Khi "rác" livestream "tấn công" sức đề kháng non trẻ của hàng triệu người dùng mạng xã hội (Kỳ 1)

Nguyễn Thịnh Thứ năm, ngày 17/06/2021 09:39 AM (GMT+7)
Livestream ngày càng trở thành một hình thức thông tin mới được ưa chuộng trên mạng internet nhờ sự tiện dụng, nhanh chóng và dễ tiếp cận. Tuy nhiên với việc các livestream lệch chuẩn đang ngày càng phổ biến thì tất cả cần chung tay để loại bỏ.
Bình luận 0

"Rác" livestream nhan nhản

Nhìn ở góc độ giao tiếp, đây là công cụ rất tốt, giúp người livestream dễ bộc lộ cảm xúc, hành động, cũng như dễ tiếp cận và nhận được sự quan tâm chia sẻ của nhiều người. Đây cũng là công cụ rất hữu hiệu để truyền tải, thông tin nhanh những sự việc.

Hình ảnh nghệ sỹ Xuân Bắc đội mũ cối đứng livestream bán vải nói riêng nhằm hỗ trợ bà con nông dân Bắc Giang, và bán nông sản nói chung như làm tươi mát những ngày hè nóng nực tháng 6. Một nghệ sĩ khác là Quyền Linh cũng thông báo trên Fanpage cá nhân về việc anh sẽ tham gia chương trình livestream kêu gọi mọi người cùng mua vải thiều ủng hộ Bắc Giang.

Khi "rác" livestream "tấn công" sức đề kháng non trẻ của hàng triệu người dùng mạng xã hội (Kỳ 1) - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Xuân Bắc livestream bán nông sản giúp bà con nông dân - Đây là hình ảnh đẹp cần lan toả.

Giữa đại dịch Covid-19, livestream còn là kênh giúp lan toả những điều tốt đẹp như sự hi sinh vất vả của những bác sỹ, những người chống dịch tuyến đầu. Đối với nhiều cơ quan văn phòng hay học sinh sinh viên, livestream trở thành phương tiện làm việc, học tập hữu hiệu.

Tuy nhiên có không ít cá nhân lại dùng livestream lệch chuẩn. Họ dùng livestream để bày tỏ quan điểm cá nhân, dùng những ngôn từ tục tĩu, xúc phạm danh dự người khác. Một số người đã không có sự chọn lọc, hoặc vì tò mò, thiếu hiểu biết lại chia sẻ những livestream lệch chuẩn như vậy.

Thực tế, ngày càng nhiều cá nhân lợi dụng mạng xã hội để livestream chửi bới, cho mình cái quyền phán xét, nhục mạ, công kích người khác nếu không vừa ý. Chỉ cần gõ từ khóa "livestream chửi nhau", "thánh chửi"… trên google là ra hàng triệu kết quả các loại.

Từng có nhiều "hiện tượng mạng" nổi lên chỉ vì những lần livestream với những nội dung chửi bới cũng bị dư luận phản ứng như Khá "Bảnh", Dương Minh Tuyền…

Gần đây những buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng cũng thu hút lượng người xem rất lớn. Bà đã dám khui ra những điều khuất lấp trong giới nghệ sĩ. Tuy nhiên, dù bất cứ lý do gì thì điều đáng quan tâm là vì sao cái cách huỵch toẹt, thô tục, thậm chí thóa mạ và gọi các nghệ sĩ là "cái bọn", "đám", xưng hô mày- tao như ngoài chợ...

Hệ luỵ từ cách dùng từ ngữ, ngữ điệu ấy ảnh hưởng đến không ít người. Và thậm chí nhiều người chưa từng xem livestream của bà Hằng còn bị coi là... lạc hậu

Sau đó, bà Phương Hằng đã phải làm việc với Thanh tra Sở TTTT TPHCM và cam kết sẽ không livestream có nội dung, phát ngôn xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.

"Livestream trên mạng xã hội phải tuân thủ các quy định, không vi phạm pháp luật"

Theo Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, trong tất cả phát ngôn, người dùng mạng xã hội nên cẩn trọng và nên xem xét phát ngôn của mình có khả năng gây tổn hại, ảnh hưởng đến người khác hay không.

Khi "rác" livestream "tấn công" sức đề kháng non trẻ của hàng triệu người dùng mạng xã hội (Kỳ 1) - Ảnh 2.

"Tự do ngôn luận là một trong những quyền cơ bản của con người cần được tôn trọng và bảo đảm. Tuy nhiên ở bất kỳ quốc gia nào, tự do ngôn luận cũng phải nằm trong khuôn khổ pháp luật nhằm tránh hiện tượng bị lợi dụng, gây phương hại đến quyền, lợi ích của cá nhân khác, đến đạo đức xã hội, trật tự công cộng và an ninh quốc gia. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, internet và mạng xã hội đã trở thành công cụ thể hiện quyền tự do ngôn luận của đông đảo người dân, điều này đặt ra nhiều vấn đề về xã hội và pháp lý, trong đó có việc quản lý thông tin trên không gian mạng hiện nay.

Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận của công dân. Tự do ngôn luận được xem là quyền hiến định ngay trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946: "Công dân Việt Nam có quyền: tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài" (Điều 10). Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 tiếp tục khẳng định: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định" (Điều 25).

Bên cạnh đó, chúng ta còn có Luật Báo chí năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016. Khung pháp lý của nước ta về quyền tự do ngôn luận cơ bản đầy đủ, đồng bộ, tương thích với luật pháp quốc tế về quyền con người. Cũng giống như các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam có những quy định để hạn chế và ngăn chặn những hành vi lợi dụng tự do ngôn luận, xâm hại tới lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

Danh dự, nhân phẩm, uy tín là những yếu tố nhân thân phi tài sản gắn liền với mỗi cá nhân, thể hiện phẩm chất, đạo đức và giá trị của mỗi cá nhân. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Theo Hiến pháp 2013 thì "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình".

Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình. Hay như, Hiến pháp cũng quy định người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Qua sự việc của bà Nguyễn Phương Hằng chúng ta có thể thấy là mục đích tố cáo các sai phạm của bà ấy có thể đúng nhưng cách triển khai thì chưa phù hợp với các quy định của pháp luật.

Pháp luật không cấm chúng ta nói, không cấm chúng ta tự do ngôn luận. Thế nhưng không phải muốn nói gì thì nói mà phải trong khuôn khổ pháp luật. Tôn trọng các quy định của pháp luật, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của cá tổ chức cá nhân khác. Lấy ví dụ khi thấy ông Võ Hoàng Yên có dấu hiệu lừa đảo thì bà Hằng nộp đơn tại Cơ quan công an và chỉ cho đến khi kết quả xét xử của Tòa án nếu có có hiệu lực pháp luật theo đúng trình tự quy định. Việc bà sử dụng mạng xã hội, họp báo để công kích ông ta là sai. Hay như cả việc sỉ nhục cả giới showbit của bà là những điều mà pháp luật không cho phép.

Và ngược lại, giả sử bà Hằng có hành vi vi phạm pháp luật về hành chính hay hình sự thì cơ quan chức năng cũng tuân theo các quy định pháp luật, các biện pháp chế tài mà pháp luật hành chính hay dân sự, hình sự quy định để xử lý chứ không phải là việc ra văn bản cấm bà nói.

Cho dù giới showbiz hay bất kỳ cá nhân nào vi phạm thì bà Hằng cũng không thể nào nhân danh các cơ quan Nhà nước mà cho mình có quyền đả kích, xúc phạm người khác. Bà Hằng không thể nhân danh Nhà nước để kết tội một người khác mà phải tuân theo các quy định của pháp luật. Có thể thấy hiện nay chế tài của chúng ta chưa được mạnh, đủ sức răn đe cũng như có tác dụng giáo dục và phòng ngừa chung với mức xử phạt hành chính như hiện nay. Tuy nhiên, nếu bà Hằng vẫn tiếp tục vi phạm thì có thể sẽ bị xử lý ở mức nghiêm khắc hơn".

Mỗi người cần là một "phễu lọc" thông tin

Thay đổi thói quen xem livestream - cách tốt nhất để loại bỏ livestream lệch chuẩn - Ảnh 4.

Việc các livestream thu hút được nhiều lượt xem một phần không nhỏ bởi sự tò mò, hiếu kỳ của người xem. Việc mỗi người cổ vũ, tích cực xem và chia sẻ các livestream này vô hình chung biến giúp các video này ngày càng lan tỏa và tiếp cận nhiều người hơn. Rất nhiều người đang không ý thức được rằng, những lần nhấn like dạo, share vô tội vạ như vậy vô hình trung đã cổ súy cho việc nhiều người trẻ livestream trên môi trường mạng.

Chính vì vậy, mỗi người cần là một "phễu lọc" thông tin, chỉ nên chia sẻ những video, livestream có nội dung tích cực, mang lại lợi ích cho xã hội. Sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh, có ý thức làm cho môi trường mạng trở thành nơi lan tỏa những giá trị sống tích cực, giúp ích cho giới trẻ và cả cộng đồng. Việc "dọn rác" không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân khi tham gia mạng xã hội.

Ngoài ra mỗi người cũng cần có ý thức và trách nhiệm trước khi thực hiện livestream. Trước hết mỗi người đều phải tôn trọng người khác và biết kiểm soát phát ngôn của mình, hạn chế mọi xung đột không đáng có từ hoạt động livestream. Đồng thời, người sử dụng cần phải có sự hiểu biết tối thiểu các quy định pháp luật để không đi quá giới hạn hoặc để nắm rõ quyền của mình trong các trường hợp bị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân.

Mới đây, bộ Thông tin truyền thông (Bộ TTTT) đã ra chỉ thị 22/CT-BTTTT do Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng ký về tăng cường công tác phòng ngừa chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên internet. Chỉ thị đã nêu thực trạng "Thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm trên mạng Internet diễn ra phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân. Tình trạng mua bán thông tin của cá nhân, tổ chức; phát tán, chia sẻ tin giả, thông tin sai sự thật gây hoang mang trong xã hội; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân, uy tín của tổ chức; đăng tải thông tin chống phá Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc diễn ra phức tạp".

Để ngăn chặn tình trạng này, Bộ TTTT đã ra nhiều chỉ đạo, trong đó yêu cầu Cục An ninh mạng: "Áp dụng công nghệ mới, tổ chức tiếp nhận, thu thập, tổng hợp, phân tích, xử lý các phản ánh về thông tin sai phạm trên mạng Internet; giám sát, cảnh báo, điều phối, ứng cứu, khắc phục sự cố, phòng chống tấn công mạng, đảm bảo an toàn thông tin mạng quốc gia. Triển khai hệ thống cảnh báo, đánh giá tín nhiệm mạng, cổng kiểm soát quốc gia chặn lọc các truy cập thông tin sai phạm từ người dùng, hỗ trợ người dân báo cáo, phản ánh các trang web, mạng xã hội vi phạm pháp luật, lừa đảo trên mạng".

Trước đó, Bộ TTTT cũng đã làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ như Facebook, Youtube hay Tik Tok yêu cầu xử lý và xóa những video livestream có nội dung bạo lực, tiêu cực và lệch chuẩn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem