Kể chuyện làng: Dở khóc dở cười chuyện nuôi lợn thời bao cấp

Nguyễn Văn Công Thứ bảy, ngày 06/03/2021 08:00 AM (GMT+7)
Đã gần 40 năm sau đổi mới, tôi vẫn còn nhớ những ngày gia đình tôi "vật vã" nuôi lợn thời bao cấp. Mỗi lần có lợn thịt, gia đình tôi lại ai vào việc nấy, như một cuộc chiến thực sự.
Bình luận 0

Nhịn ăn để cho lợn khỏi kêu

Kể chuyện làng: Dở khóc dở cười chuyện nuôi lợn thời bao cấp - Ảnh 1.

Quê nhà bố tôi ở xã Yên Chính, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

Bố tôi quê gốc ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Nhà ông nội tôi vốn là địa chủ nên sau khi giải phóng miền Bắc thì bị tịch biên tài sản, bố tôi chán chường, tủi thân bỏ đi làm mướn khắp nơi rồi dừng chân ở ga Đồng Đăng, Lạng Sơn. Vốn thông minh, tính tình hiền hòa, bố tôi được giúp đỡ để học lái tàu liên vận Việt Nam - Trung Quốc (ga Bằng Tường, Quảng Đông), rồi lấy vợ sinh con đẻ cái tại đây.

Đến năm 1979, Trung Quốc xâm chiếm các tỉnh biên giới, gia đình tôi chạy nạn về ga Thường Tín (Hà Tây cũ và Hà Nội bây giờ). Vốn là dân lưu lạc với đàn con nheo nhóc, nên cha tôi được tạo điều kiện cấp đất, xây nhà ở ven đường tàu và tiếp tục làm công việc lái tàu rồi trưởng dồn ga Thường Tín. Tôi nhớ hồi đó, lương bố tôi được 36 đồng một tháng, được thêm mấy cân gạo, tuy vậy chẳng bõ bèn gì với sức ăn của 6 thanh niên đang tuổi ăn, tuổi lớn.

Ngày đó, những năm đầu 80, các hoạt động tư hữu của cải đều bị ngăn cấm, thương nghiệp chỉ có nhà nước nắm giữ, người dân muốn có hàng hóa tiêu dùng chỉ có cách đổi bằng tem phiếu. Nào là tem phiếu thịt, tem phiếu rau, tem phiếu mắm muối... giống như một xấp tiền lẻ bây giờ nhưng khác là chỉ có thể đổi hàng hóa ở cửa hàng thực phẩm do hợp tác phân phát. Rồi người ta xếp hàng ở kho lương thực huyện Thường Tín (bây giờ vẫn còn, đối diện Trường Cao đẳng Truyền hình) từ 2 giờ sáng, trên tay không bao giờ rời sổ gạo, tem phiếu.

Kể chuyện làng: Dở khóc dở cười chuyện nuôi lợn thời bao cấp - Ảnh 2.

Khu vực ga Thường Tín – nơi gia đình tôi đã ở suốt mấy chục năm từ khi dời Đồng Đăng, Lạng Sơn.

Người nông dân Việt ta có kinh nghiệm cả nghìn năm nuôi lợn nhưng chẳng ai được nuôi tự do, nuôi phải đóng thuế 5 đồng một con và chỉ được bán lại cho hợp tác không được tự bán cho nhau. Cả tháng may ra được bữa thịt, mà cũng chỉ toàn thịt mỡ bèo nhèo, việc cắt miếng ngon miếng dở đều trong tay người thợ bán hàng. Thế nên, dù là công nhân viên chức, bố tôi vẫn quyết định nuôi trộm lợn để cải thiện bữa ăn cho các con, nhất là vào ngày Tết mà không con lợn đụng mà đợi thịt bao cấp thì "ngày ba mươi tết chẳng có thịt treo trong nhà".

Nhà tôi chạy dài khoảng 15m, nằm ven đường tàu, kiểu nhà ống, khúc cuối nhà giáp một con mương nhỏ, chỗ đó bố tôi quây vào để chăn lợn. Do ngày ấy nuôi lợn phải báo cáo với phòng thuế, rồi đến ngày xuất chuồng phải bán cho hợp tác nên chẳng ai dại gì mà nuôi công khai. Chuồng chật hẹp, quây kín nên mùi phân lợn bốc lên rất khó chịu, vì thế mà ngày nào tôi cũng phải rửa chuồng và tắm cho lợn, có hôm tắm cho lợn mệt mà quên tắm cả cho mình.

Bố tôi dặn anh em chúng tôi không được để cho lợn kêu, nhất là vào giờ ăn mà không cho chúng ăn ngay, chúng sẽ kêu rất to nên thức ăn luôn phải ứng trực cả ngày. Gạo ăn còn thiếu, tuy vậy bố tôi vẫn phải "hào phóng" với đôi lợn để chúng được ăn no, chúng nhanh lớn thì mới nhanh được thịt. Còn rau, bèo sen với khoai thì chúng tôi phải đi tìm suốt ngày để lợn không lúc nào bị đói, không được kêu "éc éc" ầm ĩ, chuyện người bị đói thời bao cấp là bình thường, còn chuyện lợn bị đói thì hiếm có.

Kể chuyện làng: Dở khóc dở cười chuyện nuôi lợn thời bao cấp - Ảnh 3.

Bố tôi và anh cả tôi giờ đã về với đất mẹ, chỉ còn mẹ tôi ở một mình trong căn nhà xây từ năm 1982 tại Nam Định.

Khoảnh khắc thịt lợn

Trồng cây rồi cũng đến ngày hái quả, lợn đủ cân xuất chuồng thì phải thịt, có nuôi nữa cũng không lớn thêm được, thường khoảng 3 tháng. Trước ngày thịt lợn, bố tôi phải đi tìm thợ thịt, đặc biệt phải là người tin cậy để tránh họ đi báo với phòng thuế. Tôi được giao nhiệm vụ đi mượn cân quả tạ ở nhà cụ Chức (nay đã mất), các anh chị tôi đi chuẩn bị gio bếp, còn bố sẽ chuẩn bị thùng phuy, mẹ dạy sớm đun nước sôi và lên danh sách các nhà trong khu xóm mua thịt hoặc đổi hàng hóa. Mấy đứa em nhỏ của tôi thường hỏi bố bao giờ thịt lợn, bố tôi cẩn thận dặn "chẳng bao giờ thịt cả" để chúng không làm hở thông tin ra ngoài, nên ngày mổ lợn chúng cứ ngủ im thin thít đến sáng.

Giống lợn là giống "mồm to" nhất, hễ thịt nó là nó kêu thống thiết cả làng có thể nghe thấy, kể cả phòng thuế, hợp tác, lúc đấy họ có thể ập đến trong chốc lát. Thế nên, chẳng riêng gì nhà tôi, mà trong cái khó ló cái khôn, người dân nghĩ ra cách thịt lợn vô cùng êm ái đó là lừa lợn vào thùng phuy để sẵn gio bếp, dụ cho lợn đi vào, sặc gio và ngạt thở rồi mới chọc tiết.

Nhà tôi ngày đó ở gần trại chăn nuôi lợn Kiều Thị (huyện Thường Tín), đây là trại chăn nuôi lợn rất lớn, mỗi buổi trưa hay chiều đi ngang qua đây, lợn kêu inh ỏi cộng thêm tàu đường sắt đi ngang qua lúc đó thì phải bịt cả hai tai lại. Trái lại, lợn nuôi rải rác trong dân thì chẳng mấy khi nghe được tiếng kêu.

Lợn rất ham ăn và mắt cực kém, chúng thường định vị phương hướng bằng mũi. Chỉ cần dụ ít cám để dẫn lợn vào thùng phuy, rồi bố và chú thịt lợn dựng thùng phuy lên, lợn cắm đầu xuống, chúng giãy dụa rất mạnh nhưng chỉ chừng 30 giây là ngạt thở mà không kêu được. Tuy vậy, trước ngày thịt phải cho lợn nhịn đói thì dụ lợn mới dễ.

Kể chuyện làng: Dở khóc dở cười chuyện nuôi lợn thời bao cấp - Ảnh 5.

Tôi lấy chồng gần ga Thường Tín, tuy không còn chăn nuôi nhưng vẫn trồng trọt.

Thời điểm thịt lợn thường rơi vào lúc 2 giờ sáng, vì lúc này mọi người đều đang ngon giấc, hiếm khi có lực lượng đi tuần tra (không phải tuyệt đối không có). Lúc đó, mẹ tôi đã phải đun xong nồi nước to đùng để làm lông lợn, mọi người làm việc rất khẩn trương và kín đáo, thậm chí đèn dầu cũng thắp rất hạn chế.

Chú mổ lợn và bố tôi cắt thịt thành từng khúc, từng tảng, đánh dấu từng nhà đặt bao nhiêu cân rồi bọc lá chuối cẩn thận. Một số nhà đặt thịt đến từ tờ mờ sáng, có nhà mua bằng tiền, có nhà đổi bằng thóc hoặc một thứ hàng hóa tương đương nào đó. Cả con lợn bảy tám chục cân không vứt đi cái gì, người dân đã quá chán ngán với thịt mỡ bèo nhèo, các loại thịt má, tật ăn hàng bao nhiêu năm trời từ cửa hàng tem phiếu, thế nên ngày ấy hay truyền tai nhau câu vè về cảnh xếp hàng tem phiếu:

Tông Đản là của vua quan

Nhà Thờ là của trung gian nịnh thần

Đồng Xuân là của thương nhân

Vỉa hè là của nhân dân anh hùng

Món tiết canh lợn là món bố tôi và các chú ưa thích nhất, còn chúng tôi được ăn cháo lòng. Tuy ăn sướng mồm nhưng không được ồn ào, thậm chí phải đóng cửa vào mà ăn, nếu không phòng thuế nhìn thấy sẽ ập vào và phạt, thậm chí thu hết thịt. Nghịch lý thời đó là lợn nhà mình, cám nhà mình, mình nuôi nhưng lại thuộc sở hữu nhà nước, và dĩ nhiên chẳng ai muốn công sức của mình thành tài sản chung cả.

Kể chuyện làng: Dở khóc dở cười chuyện nuôi lợn thời bao cấp - Ảnh 6.

Một hợp tác xã chăn nuôi lợn gần nhà tôi (HTX Trọng Long, huyện Thanh Oai) có doanh thu rất lớn, khác hẳn với mô hình hợp tác xã chăn nuôi thời bao cấp.

Để hạn chế người dân tự nuôi và bán thịt ra thị trường tự do, nhà nước đánh thuế sát sinh rất cao, phòng thuế khi đó là nỗi khiếp sợ của các hộ nuôi chui, có câu nói họ "bám chuồng như bám địch" thời đó. Trên tay họ lúc nào cũng lăm lăm sổ bút, ghi chép tỉ mỉ nhà này nuôi mấy con, nặng bao cân, dự định ngày xuất chuồng. Để có thể nuôi được con lợn từ nhỏ đến ngày xuất chuồng là cả một kỳ công với biết bao lần "trốn thuế". Thậm chí, có nhà bị phát hiện nuôi và phải đăng ký, đến ngày thịt họ nói dối lợn bị xổng chuồng chạy mất, cán bộ phòng thuế không tin đi lùng tìm từng vệt máu, lông lợn để chứng minh gia đình đó đã tự thịt lợn chứ không phải bị mất.

Thấm thoắt mấy chục năm đã trôi qua, bố tôi đã là người thiên cổ, khu vực tôi sinh sống giờ cũng không còn nuôi lợn. Giờ, mỗi khi thấy những mâm cơm thức ăn đề huề, thịt lợn nạc quá cũng khó ăn làm tôi không khỏi nhớ về những kỷ niệm nuôi lợn thời bao cấp.

*Bài viết ghi theo lời kể của cô Hoàng Thị Nguyệt (50 tuổi, Thôn Yên Phú, xã Văn Phú, huyện Thường Tín, TP Hà Nội).

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem