dd/mm/yyyy

Hợp tác chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh, mặc dù bị tác động của đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, thiên tai, nông nghiệp Việt Nam vẫn đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm cho gần 100 triệu dân và phục vụ xuất khẩu.

Xuất khẩu nông sản tăng trưởng ấn tượng

Ngày 15/10, Bộ NNPTNT phối hợp Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ 41 Ngày Lương thực thế giới và kỷ niệm lần thứ 76 Ngày thành lập FAO. Ngày Lương thực Thế giới năm nay có chủ đề "Hành động hôm nay - Tương lai ngày mai" cải thiện sản xuất, dinh dưỡng, môi trường và cuộc sống.

Chia sẻ tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cho biết, nông nghiệp Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, ổn định xã hội và sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn và đóng góp 14,85% GDP của quốc gia.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, mặc dù bị tác động của đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, thiên tai, nông nghiệp Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn đạt 35,5 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.

Hợp tác chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững  - Ảnh 1.

Đầu tháng 6/2021, lô vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) đầu tiên xuất khẩu sang Nhật Bản. Ảnh: H.Đ

Phát triển lương thực đầy đủ cho tất cả mọi người

Ông Antonio Alessandro - Đại sứ Italia tại Việt Nam đã đưa ra thông điệp quan trọng trong mối quan hệ hợp tác giữa Italia và Việt Nam đó là: "Không có một giải pháp nào phù hợp với tất cả các vấn đề. Chúng ta đã có ngành lương thực, thực phẩm nhưng không có ngành nào lớn. Mỗi quốc gia đều có văn hóa truyền thống, tính đa dạng riêng nên đều có truyền thống về sản xuất lương thực thực phẩm riêng và điều này cần được tôn trọng".

"Dù trong bối cảnh đại dịch nhưng lĩnh vực xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn tăng trưởng ấn tượng. Italia rất hân hạnh là đối tác tin cậy của Việt Nam, FAO và IFAD (Quỹ quốc tế về Phát triển nông nghiệp) trong việc thúc đẩy và hỗ trợ hệ thống hệ thống lương thực thực phẩm bền vững, đầy đủ cho tất cả mọi người" - Đại sứ Italia tại Việt Nam chia sẻ.

H.Đ

"Không chỉ quan tâm đến sản xuất nông nghiệp, chúng tôi cũng đề cao vai trò quan trọng của công nghệ số và đổi mới sáng tạo trong việc tăng hiệu quả, năng suất, an toàn thực phẩm. Đồng thời kết nối người sản xuất trực tiếp với người tiêu dùng; giảm thiểu thất thoát và lãng phí lương thực thực phẩm, tạo khả năng phục hồi cao hơn cho chuỗi cung ứng nông sản. Cùng với đó là tăng cường tuyên truyền, thúc đẩy tiêu dùng xanh và bền vững - một giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, hướng đến phát triển bền vững" - Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

Với những định hướng nêu trên, Thứ trưởng Bộ NNPTNT khẳng định Việt Nam luôn sẵn sàng đồng hành cùng với FAO và các đối tác quốc tế triển khai các mục tiêu của Ngày Lương thực thế giới năm nay, qua đó góp phần đạt được 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

"Không người Việt Nam nào bị bỏ lại phía sau"

Ông Rémi Nono Womdim - Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam cho hay:

Vào đầu năm 2021, Việt Nam đã đặt ra một chương trình nghị sự quan trọng về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Đây được coi là ba nhiệm vụ then chốt để cải cách nông nghiệp, nông thôn đến năm 2030 và xa hơn. "Để hỗ trợ chương trình này, trong vòng 5 năm tới hợp tác của chúng ta sẽ tập trung vào các định hướng chiến lược và ba trụ cột chính là "Thúc đẩy các nguyên tắc và thực hành một sức khỏe" ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên và chuyển đổi bền vững lương thực thực phẩm" - ông Rémi Nono Womdim nói.

Theo Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam, các chủ đề về dinh dưỡng, quản trị, bình đẳng giới sẽ là chương tiếp theo trong quan hệ hợp tác giữa FAO và Việt Nam.

"Chúng tôi tin tưởng rằng, hành động tập thể của chúng ta ngày hôm nay sẽ định hướng cho tương lai và chúng ta hãy phối hợp với nhau để bảo đảm rằng "không có người Việt Nam nào bị bỏ lại phía sau" trong tương lai cũng như không có suy dinh dưỡng và đói nghèo" - ông Rémi Nono Womdim nhấn mạnh. 


Trần Quang