dd/mm/yyyy

Khi nào cần nội soi tiêu hóa?

Nội soi tiêu hóa đóng vai trò quan trọng kịp thời phát hiện các bệnh lý đường tiêu hóa, trong đó có ung thư đường tiêu hóa, một trong những bệnh ung thư nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao ở nước ta. Vậy khi nào chúng ta cần nội soi đường tiêu hóa?

Nội soi tiêu hóa là gì?

Khi nào cần nội soi tiêu hóa? - Ảnh 1.

Nội soi dạ dày qua đường miệng (ảnh minh hoạ)

Nội soi tiêu hóa là một thủ thuật thăm khám trực tiếp niêm mạc của đường tiêu hóa (thực quản, dạ dày, tá tràng, đại trực tràng), bằng cách đưa ống soi mềm vào đường tiêu hóa để phát hiện tổn thương, nhằm có hướng điều trị cần thiết.

Nội soi tiêu hóa thường gặp nhất là nội soi dạ dày (đưa ống soi mềm vào qua đường miệng) và nội soi đại trực tràng (đưa ống soi mềm vào qua đường hậu môn).

Vai trò của nội soi tiêu hóa

Nội soi đường tiêu hóa trên được sử dụng để chẩn đoán, phát hiện, điều trị các bệnh lý ở đường tiêu hóa trên bao gồm thực quản, dạ dày, tá tràng. Cụ thể nội soi đường tiêu hóa trên để:

- Phát hiện các triệu chứng: nội soi giúp tìm ra nguyên nhân gây ra các triệu chứng được đề cập ở trên của đường tiêu hóa trên

- Chẩn đoán các bệnh lý về đường tiêu hóa, tình trạng sức khỏe như thiếu máu, chảy máu, viêm loét, tiêu chảy, tầm soát sớm tình trạng ung thư, tiền ung thư ống tiêu hóa thông qua lấy mẫu mô trong đường tiêu hóa để sinh thiết xét nghiệm

- Điều trị, theo dõi điều trị: thông qua nội soi đường tiêu hóa, bác sĩ chuyên khoa nắm được tình trạng trong quá trình điều trị, đồng thời điều trị trực tiếp thông qua nội soi như đốt những mạch máu đang chảy để cầm máu, nong rộng thực quản bị hẹp, kẹp cắt polyp hoặc lấy bỏ dị vật.

Khi nào cần nội soi tiêu hóa

Nội soi thực quản, dạ dày, tá tràng thường được áp dụng cho bệnh nhân bị đau vùng ngực hoặc thượng vị, ói, ợ hơi, cảm giác khó tiêu…

Nội soi trực tràng, đại tràng khi có triệu chứng của bệnh lý u đại tràng, viêm đại tràng, trĩ, rò hậu môn...

Nội soi tiêu hóa để tầm soát xem có bị viêm, loét hoặc ung thư hay không.

Ngay cả khi chẩn đoán bệnh rõ ràng như viêm, loét, u, polypes… cũng cần được nội soi lấy các mẫu mô sinh thiết từ tổn thương hoặc niêm mạc để xét nghiệm mô bệnh học. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong các trường hợp nghi ngờ có vi trùng HP hay tế bào ung thư.

Ung thư dạ dày giai đoạn sớm và viêm loét dạ dày thường có triệu chứng mơ hồ và rất khó phân biệt. Bệnh trào ngược thực quản đôi khi chỉ biểu hiện đau nhẹ vùng ngực, vùng cột sống ngực, ho, ngứa họng nên nhiều người chủ quan không đi khám khiến bệnh có những biến chứng nghiêm trọng. 

Theo khuyến cáo, khi có một trong các triệu chứng trên, bệnh nhân cần đi khám để được bác sĩ tư vấn và cho chỉ định nội soi nếu cần thiết. Khi đó sẽ kịp thời điều trị, tránh để biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

(Dân Việt)