Kẻ hack tài khoản Chủ tịch huyện Nhơn Trạch chiếm đoạt hơn 100 tỷ có thể bị xử lý thế nào?

Quang Trung Chủ nhật, ngày 24/03/2024 13:07 PM (GMT+7)
Công an tỉnh Đồng Nai đang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ điều tra vụ Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch bị lừa đảo hơn 100 tỷ đồng. Chuyên gia pháp lý đã bình luận về vụ việc này.
Bình luận 0

Chủ tịch huyện ở Đồng Nai bị lừa mất hơn 100 tỷ đồng

Ngày 22/3, Công an tỉnh Đồng Nai đang phối hợp các đơn vị nghiệp vụ, điều tra vụ việc bà Nguyễn Thị Giang Hương, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) bị nhóm lừa đảo công nghệ cao, đăng nhập vào tài khoản ngân hàng, lấy đi số tiền lớn.

Kẻ hack tài khoản Chủ tịch huyện Nhơn Trạch chiếm đoạt hơn 100 tỷ có thể bị xử lý thế nào?- Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Giang Hương, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch bị lừa đảo 100 tỷ đồng. Ảnh minh họa.

Số tiền nhóm lừa đảo công nghệ cao rút từ tài khoản bà Nguyễn Thị Giang Hương khoảng hơn 100 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên, ông Võ Tấn Đức, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, vụ việc bà Nguyễn Thị Giang Hương, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch mất số tiền lớn trong tài khoản đang được công an tỉnh Đồng Nai điều tra, làm rõ.

Mất tiền trong tài khoản, ai chịu trách nhiệm?

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguồn gốc số tiền, xác định chủ sở hữu hợp pháp của số tiền để làm rõ tư cách tham gia tố tụng, đồng thời xác định trách nhiệm trong công tác quản lý số tiền của ngân hàng.

Trường hợp kết quả xác minh cho thấy đây là số tiền hợp pháp của khách hàng gửi tại ngân hàng, ngân hàng có trách nhiệm bảo quản, bảo vệ và có trách nhiệm bồi thường nếu số tiền này bị đánh cắp.

Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ phương thức, thủ đoạn chiếm đoạt số tiền được thực hiện như thế nào, khách hàng gửi tiền có lỗi trong việc bảo quản số tiền hay không?

Nếu trường hợp khách hàng để lộ thông tin tài khoản ngân hàng, cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mật khẩu, mã OTP của mình hoặc có các hành vi khác vi phạm nghĩa vụ bảo mật thông tin khiến cho các đối tượng lừa đảo chiếm quyền kiểm soát tài khoản và rút tiền từ tài khoản thì ngân hàng chỉ có lỗi một phần, lỗi chính thuộc về khách hàng.

Còn trường hợp khách hàng không để lộ thông tin, không cung cấp thông tin về tài khoản ngân hàng của mình cho các tổ chức, cá nhân khác dẫn đến bị lừa đảo.

Phương thức thủ đoạn chiếm đoạt tài sản trong vụ việc này là các đối tượng truy cập trái phép vào hệ thống máy tính, mạng nội bộ của ngân hàng, hoặc có các thủ đoạn khác xâm nhập vào hệ thống của ngân hàng để chiếm đoạt số tiền đó của khách hàng thì mọi rủi ro trong trường hợp này thuộc về ngân hàng, ngân hàng phải bồi thường cho khách hàng.

Theo ông Cường, hành vi chiếm đoạt tiền từ tài khoản ngân hàng của khách hàng có thể cấu thành tội phạm nhiều tội danh khác nhau như: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông và phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản.

Với số tiền chiếm đoạt tài sản đặc biệt lớn như vậy mà các đối tượng bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hình phạt cao nhất có thể tới 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Còn trường hợp xử lý về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản, hình phạt cao nhất tới 20 năm tù.

"Vấn đề xác định đối tượng đã thực hiện hành vi chiếm đoạt số tiền và phương thức thủ đoạn chiếm đoạt như thế nào sẽ là căn cứ để xác định về tội danh, làm cơ sở áp dụng hình phạt đối với đối tượng thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch" – ông Cường nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem