dd/mm/yyyy

Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình: Giúp nông dân sản xuất an toàn để phát triển bền vững

Những năm qua, Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ hội viên, nông dân sản xuất an toàn để phát triển bền vững, như: tuyên truyền, vận động, tập huấn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi.

Được tiếp cận khoa học kỹ thuật, các kiến thức mới trong sản xuất nông nghiệp, hội viên nông dân tỉnh Hoà Bình đã có những bước chuyển mình, thay đổi tư duy trong canh tác, sản xuất. Nhờ đó, ngày càng xuất hiện nhiều hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; nhiều mô hình tổ, nhóm sản xuất - kinh doanh nông sản điển hình theo tiêu chuẩn VietGAP. Bước đầu hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, áp dụng quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, truy xuất nguồn gốc, giúp người tiêu dùng nhận biết, lựa chọn thực phẩm an toàn.

Hội Nông dân Hòa Bình: Tập huấn nâng cao nhận thức cho hội viên phát triển nông nghiệp - Ảnh 1.

Nhờ tham gia lớp tập huấn trồng trọt do Hội Nông dân tổ chức, ông Đinh Văn Hậu, xóm Sung (xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) đã trồng gần 300 gốc bưởi đỏ từ năm 2013 trên 7.000m2 nương rẫy. Đến nay, gia đình ông đã có nguồn thu nhập cao hơn trước.

Theo ông Lê Văn Thạch, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình cho biết, mặc dù tình hình sản xuất nông nghiệp của nông dân đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên trên thực tế vẫn còn không ít nông dân quen với phương thức sản xuất truyền thống, sản xuất chưa có sự liên kết theo chuỗi. Liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp thiếu tính bền vững, nhiều hợp đồng bị phá vỡ, chưa tạo được niềm tin giữa doanh nghiệp với nông dân… Trong khi đó, lĩnh vực nông nghiệp, nhu cầu sản phẩm an toàn, chất lượng theo các tiêu chuẩn đã được công bố như VietGAP, GlobalGAP, organic... ngày càng tăng, đòi hỏi các nông hộ cần nâng cao kiến thức trong sản xuất. Đồng thời hợp tác, liên kết để thành lập các tổ chức nhằm tăng khả năng đầu tư phục vụ sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Hội Nông dân Hòa Bình: Tập huấn nâng cao nhận thức cho hội viên phát triển nông nghiệp - Ảnh 2.

Anh Bùi Văn Thương, xóm Đồng Mới ( xã Dũng Phong, huyện Cao Phong , tỉnh Hòa Bình ) may mắn được tham gia các lớp hướng dẫn chăm sóc vật nuôi. Từ kiến thức được cập nhật, anh Thương áp dụng nuôi trâu vỗ béo, nuôi trâu nhốt chuồng. Với giá bán 40-50 triệu đồng/con trâu, thu nhập của gia đình anh tăng lên đáng kể.

"Nắm bắt được tình hình thực tế, cần nâng cao nhận thức cho hội viên nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông sản của thị trường. Chúng tôi đã mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bón phân, cắt tỉa cây trồng và hướng dẫn cách chăm sóc vật nuôi cho hàng nghìn hội viên tham gia. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thường xuyên xuống cơ sở tìm hiểu và nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hội viên, qua đó kịp thời có phương hướng tháo gỡ khó khăn giúp nông dân tin tưởng và yên tâm gắn bó với ngành nông nghiệp", ông Lê Văn Thạch, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình cho biết thêm.

Hội Nông dân Hòa Bình: Tập huấn nâng cao nhận thức cho hội viên phát triển nông nghiệp - Ảnh 3.

Ông Lê Văn Thạch, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình (người đầu tiên từ phải sang) kiểm tra sản phẩm nông sản, giúp hội viên nông dân tiêu thụ sản phẩm ra thị trường.

Từ năm 2020 đến nay, các cấp Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình đã phối hợp tổ chức trên 280 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất rau VietGAP, trồng và chăm sóc cây có múi, kỹ thuật trồng trọt, phòng trừ dịch bệnh các loại cây trồng, vật nuôi... cho trên 124.600 cán bộ, hội viên. Vận động được trên 103.400 hộ đăng ký, cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng 32 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Phối hợp Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tổ chức 4 hội nghị tập huấn phổ biến các quy định về an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản cho 180 người là chủ cơ sở, doanh nghiệp, HTX sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản... tham gia.

Hội Nông dân Hòa Bình: Tập huấn nâng cao nhận thức cho hội viên phát triển nông nghiệp - Ảnh 5.

Mô hình trồng su su lấy ngọn đang là hướng đi đúng đắn, giúp các hội viên nông dân xã Quyết Chiến, huyện Tân Lạc có nguồn thu nhập ổn định.

Ông Bùi Văn Dũng, Giám đốc Hợp tác xã Quyết Chiến (huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình) cho biết: Hợp tác xã chúng tôi gồm 52 thành viên, chủ yếu trồng su su lấy ngọn bán. Chúng tôi trồng và chăm sóc theo hướng VietGAP nên sản phẩm luôn bảo đảm yếu tố sạch và chất lượng. Một năm, chúng tôi bán ra thị trường 6.000 tấn ngọn su su cho các siêu thị và các tỉnh thành khác. Nhờ sự quan tâm của các cấp Hội, chúng tôi được tham gia nhiều lớp tập huấn về cách chăm sóc và tưới tiêu, sản phẩm của HTX chúng tôi luôn đạt năng suất cao và bảo đảm chất lượng. Đáp ứng được yêu cầu khó tính của thị trường.

Hội Nông dân Hòa Bình: Tập huấn nâng cao nhận thức cho hội viên phát triển nông nghiệp - Ảnh 6.

Nhiều nông hộ ở xã Quyết Chiến trồng su su lấy ngọn theo quy trình VietGAP, sản phẩm được thị trường và người tiêu dùng đón nhận.

Để tạo điều kiện giúp hội viện phát triển kinh tế nông nghiệp, Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình còn chủ động tham mưu cho UBND tỉnh; tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai những chính sách liên quan đến phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Qua đó nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất nông sản, giúp nông dân chuyển dần từ phương thức sản xuất độc lập sang hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi.

Hội Nông dân Hòa Bình: Tập huấn nâng cao nhận thức cho hội viên phát triển nông nghiệp - Ảnh 7.

HTX chuối Viba, xã Liên Sơn (Lương Sơn), bình quân mỗi năm tiêu thụ khoảng 1.000 tấn chuối.

Theo ông Lê Văn Thạch, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình, trong 6 tháng đầu năm 2021, các cấp Hội đã hướng dẫn thành lập 91 HTX, tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp. Nhiều HTX đã quan tâm đến sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh liên doanh, liên kết sản xuất các sản phẩm an toàn gắn với chuỗi giá trị. Toàn tỉnh đã xây dựng được 100 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, trong đó, hầu hết các mô hình đã được xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Nhiều HTX nông nghiệp đã thực hiện liên kết với doanh nghiệp, tham gia chuỗi cung ứng và tiêu thụ nông sản cho các hộ thành viên. Tiêu biểu như mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ chuối của HTX chuối Viba, xã Liên Sơn (Lương Sơn), bình quân mỗi năm HTX tiêu thụ khoảng 1.000 tấn chuối. Nhờ sử dụng kỹ thuật nuôi cấy mô và trồng chuối theo tiêu chuẩn VietGAP, đến nay HTX có hơn 1.000 đối tác trên toàn quốc, trong đó ký hợp đồng tiêu thụ với một số siêu thị lớn như: Vinmart, BigC... Hoặc như chuỗi liên kết sản xuất cam hữu cơ của HTX 3T nông sản Cao Phong (Cao Phong); dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ dưa bao tử tại xã Khoan Dụ, Thống Nhất, thị trấn Chi Nê (Lạc Thủy)... Các mô hình hoạt động hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và doanh nghiệp để sản xuất hàng hóa gắn với thị trường. Qua đó, góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.


Hà Hoàng