dd/mm/yyyy

Hội Nông dân Hoà Bình: Thực hiện chương trình Hỗ trợ rừng và Trang trại giai đoạn II

Thực hiện chương trình Hỗ trợ rừng và Trang trại giai đoạn II (FFF), Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình đã phối hợp với Hội Nông dân huyện Tân Lạc, Lạc Thủy tổ chức 3 Hội nghị thảo luận nhóm trọng tâm. Đồng thời phân công nhiệm vụ cho các thành viên triển khai các hoạt động tại 3 xã Đông Lai, Tử Nê, An Bình.

Thảo luận, đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn

Vừa qua, Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình đã tổ chức Hội nghị triển khai chương trình Hỗ trợ rừng và Trang trại giai đoạn II. Tham gia Hội nghị có 115 đại biểu, đại diện lãnh đạo địa phương, cán bộ các ban ngành, bí thư chi bộ, trưởng xóm và thành viên các Tổ hợp tác, Hợp tác xã của 3 xã Đông Lai, Tử Nê (Tân Lạc); xã An Bình (Lạc Thủy). Tại Hội nghị, Ban quản lý chương trình FFF tỉnh Hòa Bình đã giới thiệu mục tiêu, đối tượng tham gia, các kết quả đầu ra của chương trình hỗ trợ rừng và trang trại, thời gian thực hiện chương trình FFF giai đoạn 2 và thảo luận kế hoạch hoạt động trong thời gian tới.

Hội Nông dân Hoà Bình: Thực hiện chương trình Hỗ trợ rừng và Trang trại giai đoạn II  - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự Hội nghị thảo luận và đưa ra các giải pháp thúc đẩy sự liên kết giữa các Tổ hợp tác và Hợp tác xã. Ảnh: Hà Hoàng.

Trong Hội nghị các đại biểu tham dự đã thảo luận và báo cáo thực trạng hoạt động của các Tổ hợp tác, Hợp tác xã, mở rộng và tăng cường sự tham gia của các thành viên. Ngoài các kết quả đã được, các đại biểu còn nêu lên những khó khăn và kiến nghị các giải pháp khắc phục cho Tổ hợp tác, Hợp tác xã trong trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất gia tăng giá trị từ rừng. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi, chỗ dựa vững chắc cho người dân gắn bó với rừng lâu dài và có thể làm giàu từ rừng.

Chia sẻ với PV, ông Trần Hồng Năng, Giám đốc HTX trồng bưởi hữu cơ Tân Đông (huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình) cho biết: Hiện HTX chúng tôi có 20 ha trồng bưởi và 5 ha rừng gỗ lớn, với 25 thành viên. Tổng thu nhập của HTX năm 2019 và 2020, bưởi đạt 3,2 tỷ, sau khi trừ chi phí chúng tôi lãi xuât 1,8 tỷ đồng. Đây mới là thu nhập từ trồng cây ăn quả, để có thu nhập cao từ trồng rừng, tôi đề nghị Hội và các cấp chính quyền cần tuyên truyền người dân tham gia. Đồng thời, cần đưa những giống cây có giá trị cao, để bà con có thu nhập từ rừng, có như vậy bà con mới mặn mà và gắn bó với việc trồng rừng, bảo vệ rừng.

Hội Nông dân Hoà Bình: Thực hiện chương trình Hỗ trợ rừng và Trang trại giai đoạn II  - Ảnh 2.

Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình đã phối hợp với Hội Nông dân huyện Tân Lạc, Lạc Thủy tổ chức 3 Hội nghị thảo luận nhóm trọng tâm, phân công nhiệm vụ cho các thành viên triển khai các hoạt động tại 3 xã Đông Lai, Tử Nê, An Bình. Ảnh: Hà Hoàng.

Bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, tại Hội nghị 1 số đại biểu còn tâm tư và nêu lên những khó khăn của các HTX, Tổ hợp tác, người dân đang đối mặt, cần có những chính sách, hỗ trợ kịp thời, để tạo động lực giúp các HTX như: Vận chuyển hàng hóa ra các tỉnh thành khác do dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến sản xuất. Thủ tục vay vốn các ngân hàng, định giá tài sản của các HTX thấp vay vốn ít. Dịch bệnh trên cây trồng, vât nuôi còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Từ đó các đại biểu kiến nghị và đề xuất, Hội và các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nhiều nguồn vốn; hỗ trợ tài chính, kế toán; hỗ trợ liên kết đầu ra cho sản phẩm; hỗ trợ cho các mô hình trồng rừng gỗ lớn có đầu ra ổn định.

Xây dựng mạng lưới liên kết, hợp tác giữa các Tổ hợp tác, HTX

Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Hương Hải, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình đã ghi nhận và tiếp thu ý kiến của các đại biểu tham dự. Bà Hải cho biết: Việc tổ chức hội nghì này, nhằm mục đích bàn về các cơ chế, chính sách thuận lợi hơn cho các tổ hợp tác, HTX, người nông dân được thúc đẩy thông qua các diễn đàn đa ngành, liên ngành. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường và tài chính trong các Tổ hợp tác, HTX được tăng cường gắn với bình đẳng giới và cung cấp dịch vụ cho các thành viên. Giảm thiểu, thích ứng, chống chịu đối với biến đổi khí hậu được cải thiện thông qua việc tham gia trực tiếp của các Tổ hợp tác, HTX và lồng ghép với các biện pháp sinh kế tổng hợp. Tiếp cận các dịch vụ văn hóa và xã hội được cải thiện và bình đẳng, mô hình trồng Rau hữu cơ, bảo vệ rừng…

Hội Nông dân Hoà Bình: Thực hiện chương trình Hỗ trợ rừng và Trang trại giai đoạn II  - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Hương Hải, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình phát biểu và tiếp thu ý kiến của đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình.

Theo bà Nguyễn Thị Hương Hải, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình, qua triển khai chương trình FFF đã nhận được sự quan tâm của tỉnh, có sự phối hợp chặt chẽ của Hội Nông dân các cấp, sự tham gia, góp ý của các sở, ban, ngành và các cơ quan chuyên môn, sự quan tâm vào cuộc của cấp uy, chính quyền địa phương vùng thực hiện dự án. Góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân và người dân tộc thiểu số về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời giúp các HTX, Tổ hợp tác khai thác tiềm năng về dịch vụ văn hóa, xã hội, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm lâm nông nghiệp, phát triển rừng bền vững. Gia tăng giá trị từ rừng và cảnh quan rừng, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững cho các thành viên và cộng đồng.

Hội Nông dân Hoà Bình: Thực hiện chương trình Hỗ trợ rừng và Trang trại giai đoạn II  - Ảnh 5.

Chương trình Hỗ trợ rừng và Trang trại (FFF) là diễn đàn liên giữa Hội Nông dân với các ban, ngành liên quan để chia sẻ các sáng kiến, huy động nguồn lực hỗ trợ các HTX và Tổ hợp tác xã nâng cao năng lực sản xuất. Ảnh: Hà Hoàng

Được biết, trong thời gian tới Ban quản lý chương trình FFF tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục triển khai và hỗ trợ xây dựng mạng lưới liên kết, hợp tác giữa các Tổ hợp tác, HTX. Tập trung đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các bên liên quan, nhất là với doanh nghiệp. Tuyên truyền lợi ích làm việc theo nhóm, nâng cao năng lực tổ chức, quản lý sản xuất, kinh doanh cho các Tổ hợp tác, HTX, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, cung ứng vật tư đầu vào, tiếp cận tín dụng, marketing sản phẩm.... tham gia xây dựng, giám sát, phản biện chính sách của Hội Nông dân và hội viên nông dân.

Bên canh đó, Ban quản lý chương trình FFF tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục tăng cường công tác truyền thông về quản lý, khai thác, phát triển rừng gắn với trang trại bền vững. Đồng thời Tăng cường sự phối hợp, hợp tác với các đối tác, cơ quan ban ngành, chính quyền địa phương, doanh nghiệp để hỗ trợ các THT, HTX. Nghiên cứu nhân rộng mô hình thành công, mở rộng địa bàn thực hiện chương trình. Kết nối với các dự án, chương trình phát triển khác để huy động các nguồn lực phát triển tổng thể cảnh quan rừng. Tăng cường sự tham gia của phụ nữ, thanh niên, người dân tộc thiểu số vào các hoạt động của FFF, để phát triển sinh kế và quản lý rừng bền vững trong tương lai.

Hà Hoàng