Khi “bão” dịch quét qua làng (kỳ cuối): Những người không nghỉ

Gia Tưởng Thứ hai, ngày 07/06/2021 06:00 AM (GMT+7)
Ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), rất nhiều người cả tháng nay không có khái niệm nghỉ ngơi, không dám về nhà, thậm chí không cả dám ốm. Họ bám từng chốt dịch, từng địa bàn, để thực hiện nhiệm vụ chống dịch với một mong muốn duy nhất sớm đưa Thuận Thành trở lại trạng thái bình thường.
Bình luận 0

Cán bộ không dám về nhà

Thuận Thành trở thành tâm dịch đã một tháng. Cũng tròn 1 tháng qua, rất nhiều cán bộ của huyện này, dù chỉ cách nhà vài cây số, nhưng vẫn không được về. Đúng hơn là họ bận đến mức không có thời gian để về nhà.

Chủ tịch huyện Thuận Thành - Nguyễn Xuân Đương nhớ lại: "Khi thông tin về ca Covid - 19 đầu tiên tại xã Mão Điền chuyển về cũng là lúc huyện đang họp triển khai phương án chống dịch. Chủ tịch xã Mão Điền cũng có mặt ở đó. Lúc nghe tin, anh ấy run bắn. Tôi phải cho anh ấy về trước để và triển khai ngay công tác cách ly toàn bộ xã".

Khi “bão” dịch quét qua làng (kỳ cuối): Những người không nghỉ - Ảnh 1.

Chốt phòng chống Covid - 19 của các thôn xã tại huyện Thuận Thành hoạt động bất kể ngày đêm. Ảnh: Gia Tưởng

"Trong hoàn cảnh đó, chúng tôi chỉ còn biết chiến đấu và chiến đấu, không còn thời gian suy nghĩ tới những thứ xung quanh nữa. Nhiều ngày, tôi chỉ ngủ được khoảng 2 giờ đồng hồ và có tới 12 ngày liên tiếp do nói nhiều mà bị mất giọng. Dẫu vậy, chúng tôi không cho phép mình nghỉ".

Bác sĩ Nguyễn Đình Hoan

"Lúc đó, không khí toàn huyện rất căng thẳng, người dân vô cùng hoang mang. Khó khăn nhất thời điểm đó là khi đã xác định được F0 và truy vết được F1 rồi thì nói thật không có xe để chở họ đi cách ly. Các đồng chí lái xe của huyện ủy, ủy ban cứ chạy liên tục mấy ngày trời. Cũng may, Thuận Thành có cơ sở vật chất khá tốt, nên huyện thực hiện trưng dụng ngay các trường mầm non để thực hiện cách ly tại chỗ, thuận tiện cho công tác chăm sóc. Đặc biệt, Hội Phụ nữ ở các địa phương nhận trách nhiệm nấu ăn cho các điểm cách ly nên khâu nhân lực chăm sóc cũng rất thuận lợi"- ông Đương chia sẻ.

Theo ông Đương, từ khi dịch xảy ra, ông và đồng chí Bí thư Huyện ủy - Nguyễn Mạnh Hùng đã không có khái niệm nghỉ ngơi, có những ngày làm việc đến 22 tiếng, liên tục đi kiểm tra các chốt kiểm soát, rà soát công tác phòng chống dịch, đơn vị xã nào thiếu sót hay làm chưa chuẩn đều trực tiếp chỉ đạo để khắc phục ngay. Trong 18 đơn vị xã và thị trấn của Thuận Thành có nhiều xã làm tốt như Song Liễu, Trí Quả. Nhưng cũng đã có 2 xã làm chưa tốt, có lãnh đạo bị kỷ luật là xã Nguyệt Đức (cả Chủ tịch UNND lẫn Bí thư bị đình chỉ công tác vì để xảy ra ổ dịch trong đám tang của một gia đình tại xã) và xã Đại Đồng Thành (cả Chủ tịch UBND và Bí thư bị cảnh cáo do không vào cuộc quyết liệt để phát sinh nhiều ca nhiễm trong cộng đồng).

Khi “bão” dịch quét qua làng (kỳ cuối): Những người không nghỉ - Ảnh 3.

Chủ tịch huyện Thuận Thành Nguyễn Xuân Đương đã nhiều ngày nay làm công tác trực chiến. Ảnh: Gia Tưởng

Ông Đương chia sẻ thêm, đã gần 1 tháng nay, ông chưa được về nhà, mọi sinh hoạt ăn nghỉ phải thực hiện luôn tại phòng làm việc. "Có lẽ tôi cũng đã gặp hàng chục F0 rồi mà không biết nên nhiều lần đi qua nhà bố mẹ mà không dám vào và chỉ đi chỉ đạo xong là về làm việc trực chiến thôi"- ông Đương tâm sự.

Dịch bệnh cũng đã gây cho Thuận Thành những thiệt hại lớn về kinh tế. Ngoài việc, người dân toàn huyện phải thực hiện giãn cách nghỉ làm tại nhà thì địa phương cũng đã phải hoãn động thổ Khu công nghiệp Thuận Thành III ở xã Nghĩa Đạo.

"Hi vọng khoảng 30 ngày nữa, huyện Thuận Thành sẽ có thể trở lại trạng thái bình thường. Biết là thiệt hại rất lớn nhưng vì sức khỏe của bà con và an toàn cho xã hội nên huyện vẫn kiên trì thực hiện các biện pháp chống dịch kiên quyết nhất"- Chủ tịch Nguyễn Xuân Đương chia sẻ.

Bác sĩ mất tiếng, y tá sụt cân

Khi “bão” dịch quét qua làng (kỳ cuối): Những người không nghỉ - Ảnh 4.

Y tá Đinh Thị Thảo mệt không mở được mắt sau khi làm việc trong khu điều trị. Ảnh: Gia Tưởng

Phải qua rất nhiều ngày liên lạc, tôi mới nghe được giọng nói của bác sĩ Nguyễn Đình Hoan - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Thuận Thành.

Bác sĩ Hoan cho biết: "Chỉ trong một huyện xảy ra 3 ổ dịch lớn là Mão Điền, Nguyệt Đức và Đại Đồng Thành. 17/18 xã có ca nhiễm F0 với gần 600 ca bệnh, hàng nghìn F1 phải đưa đi cách ly. Trong hoàn cảnh đó, chúng tôi chỉ còn biết chiến đấu và chiến đấu, không còn thời gian suy nghĩ tới những thứ xung quanh nữa. Nhiều ngày, tôi chỉ ngủ được khoảng 2 giờ đồng hồ và có tới 12 ngày liên tiếp do nói nhiều mà bị mất giọng. Dẫu vậy, chúng tôi không cho phép mình nghỉ".

Nói về tình hình dịch bệnh ở quê mình, bác sĩ Hoan chia sẻ "Bây giờ về quê không được không được bắt tay, ôm hôn gì hết vì virus có thể ở bất cứ đâu. Với biện pháp cách ly toàn huyện, hy vọng Thuận Thành cũng sẽ làm được như Hải Dương, sau 64 ngày sẽ mở cửa được trở lại".

Bác sĩ Hoan cũng cho biết thêm, với những cán bộ y tế có hoàn cảnh khó khăn, phải vắng nhà dài ngày, Công đoàn ngành y của huyện Thuận Thành đã đứng ra lo liệu cho gia đình để các anh, chị yên tâm thực hiện công tác chống dịch.

Gần 1 tháng qua, y tá Đinh Thị Thảo (sinh năm 1978) cùng các đồng nghiệp tham gia phục vụ việc điều trị cho bệnh nhân F0 tại Bệnh viện Thuận Thành.

Chị Thảo cho biết, mặc bộ đồ phòng dịch thời tiết này chỉ 15 phút thôi là mồ hôi chảy ra ướt như tắm,... Toàn bộ y bác sĩ tham gia điều trị bệnh nhân F0 đều giảm cân. Có những người giảm đến 5kg từ đầu mùa dịch đến giờ.

Các y bác sĩ phải liên tục thay nhau vào khu điều trị vì với thời tiết nắng nóng như hiện nay rất khó y bác sĩ nào trụ được quá 3 giờ đồng hồ, nhiều người say nắng, ngất xỉu, đồng nghiệp phải sơ cấp cứu tại chỗ cho nhưng không ai bỏ cuộc.

Chị Thảo còn cho biết thêm, do tình hình dịch bệnh còn kéo dài, nên các y bác sĩ luôn phải động viên nhau ăn uống, tự chăm sóc sức khỏe tinh thần, thể chất để đủ sức thực hiện nhiệm vụ.

Anh Nguyễn Văn Hải (36 tuổi, ở thôn Đồng Đông, xã Đại Đồng Thành) cho biết, từ khi thôn của anh liên tục có ca F0, anh Hải cùng với đội tình nguyện của mình đã tự bỏ tiền mua thuốc phun khử trùng khắp các gia đình. "Dịch bệnh ai cũng sợ cả, nhưng mình nghĩ phun thuốc phòng dịch cho bà con đỡ được phần nào tốt phần đó"- anh Hải chia sẻ.

Sau gần 1 tháng người dân Thuận Thành sống trong cảnh "chống dịch như chống giặc", dù không ai quen được với cảnh chia cắt nhưng tinh thần bà con luôn vững vàng, sẵn sàng hợp tác cùng với chính quyền để lùi bệnh dịch.

Hiện nay, số ca nhiễm mới đang giảm xuống từng ngày, người dân Thuận Thành càng vững niềm tin, toàn huyện sẽ sớm được trở lại cuộc sống bình an như trước… 

"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem