Khám phá Hồ Tây (kỳ 14 & hết): Cần một bảo tàng về Hồ Tây

Thứ hai, ngày 09/12/2019 16:33 PM (GMT+7)
Cuộc dạo quanh Hồ Tây của chúng ta đã về tới đích. Theo thời gian, các làng nghề quanh hồ dần rơi rụng như một quy luật tất yếu - nhịp chày Yên Thái tắt lịm, tiếng lách cách thoi dệt lụa, dệt lĩnh ở Trích Sài, Bái Ân cũng đã im ắng từ lâu. Chỉ còn lại trong các câu thơ, bài phú ca ngợi cảnh hồ.
Bình luận 0

Hồ Tây và không gian quanh hồ thế kỷ 21 đã khác trước rất nhiều, khiến cho những người hoài cổ nuối tiếc. Trong khi các sản phẩm văn hóa, du lịch mới quanh hồ rất ít. Tất cả vẫn trông vào các di tích tôn giáo, tín ngưỡng.

Hồ Tây trong sự phát triển, hiện đại hóa, rất cần có một bảo tàng riêng để lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa của mình.

Con đường quanh Hồ Tây làm hồ “sống dậy”

Thời vua Tự Đức, chu vi Hồ Tây là 21 dặm. Thế nhưng, đi vòng quanh hồ theo đường liên phường nối làng nọ với làng kia gọi là đường cái thì lại dài hơn dù có các đường nhỏ hẹp gọi là đường tắt. Thời Nguyễn, sát mặt hồ của các làng vẫn còn là ruộng, vườn và nơi đi vệ sinh, rửa rau vo gạo và tống rác thải ra đó.

Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, một vài đường cái được mở rộng như: Thụy Khuê, Yên Thái. Hai phố này có tàu điện từ Bờ Hồ chạy qua. Mặt ngoài làng Yên Phụ cũng thành phố. Riêng đoạn từ chợ Bưởi đến Nhật Tân vẫn là con đê thấp. Từ Nhật Tân xuống Yên Phụ, đê sông Hồng cũng thành đường ngoài của làng Quảng Bá, Nghi Tàm và Yên Phụ. Cũng bắt đầu từ Nhật Tân có những con đường ngoằn ngoèo xuống chạy Yên Phụ.

img

Hồ Tây nhìn từ phía đê Yên Phụ xuống: Hồ Trúc Bạch (bên trái) và mạn Đông Hồ Tây (phải). Đường Cổ Ngư chạy giữa hai hồ, nay là đường Thanh Niên. Ảnh tư liệu

Quy hoạch khu vực Hồ Tây năm 1992 có chỉnh sửa so với những đồ án quy hoạch trước đó, nhưng có một điểm không thay đổi là kè bờ và làm đường quanh hồ. Không có đường quanh hồ sẽ không khai thác được tiềm năng và không gian hồ phục vụ cho phát triển kinh tế du lịch khu vực này.

Năm 1994 Bộ Xây dựng đã duyệt thiết kế hạ tầng kỹ thuật quanh Hồ Tây. Cuối năm 1997, Công ty Đầu tư và khai thác Hồ Tây được giao triển khai dự án xây kè quanh hồ. Mới xong một đoạn đầu đường Thụy Khuê, thấy không đủ sức, công ty xin trả lại thành phố. Một ban quản lý dự án được thành lập với mục tiêu đến năm 2000 sẽ hoàn thành việc xây kè và làm đường quanh hồ. Nhưng hết năm 2000, mọi việc gần như vẫn giậm chân tại chỗ, bởi không thể giải phóng được mặt bằng. Lại đặt kế hoạch đến ngày 10/10/2004, nhân dịp 50 năm ngày giải phóng Thủ đô phải thông được tuyến Thụy Khuê - Trích Sài song kết quả là “Nguyễn Y Vân”.

Để làm đường rộng 4m, nhiều đoạn do không thể di dời nhà dân, ban quản lý đã cho xây kè lấn hồ, đổ đất san nền móng làm đường. Có 8km kè và đường phải thi công như vậy và tổng cộng khoảng 32.000m2 mặt hồ biến thành đường.

Cuối cùng thì con đường cơ bản hoàn thành vào năm 2010. Con đường chạy qua các phường quanh hồ được đặt tên mới. Đoạn qua Yên Phụ là phố Yên Hoa, đoạn qua Quảng An đặt tên phố là Quảng An, qua Nhật Tân là Nhật Chiêu, qua Nghi Tàm đặt là phố Từ Hoa, đoạn qua thôn Vệ Hồ xưa của phường Xuân La đặt là phố Vệ Hồ… Đoạn từ đường Thanh Niên đến phố Văn Cao đặt tên Nguyễn Đình Thi. Từ cuối phố Nguyễn Đình Thi đến đường Lạc Long Quân đặt là phố Trích Sài. Võng Thị được đặt tên cho con phố nhỏ nối với Lạc Long Quân. Phố Võng Thị không có vỉa hè vì xưa là đường làng của Đông Xã và Yên Thái. Nói chung, tên các làng đều được dùng để đặt tên phố nhưng có hai làng sát hồ đã mất tên trên bản đồ là Hồ Khẩu và Đông Xã.

Con đường hình thành góp phần cải thiện giao thông ở khu vực Tây Hồ. Nhờ có đường, khu vực này thay đổi nhanh chóng, đến mức ngay những người sinh ra lớn lên ở đây cũng phải ngạc nhiên.

Hồ tù và nỗ lực làm sạch

Trước thế kỷ 18, Thiên Phù là con sông khá lớn ở Tây Bắc Thăng Long. Sông này là chi lưu của sông Hồng. Cửa sông ở khu vực từ đầu phường Phú Thượng đến đầu phường Nhật Tân hiện nay. Sông chảy qua cánh đồng làng Xuân Đỉnh, Xuân La đến Yên Thái - Bái Ân (tương ứng với khu vực chợ Bưởi ngày nay) lại phân làm hai nhánh.

Ngã ba sông này xưa gọi là bến Giang Tân (vì sát chân thành Đại La nên còn gọi là bến Đại La). Thiên Phù tiếp tục ngoằn ngoèo qua nhiều xã của huyện Từ Liêm rồi đổ ra sông Nhuệ. Còn hai nhánh kia gọi là sông Tô Lịch. Một nhánh của Tô Lịch chảy về phía Nam qua Nghĩa Đô, Láng, Đại Kim đổ xuôi ra sông Nhuệ. Còn nhánh kia chảy sát chân thành Đại La (nay là đê Hoàng Hoa Thám) qua Quán Thánh ngoặt xuống Hàng Lược, rồi Hàng Đường, Ngõ Gạch ra Chợ Gạo và cửa sông là khu vực cuối phố Hàng Buồm hiện nay gọi là Giang Khẩu (vì tránh húy chúa Trịnh Giang đổi thành Hà Khẩu).

img

Tát nước từ Hồ Tây vào đồng ruộng. Ảnh tư liệu

Trên đường đi, nhánh Tô Lịch này thông với Hồ Tây qua Cống Đõ ở đầu làng Hồ Khẩu. Vì đáy sông Hồng ở cửa sông Thiên Phù cao hơn đáy sông Hồng ở đoạn Hà Khẩu nên vào tháng không mưa, nước sông Hồng chảy vào Thiên Phù, qua Tô Lịch vào Hồ Tây, tiếp tục đưa nước ra cửa Hà Khẩu nhập với dòng sông Hồng. Nhưng trong tháng mưa lũ, do nước từ đầu nguồn dồn về liên tục nên nước sông Hồng dâng cao đã đẩy nước chảy vào Tô Lịch và dĩ nhiên đổ một phần vào Hồ Tây. Vì thế người ta gọi Tô Lịch là sông nghịch.

Đầu thế kỷ 18, cửa sông Thiên Phù bị lấp và trở thành sông chết, nên nguồn cấp nước cho Hồ Tây chỉ còn trông chờ vào sông Tô Lịch. Vào tháng không mưa, nước sông Hồng cạn không thể chảy qua Hà Khẩu vào Tô Lịch nên nước ở Hồ Tây cũng cạn. Thế nhưng, đến mùa mưa, nước sông Hồng dâng cao lại chảy vào Tô Lịch và nước ở Tô Lịch lại qua Cống Đõ chảy vào Hồ Tây làm nước lên cao.

Trong chuyến thăm Bắc Kỳ năm 1876, học giả Trương Vĩnh Ký đến hồ Tây và ông viết: “Nước trong ve trong vắt như kính”.

Năm 1889, người Pháp lấp sông Tô Lịch nên Hồ Tây không còn nguồn cấp nước gián tiếp từ sông Hồng, chỉ trông vào nước mưa. Và Hồ Tây thành hồ tù. Nhưng Hồ Tây lại có thêm nguồn nước khác đó là nước sinh hoạt do dân các làng xung quanh thải ra hồ.

Để thay đổi bộ mặt Hồ Tây, thành phố Hà Nội đã triển khai dự án kè xung quanh hồ. Nhưng tiền để làm sạch nước hồ đã bị ô nhiễm nhẹ thì chưa biết trông vào đâu.

Sau khi dự án thay nước Hồ Tây bằng nước sông Hồng bất thành, để giải quyết tình trạng ô nhiễm nước hồ, từ năm 2010, Hà Nội đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng trạm thu gom, xử lý nước thải Hồ Tây. Dự án giai đoạn 2 cơ bản hoàn thành đầu tháng 9/2016. Cùng với dự án thu gom và xử lý nước thải, Hà Nội đã chi tiền để nạo vét bùn đáy hồ. Nhưng cá vẫn chết, có nghĩa nước vẫn ô nhiễm. Tháng 9/2017, ven hồ góc phố Trích Sài bao cao su nổi trắng. Trên bờ tình dục an toàn, dưới hồ nước, gây nguy hiểm.

Gần đây nhất, Dự án thí điểm xử lý ô nhiễm, làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây đã được triển khai và cũng đã có kết quả bước đầu. Hiện nay, đơn vị thực hiện vẫn sẽ duy trì khu thí điểm tại Hồ Tây, rộng 1.000m2 để chứng minh khả năng không tái ô nhiễm.

Bao giờ, Hồ Tây?

Trong quy hoạch Hà Nội được Toàn quyền Đông Dương phê duyệt năm 1943, khu vực Hồ Tây vẫn là trung tâm của xứ Đông Dương. Ý tưởng biến không gian này thành nơi du lịch đã được đưa vào đồ án quy hoạch với việc giữ lại các làng nghề, vườn, ao, đường làng. Tuy nhiên quy hoạch không thực hiện được.

Trong bản quy hoạch Hà Nội năm 1961, Nhà nước đã xác định lấy Hồ Tây làm trung tâm. Năm 1981, đồ án quy hoạch Hà Nội lấy Hồ Tây làm trung tâm được duyệt. Năm 1992, có thêm quy hoạch nữa được duyệt, trong đó mở rộng Hà Nội ra chủ yếu ở phía Nam nhưng vẫn lấy Hồ Tây làm trục trung tâm.

Từ thập niên 1990 đến nay, khu vực Hồ Tây khác xa những gì trước đó. Dấu vết xưa ở phía Bắc và Tây Bắc hồ gồm: Nhật Tân, Quảng Bá, Tây Hồ, Nghi Tàm, Yên Phụ nay chỉ còn lại các di tích tâm linh, tôn giáo. Phía Nam và Tây Nam gồm: Thụy Khuê, Hồ Khẩu, Yên Thái còn các đền, chùa, miếu và trường Chu Văn An cùng dăm bảy cổng làng cuối phố Thụy Khuê. Dấu xưa, hồn cũ ở phía Tây cũng chỉ là chùa. Các làng cổ biến dạng không ra làng, không ra phố. Những con đường làng lát gạch nghiêng nay là bê tông trở nên nhỏ bé và tắc nghẽn hàng ngày, lại thiếu ánh sáng.

Không còn vườn và cây. Khách sạn và nhà nghỉ mọc lên quanh hồ. Dân gốc Thăng Long không còn nhiều vì khi đất tăng giá, họ bán một phần để xây nhà hoặc bán cả rồi chuyển đi nơi khác. Những đặc sản nổi tiếng của vùng này không còn, sen mất, đào chuyển ra bãi sông Hồng, tôm hồng không còn, cà cuống mất hẳn.

Mất mát là không tránh khỏi. Thay đổi cũng là tất yếu, nhưng thay đổi theo hướng nào và thay đổi thế nào mới là đáng bàn. Kế hoạch phát triển Hồ Tây trở thành trung tâm du lịch dường như không có nhiều kết quả. Mặt nước hồ mênh mông hầu như chưa được khai thác. Không có nhiều công trình văn hóa nào mọc lên. Sản phẩm du lịch mới rất ít. Tất cả vẫn trông vào các di tích tôn giáo, tín ngưỡng.

Thế hệ trẻ ngày nay không thể hình dung ra một Hồ Tây và các làng quanh hồ thế nào, giá trị ra sao. Thế hệ tương lai lại càng không, vì vậy cần thiết xây dựng một bảo tàng lịch sử, văn hóa về khu vực này.

Nguyễn Ngọc Tiến (Thể Thao & Văn Hóa)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem