Khi ngân hàng chìa "bàn tay ấm" cho nông dân

Nguyễn Quý Thứ ba, ngày 07/12/2021 11:03 AM (GMT+7)
Từ nguồn vốn tín dụng nông nghiệp, nông thôn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh huyện Đầm Hà, nhiều hộ dân ở xã Dực Yên, huyện Đầm Hà (tỉnh Quảng Ninh) đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả,tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập ổn định.
Bình luận 0

Khởi nghiệp từ tay trắng

Chúng tôi đến nhà anh Tạ Ngọc Tuấn ở thôn Đông, xã Dực Yên (Đầm Hà), vừa lúc anh đang túi bụi công việc. Dù đã là Giám đốc HTX Thương mại, dịch vụ và sản xuất Nông lâm thủy sản Tuấn Hùng, nhưng anh Tuấn vẫn làm cả những việc nhỏ nhặt nhất như tuốt lúa, bó rau…như bản chất tham công tiếc việc của người nông dân thực thụ.

"Mấy bữa nay mình phải xuôi ngược đi lo giấy tờ để chuyển đổi một phần diện tích đất của hợp tác xã làm kho bãi, nhà xưởng. Có lúc mệt muốn nghỉ ngơi, đi đây đó cho thư thái, nhưng công việc còn bộn bề lắm, chưa cho phép mình nghỉ được" – anh Tuấn cười hiền hậu.

Khi ngân hàng chìa "bàn tay ấm" cho nông dân - Ảnh 1.

Anh Tạ Ngọc Tuấn (áo xanh) dẫn lãnh đạo Hội Nông dân Quảng Ninh thăm cánh đồng lúa bao thai rộng 15ha của Hơp tác xã. Ảnh: Nguyễn Quý.

Từ những năm 2013, anh Tuấn chủ yếu làm trong lĩnh vực chế biến lâm sản. Lúc đó cửa khẩu thông thương, công việc chế biến gỗ xuất khẩu sang Trung Quốc của anh gặp nhiều thuận lợi. Nhưng càng ngày, việc cạnh tranh càng khốc kiệt, cùng với các chính sách thắt chặt biên mậu ở các cửa khẩu chính ngạch khiến cho công việc kinh doanh của anh Tuấn gặp khó khăn hơn.

Từ năm 2015, anh Tuấn quyết định mở rộng sang lĩnh vực nông nghiệp. Qua so sánh các loại gạo ở địa phương, anh Tuấn nhận thấy giống lúa bao thai được gieo trồng ở một số xã trong huyện Đầm Hà, nhưng ở Dực Yên là ngon nhất. Giống này có thời gian sinh trưởng dài hơn so với một số giống lúa khác, nhưng năng suất lại không cao, nên nhiều hộ không còn mặn mà như trước nữa, dẫn đến diện tích giảm dần…

Tuy thời gian sinh trưởng dài ngày (5 tháng) mới cho thu hoạch, nhưng giống lúa bao thai phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, gạo có chất lượng cao, khi thổi cơm, cơm bông đều, dẻo, thơm và có vị bùi ngậy. Đặc biệt, gạo bao thai là nguyên liệu chính để làm ra các thực phẩm như bánh phở, bánh gật gù…

Khi ngân hàng chìa "bàn tay ấm" cho nông dân - Ảnh 2.

Sản phẩm gạo bao thai của HTX Thương mại, dịch vụ và sản xuất Nông lâm thủy sản Tuấn Hùng đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 của Tỉnh Quảng Ninh, được Viện Công nghệ thực phẩm đạt các tiêu chuẩn, được cấp mã số, mã vạch, thiết kế bao bì, nhãn mác, xác lập quyền đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Ảnh: HTX cung cấp.

Nhưng làm sao để có 1 cánh đồng tập trung, huy động được nguồn lực của các hộ dân cùng chí hướng khôi phục sản phẩm gạo bao thai bản địa? Anh Tuấn quyết định thành lập hợp tác xã, với 7 xã viên, gieo cấy trên diện tích 20ha giống lúa bao thai thuần chủng của địa phương.

Giải quyết xong bài toán về diện tích sản xuất, thì anh Tuấn lại vấp phải khó khăn về vốn. Hàng loạt những kinh phí lắp đặt dây chuyền từ khâu xay xát, đến đánh bóng, đóng gói sản phẩm, bảo quản..., nhằm đảm bảo về vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng của gạo, khiến anh Tuấn trăn trở.

Từ chính sách hỗ trợ hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, anh Tuấn mạnh dạn vay 200 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngay năm đầu triển khai, sản phẩm gạo bao thai của HTX Thương mại dịch vụ và Sản xuất nông - lâm - thuỷ sản Tuấn Hùng, xã Dực Yên đã được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng và trở thành sản phẩm OCOP của huyện Đầm Hà.

Không dừng lại ở đó, anh Tuấn tiếp tục vay thêm 600 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi nhánh Đầm Hà, mở rộng diện tích trồng các loại rau, củ, quả như xu hào, bắp cải, dưa lê, dưa hấu, lạc tím…

Anh Tạ Ngọc Tuấn, Giám đốc HTX TMDV&SX nông - lâm - thủy sản Tuấn Hùng, cho hay: Đơn vị áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chế biến các sản phẩm OCOP như: Gạo bao thai, đỗ tương xanh, lạc. Đồng thời từng bước hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, sản xuất theo hướng VietGAP. Mỗi năm, HTX không chỉ tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương mà còn đem lại thu nhập trên 2 tỷ đồng.

Động lực làm giàu từ nguồn vốn vay

Đã có lúc anh Cao Văn Thắng (thôn Đồng Tâm, xã Dực Yên, huyện Đầm Hà) tưởng mình không thể gượng nổi dậy, vì những vấp ngã, sai lầm khiến anh khuynh gia bại sản. Nhưng kể từ năm 2014, anh chí thú đầu tư vào lĩnh vực trang trại.

Khi ngân hàng chìa "bàn tay ấm" cho nông dân - Ảnh 3.

Ngoài chăn nuôi, anh Cao Văn Thắng còn nghiên cứu, ươm thành công giống cây quế bán cho bà con trong vùng và các xã lân cận. Ảnh: Nguyễn Quý.

Với diện tích 6 ha đồi vườn, anh Thắng bắt đầu khởi nghiệp 4 chuồng lợn, 300 con gà hồ và 200 gốc cam Vinh. Sau khi được Hội Nông dân huyện tập huấn chuyển giao KHKT và tạo điều kiện cho vay vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân, gia đình anh Thắng có điều kiện phát triển trang trại nuôi gà thịt thương phẩm với quy mô hơn 4.000 con; lợn thịt 60 con và 20 con lợn nái.

Kể từ khi tham gia vào Câu lạc bộ Nông trang Dực Yên, anh Thắng càng có thêm động lực làm giàu từ trang trại. Được tiếp sức từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đầm Hà, với số vốn vay 700 triệu đồng, anh Thắng mở rộng quy mô chuồng trại và nuôi trồng thêm nhiều cây, con giống. Riêng gà thịt, mỗi năm trang trại của anh xuất bán từ 9.000 đến 12.000 con, tổng doanh thu từ 2 đến 3 tỷ đồng.

Khi ngân hàng chìa "bàn tay ấm" cho nông dân - Ảnh 4.

Nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đầm Hà, anh Trần Văn Đường (thôn Tây, xã Dực Yên, huyện Đầm Hà) đã thành công vối cây chủ lực là ổi Đài Loan và chè Ngọc Thúy. Ảnh: Nguyễn Quý.

Khi ngân hàng chìa "bàn tay ấm" cho nông dân - Ảnh 5.

Khi ngân hàng chìa "bàn tay ấm" cho nông dân - Ảnh 6.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đầm Hà thường xuyên có những buổi làm việc với Hội nông dân nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện tốt chế độ, chính sách hỗ trợ vốn vay sản xuất cho người nông dân. Ảnh: Ngân hàng NN&PTNT Đầm Hà cung cấp.

Ông Nguyễn Văn Tú – Chủ tịch Hội ND huyện Đầm Hà cho biết: Nhiều năm qua, Hội Nông dân huyện đã làm tốt vai trò là cầu nối giúp nông dân tiếp cận nguồn vốn, KHKT, đào tạo nghề cũng như hỗ trợ xây dựng thương hiệu, liên kết, tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp của hội viên. Đặc biệt nhờ nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, người dân từ đó có ý thức trách nhiệm hơn đối với khoản vay của mình, sử dụng vốn đúng mục đich. Thực tế qua các năm, nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững, đến nay toàn huyện đã có nhiều mô hình kinh tế đạt hiệu quả, đem lại thu nhập cao từ 300-500 triệu đồng/năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem