dd/mm/yyyy

Hội Nông dân Nậm Pồ làm tốt hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân

Từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) tiếp tục phối hợp với các phòng, ban, ngành liên quan tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, tập huấn, hỗ trợ nông dân trong phát triển sản xuất để giúp bà con thoát nghèo, nâng cao thu nhập.

Để các hội viên, nông dân có điều kiện sản xuất, vươn lên xóa nghèo, Hội Nông dân huyện Nậm Pồ đã phối hợp với Ban Kinh tế Hội Nông dân tỉnh Điện Biên giải ngân nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân cho 10 hộ dân trong dự án chăn nuôi trâu sinh sản tại bản Nà Sự I, Nà Sự II, xã Chà Nưa, với tổng số tiền là 450 triệu đồng.

 Từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân và Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều hộ dân ở Nậm Pồ đã có thêm điều kiện đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc.

Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện đã giải ngân nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện cho 2 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tại bản Nà Sự, xã Chà Nưa với tổng số tiền là 100 triệu đồng.

Trao đổi với Trang Trại Việt điện tử, ông Lê Văn Thành – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nậm Pồ, cho biết: Hội Nông dân huyện đã tăng cường phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm khuyến nông, Trung tâm dạy nghề trong công tác giúp nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Hướng dẫn nông dân tham gia vào các mô hình, như: Chăn nuôi trâu, bò, mô hình trồng sả lấy tinh dầu, trồng sa nhân dưới tán rừng...

Tuyên truyền cho hội viên, nông dân về lợi ích khi sử dụng các loại phân bón của Công ty Sông Gianh và các chính sách đãi ngộ khi sử dụng dịch vụ cung ứng phân bón theo phương thức trả chậm.

 Với lợi thế đất đồi rộng, hội viên, nông dân ở Nậm Pồ đang tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc.

“Các cấp hội đã tập trung tuyên truyền, phổ biến để nông dân hiểu rõ những lợi ích của việc liên kết, hợp tác trong quá trình sản xuất nhằm hạn chế những rủi ro, tập trung đất đai, lao động, tiền vốn và năng lực quản lý của các hộ gia đình. Tuy nhiên, hiện nay do nhận thức cũng như quy mô sản xuất của người dân còn nhỏ lẻ, đất sản xuất có tiềm năng lại phân tán, không tập trung; sản xuất chủ yếu theo hình thức tự cung tự cấp nên hình thức tổ chức sản xuất chỉ mới ở mức liên kết giữa các hộ theo từng bản và chỉ tập trung vào các hộ chăn nuôi đại gia súc” – ông Thành cho hay.

Theo ông Thành, thế mạnh trong phát triển kinh tế ở Nậm Pồ vẫn chủ yếu là chăn nuôi đại gia súc. Đến nay, toàn huyện Nậm Pồ có 22.370 con trâu, 4.925 con bò, 42.843 con lợn, 5.232 con dê và 155.505 con gia cầm. Trong thời gian tới, các cấp Hội Nông dân sẽ tiếp tục hướng dẫn hội viên, nông dân phát huy thế mạnh của địa phương, tiếp tục đưa tiến bộ khoa học – công nghệ vào chăn nuôi, sản xuất để nâng cao năng suất, thu nhập cho người dân.

 Nhiều cây giống mới cho năng suất cao được bà con nông dân đưa vào canh tác.

Ngoài cây lúa, cây ngô là cây trồng chủ lực thì bà con đã biết trồng thêm cây lạc, đậu tương, cà phê, chít, dứa, chuối và rau màu các loại mang ra chợ bán để tăng thêm thu nhập.

Đầu năm đến nay, Hội Nông dân huyện Nậm Pồ đã phối hợp với các ngành liên quan thẩm định, giải ngân nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho các hộ dân đã hoàn thành thủ tục với tổng số tiền 65,710 tỷ đồng cho 50 tổ tiết kiệm và vay vốn, 1.878 hộ vay.

 Từ chỗ chỉ biết sản xuất tự cung, tự cấp, đến nay bà con người dân tộc thiểu số đã biết đem các sản phẩm nông sản xuống chợ bán để nâng cao thu nhập.

Thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ về sản xuất nông nghiệp Hội Nông dân huyện Nậm Pồ tiếp tục vận động, tập huấn nông dân đẩy mạnh sản xuất, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh, tăng vụ, chủ động phòng trừ sâu bệnh hại trên các loại cây trồng, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Đồng thời hướng dẫn Hội Nông dân các xã vận động hội viên nông dân có cùng mô hình sản xuất liên kết với nhau trong hoạt động sản xuất; vận động nông dân tích cực khoanh nuôi, bảo vệ rừng.

Từ những nỗ lực trên, đến nay đời sống của người nông dân đang từng bước cải thiện và nâng lên, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi ngành nghề, mở rộng các loại hình kinh doanh, dịch vụ; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bức tranh nông thôn đang có những khởi sắc, kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng khang trang, kiên cố, đời sống vật chất tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. 

A Lử - Thanh Phong