Khi người lính trở về trên những chiếc xe lăn (kỳ 1): Trận đánh cuối cùng và vết thương còn mãi

Gia Tưởng Thứ bảy, ngày 25/07/2020 06:00 AM (GMT+7)
Chiến tranh đi qua, những người lính từng cầm súng anh dũng chiến đấu trở về với nhiều thương tật, mất mát và đau đớn tột cùng. Đến Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng đóng tại Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, chúng tôi đã gặp nhiều thương binh bị chấn thương cột sống, cả phần đời còn lại phải gắn mình với xe lăn.
Bình luận 0

Lúc ra trận họ đều rất trẻ, và sau chiến tranh họ trở lại cuộc sống bằng những vòng xe lăn, như guồng quay số phận của mình. Nhưng nghị lực sống, nghị lực vượt khó của họ luôn làm cho mọi người phải nể phục...

Trong căn phòng tập thể của Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, người thương binh Lê Phan Minh năm nay 75 tuổi. Nhìn ông vẫn đẹp lão ở cái tuổi xưa nay hiếm, vẫn nói năng dứt khoát, mạch lạc, kèm những tràng cười sảng khoái, làm thay đổi không khí cho chính những người hỏi chuyện ông về chiến tranh, về trận đánh khiến ông bị thương.

Trận đánh cuối cùng

Sau buổi trưa liên hoan với món bún chả Hà Nội cùng toàn bộ thương binh trong trung tâm thương binh nặng Thuận Thành, ông Minh rất vui vẻ. Tháng 7 bao giờ những người thương binh ở đây cũng được đón nhiều khách, được giao lưu nhiều hơn, và cảm thấy mình vẫn còn có những điều tươi mới mỗi ngày. Ông Minh cởi mở hơn khi kể chuyện về đời quân ngũ của mình và vết thương khiến ông gắn liền với chiếc xe lăn, cùng những điều khó nói.

Khi người lính trở về trên những chiếc xe lăn (kỳ 1): Trận đánh cuối cùng và vết thương còn mãi - Ảnh 1.

Ông Lê Phan Minh chia sẻ những điều ít chia sẻ về cuộc sống của người bị thương cột sống. Ảnh: Gia Tưởng

"Vết thương gây phiền phức lắm, chuyện vệ sinh cá nhân hầu như không tự chủ được. Nhiều lúc đến mình còn chán cả bản thân, chứ không nói gì đến những y tá, bác sĩ hay người phục vụ. Mà họ phục vụ thì có giờ, chứ sự cố của mình có bao giờ báo trước đâu mà nhờ".

Ông Lê Phan Minh

Ông Minh kể: "Tôi quê ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa, là lính bộ binh Trung đoàn 27, Sư đoàn 341, Quân đoàn 4 nhập ngũ từ năm 1964. Sau khi huấn luyện xong, tôi đi bộ một mạch 22 ngày vào đến Gio Linh, Quảng Trị, lúc đó thanh niên còn non sức, đi bộ phồng hết cả chân. Đúng năm 1964, trung đoàn của tôi đụng luôn quân chính quy Mỹ. Nhưng đánh nhau với bộ binh Mỹ lúc đó không khó lắm, vì họ đánh rất bài bản và chỉ đánh vào giờ hành chính: Đầu tiên là pháo binh dập vào trận địa, rồi đến không quân ném bom và cuối cùng thì bộ binh mới tràn lên. Lúc họ ném bom, bắn pháo thì ta cứ việc xuống hầm trú ẩn, đợi khi bộ binh của Mỹ xông lên thì ta mới nổ súng tiêu diệt. Đánh với lính Mỹ thì không sợ về độ lì lợm hay gian manh trên chiến trường. Nhưng kinh nhất là vũ khí, quá nhiều, họ thà bắn thừa còn hơn là bỏ sót, nên bộ đội ta rất khó mà đối phó".

Ông Minh nhớ trận đánh cuối cùng của mình, ngày 19/5/1967, cụm chiến đấu của ông được giao nhiệm vụ chặn địch trên một sườn đồi trong rừng Gio Linh. "Đồi đất cứng lắm, chúng tôi mới hành quân đến, chưa kịp đào được hầm chiến đấu bài bản, mỗi người mới chỉ đào được một hố đến ngang vai mà thôi. Toàn bộ cụm chiến đấu của chúng tôi được trang bị 2 khẩu súng tiểu liên, một trung liên, một khẩu bắn tỉa, mấy khẩu súng trường, 2 quả mìn định hướng và mỗi người vài quả lựu đạn cá nhân thôi.

2h chiều ngày 19/5 thì địch phát hiện ra chúng tôi và tấn công lên đồi, chúng tôi nhiều lần bẻ gãy những đợt tấn công của địch. Khi chúng tràn lên nhiều quá, tôi chỉ huy anh em cho nổ một quả mìn định hướng, bắt buộc địch phải rút lui, đêm hôm đó được tạm bình yên".

Đến sáng ngày 20/5/1967, địch đã phát hiện ra quả mìn định hướng số 2 của quân ta, chúng tổ chức lên gỡ mìn. Từ xa khẩu súng bắn tỉa của cụm chiến đấu phải hoạt động liên tục. Chính vì thế mà địch đã phát hiện ra vị trí ẩn nấp chiến đấu của bộ đội mình, chúng câu đạn cối đánh đúng vào vị trí của ông Minh. "Tôi thấy lưng mình đau nhói, chân tê dại. Do được học về kỹ thuật sơ cứu thương ở chiến trường, tôi nghĩ mình đã bị thương ở cột sống. Không hề hoảng loạn, tôi xoay bò ngang lên miệng hố chiến đấu, lấy súng tiểu liên lên đạn sẵn, và rút chốt mấy quả lựu đạn để bên cạnh, chờ đợi nếu địch tấn công lên thì hy sinh chứ không để bọn chúng bắt sống".

Sau nhiều giờ nằm thủ thế như vậy, ông Minh được mũi thọc sâu của quân ta vào giải cứu đưa về trạm cấp cứu phía sau. Lúc tỉnh dậy, thấy 2 chân mình không còn cử động được nữa, ông hiểu rằng mình đã trải qua trận đánh cuối cùng nơi mặt trận, vì vết thương ở cột sống không cho phép ông trở lại chiến trường. Nằm dưỡng thương đến năm 1968, nghe đài về chiến dịch Mậu Thân, ông Minh chỉ ước mình không bị thương để quay lại chiến đấu.

Nỗi đau khó nói

Ông Minh chia sẻ: "Bị thương khi mới 22 tuổi xuân, lúc đó tiêu cực và mặc cảm lắm, coi mình như chết rồi, mọi thứ đều tê liệt, không còn mục đích sống gì cả. Mãi đến năm 1973, tôi mới thấy khả năng giới tính của mình bắt đầu được phục hồi. Lúc đó không biết mình thế nào, nhưng cảm giác thèm một gia đình, có tiếng trẻ thơ, mình được làm bố, hy vọng nhờ đó mà bớt cáu gắt, bực tức vô cớ khi cơn đau hành hạ. Thèm lắm sự chăm sóc của một người bạn đời để sẻ chia, kể cả những điều khó nói do bị thương cột sống. Vết thương gây phiền phức lắm, chuyện vệ sinh cá nhân hầu như không tự chủ được. Nhiều lúc đến mình còn chán cả bản thân, chứ không nói gì đến những y tá, bác sĩ hay người phục vụ. Mà họ phục vụ thì có giờ, chứ sự cố của mình có bao giờ báo trước đâu mà nhờ".

Cuối cùng thì năm 1973 ông Minh đã lấy vợ, lúc đó trung tâm thương binh nặng còn đóng quân ở Ba Vì, Hà Nội. Vợ ông Minh người Hưng Yên, làm việc ở Trung tâm bò đực giống Cu Ba gần đó. Nói về cuộc hôn nhân, ông Minh nửa buồn, nửa vui. Ông may mắn đón người con trai đầu đời năm 1975. Và vợ chồng ông sinh tiếp được 2 người con nữa, hiện nay người con trai cả và cô con gái út đều làm giáo viên tiếng Anh tại thị xã Sơn Tây, còn người con trai thứ 2 thì về quê Hoằng Hóa, Thanh Hóa, thay ông thờ tự các cụ.

Tiếp câu chuyện, ông Minh kể: "Có gia đình, cuộc sống vất vả quá, lúc đó trung tâm điện dân dụng Đại học Bách khoa có về Thuận Thành dạy nghề cho thương binh. Tôi cũng học được nghề sửa chữa điện dân dụng nên về nhà cùng vợ mở tiệm sửa quạt, máy bơm và nhiều đồ dùng khác để xây dựng kinh tế gia đình". Cuộc sống vất vả nuôi 3 con ăn học lại càng khó khăn hơn. Đến năm 1990, vợ ông Minh đột ngột bỏ đi, để lại cho ông 3 đứa con. Ông chèo chống cùng các con cho tới khi họ trưởng thành, xây dựng gia đình, ông tiếp tục quay lại sống tại Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng Thuận Thành.

Đến năm 2014, một lần về quê thăm họ hàng, mọi người mai mối để lần nữa ông lại lấy vợ. Câu chuyện ông nói nghe thật xót xa khi ông cứ trăn trở vì việc mình không còn khả năng tự phục vụ bản thân, khiến người khác phải vất vả theo. Ông day dứt mãi: "Chúng tôi cũng buồn, cuộc sống cần có nhau để nương tựa, bà ấy theo tôi từ quê Thanh Hóa ra đây sống là thiệt thòi lắm, phải chăm sóc cho tôi và chịu đựng những thứ kinh khủng nhất của cuộc đời. Giờ thương binh được quan tâm về vật chất và chăm sóc y tế cũng khá đầy đủ rồi. Nhưng cuộc sống của những thương binh bị liệt do vết thương cột sống thật sự phụ thuộc và mất tự chủ bản thân lắm - đấy là những điều khó nói, khó coi mà tôi nghĩ còn kinh khủng hơn sự hy sinh trong chiến tranh…".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem