bề” vì dịch Covid-19, doanh nghiệp vẫn căng mình tìm cơ hội xuất khẩu  - Ảnh 3.

Công nhân trong dây chuyền sản xuất tôm tại Fimex VN - Ảnh: DNCC

Cũng theo bà Vy, ngoài đẩy mạnh chế biến sâu, Công ty Chánh Thu còn chủ động chuỗi liên kết bằng cách sử dụng nguồn nhân lực địa phương của mỗi vùng nguyên liệu. Cụ thể là công ty mời thương lái từ các địa phương tham gia vào chuỗi liên kết để sau dịch bệnh, nông dân sẽ thấy được giá trị khi tham gia vào chuỗi liên kết.

"Cái lợi lớn nhất mà Công ty Chánh Thu thu được trong đợt dịch này là việc liên kết giữa DN và nông dân chặt chẽ hơn, nông dân chủ động hợp tác hơn. Trong khó khăn càng thấy rõ giá trị của việc liên kết, hợp tác", bà Vy nói thêm.

Với Công ty Kim Minh International, để tìm kiếm cơ hội trong mùa dịch, DN này khuyến khích nhân viên khai thác triệt để các sàn giao dịch thương mại điện tử để tìm kiếm, tiếp cận nhanh chóng các nhà nhập khẩu trên thế giới; đồng thời đa dạng hoá sản phẩm để mở rộng tệp khách hàng trong nhiều lĩnh vực.

"Chúng tôi cùng khách hàng ngồi lại đàm phán, chia sẻ rủi ro về giá cước, tiến độ giao hàng; đồng thời kết hợp chặt chẽ với nhà cung cấp trong nước để nắm rõ mùa vụ thu hoạch, từ đó có phương án tập trung chào bán xuất khẩu sản phẩm phù hợp cũng như nắm rõ tiến độ sản xuất và thời gian giao hàng nhằm giảm phát sinh chi phí lưu kho, chạy điện… Nhờ có sự liên kết, chia sẻ thông tin như vậy, Công ty Kim Minh International vẫn có thể xuất khẩu ổn định trong mùa dịch", bà Ngân cho hay.

Còn theo bà Trần Thị Yến Phi - CEO Công ty TNHH TM & Dịch vụ DSW - một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trực tuyến - cho biết, trong khi nhiều công ty sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không đáp ứng được các yêu cầu chống dịch, đã phải ngừng hoạt động thì trong 4 tháng qua, DSW vẫn hoạt động tốt, nhận được nhiều đơn hàng nhờ kết nối trực tuyến trên alibaba.com.

"Trong tháng 9 này, DSW đã nhận được các đơn hàng xuất khẩu với khối lượng 12 container nông sản, hoa quả. Dự kiến doanh thu xuất khẩu nông sản của DSW trong năm 2021 sẽ tăng khoảng 35% so với năm 2020, nhờ các đơn hàng trực tuyến từ thị trường Mỹ, châu Phi… gia tăng", bà Phi chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem