Hội Nông dân huyện Sóc Sơn (Hà Nội): Kết nối nông dân giỏi, nhân rộng mô hình hay

Thu Hà Chủ nhật, ngày 21/03/2021 16:46 PM (GMT+7)
Thời gian qua, các cấp Hội ND huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) đã phát huy hiệu quả vai trò nòng cốt của các nông dân giỏi trong việc liên kết xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp.
Bình luận 0

Có tiền tỷ từ nuôi ếch, nuôi lợn

Với mô hình tổng hợp nuôi ếch và sản xuất mộc dân dụng, ông Hoàng Văn Mùi (ở thôn Xuân Lai, xã Xuân Thu) là 1 trong những tỷ phú nông dân trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Hiện mỗi năm, gia đình ông Mùi xuất bán khoảng 120 vạn con ếch giống và 4 vạn ếch thương phẩm, trừ chi phí còn lãi 700-800 triệu đồng/năm.

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi ếch, ông Hoàng Văn Mùi cho biết: Nuôi ếch không khó, nhưng để đạt hiệu quả kinh tế cần môi trường nuôi bảo đảm và chọn được giống tốt. Trong quá trình nuôi, cần tránh tiếng động mạnh đột ngột khiến ếch sợ hãi kém ăn, chậm lớn...

Kết nối nông dân giỏi, nhân rộng mô hình hay - Ảnh 1.

Với vai trò Tổ trưởng Tổ hội nghề mộc xã Xuân Thu, ông Hoàng Văn Mùi tích cực liên kết, chia sẻ kinh nghiệm cho các thành viên trong tổ. Ảnh: Ngọc Huân

Cùng với phát triển sản xuất kinh doanh, các cấp hội đã vận động hội viên nông dân giỏi đóng góp quỹ 360 triệu đồng, hỗ trợ 13 hội viên có hoàn cảnh khó khăn xây dựng và sửa chữa nhà; phối hợp giúp đỡ 831 hộ nông dân thoát nghèo.

Cùng với thu nhập từ mô hình nuôi ếch, gia đình ông Mùi còn mở xưởng mộc, chuyên sản xuất các mặt hàng đồ thờ, nhà gỗ, tủ, bàn, ghế... cho thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm.

Đặc biết, với vai trò Tổ trưởng Tổ hội nghề mộc xã Xuân Thu, ông Mùi tích cực liên kết, chia sẻ kinh nghiệm, vốn, thị trường tiêu thụ cho các thành viên trong tổ. Hiện xưởng mộc của ông Mùi tạo việc làm thường xuyên cho 10 - 15 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình từ 10 - 12 triệu đồng/người/tháng.

Cũng là hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của huyện Sóc Sơn, các ông Nguyễn Văn Vinh và Nguyễn Văn Nghĩa (ở xã Việt Long) lại phát triển kinh tế gia đình bằng việc đầu tư trang trại nuôi lợn khép kín. Đặc biệt, nhờ áp dụng quy trình chăn nuôi nên đợt bệnh dịch tả lợn châu Phi vừa qua, trang trại lợn của gia đình ông Vinh, ông Nghĩa đều không bị mắc bệnh.

Hiện, mỗi ông đang đầu tư một trang trại chăn nuôi lợn quy mô 2.000-2.500 con, thu lãi 1,5-2 tỷ đồng/năm. Không chỉ làm giàu cho gia đình, các ông còn tạo việc làm cho 15-20 lao động địa phương với mức thu nhập 7-9 triệu đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Văn Vượng - Chủ tịch Hội ND xã Việt Long cho biết: Ngoài những hội viên chăn nuôi giỏi, hiện nay, trên địa bàn xã còn có hơn 200 hội viên tham gia tổ hợp tác xã sản xuất rau gia vị (rau thơm, húng, mùi tàu, hành hoa...) trên diện tích 25ha. Bình quân, mỗi gia đình hội viên trồng 1-3 sào rau gia vị, thu nhập đạt 50-55 triệu đồng/sào.

Nhân rộng các mô hình hiệu quả

Chủ tịch Hội ND huyện Sóc Sơn Nguyễn Quốc Ân cho biết: 5 năm qua, các cấp Hội ND huyện Sóc Sơn tích cực thi đua lao động sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hướng đến phát triển nông nghiệp hàng hóa, hiệu quả bền vững. Hàng năm, có trên 60% tổng số hộ nông dân đăng ký đã đạt tiêu chuẩn hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Kết nối nông dân giỏi, nhân rộng mô hình hay - Ảnh 3.

Để hỗ trợ hội viên nông dân phát triển sản xuất, 5 năm qua, các cấp Hội đã đào tạo nghề cho 2.135 nông dân, phát triển nguồn vốn hỗ trợ nông dân vay dư nợ trên 200 tỷ đồng/năm.

Đáng chú ý, Hội đã phát huy vai trò nòng cốt của các nông dân giỏi trong việc liên kết xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp.

Đến nay, Hội đã thành lập mới được 3 hợp tác xã, 63 tổ hội nghề nghiệp, 76 tổ hợp tác trên các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt... Điển hình như các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại các xã: Tân Dân, Phú Minh, Việt Long, Thanh Xuân; trồng nấm công nghệ cao tại xã Minh Phú; trồng hoa nhài tại các xã: Phù Lỗ, Đông Xuân… đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hội viên.

Đánh giá cao vai trò của Hội ND huyện Sóc Sơn trong triển khai các mô hình kinh tế tập thể, nhất là thông qua việc thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp, Phó Chủ tịch Hội ND TP.Hà Nội Lê Ngọc Thắng nhấn mạnh: Việc thành lập các mô hình kinh tế tập thể đã khẳng định vai trò của Hội ND trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Các hoạt động của Hội không chỉ giúp cải thiện đời sống nông dân trên địa bàn mà còn góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới tại huyện Sóc Sơn. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem