Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân: Tạo áp lực tích cực cho các bộ ngành

Anh Thơ (thực hiện) Thứ sáu, ngày 24/07/2020 08:00 AM (GMT+7)
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Nguyễn Xuân Cường, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân sẽ tạo áp lực tích cực cho các bộ ngành, nỗ lực tìm các giải pháp tháo gỡ nút thắt, tạo động lực để phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Bình luận 0

LTS: Sau hai lần tổ chức vô cùng thành công tại Hải Dương và TP.Cần Thơ trong 2 năm 2018, 2019, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân lần thứ 3 sẽ tiếp tục được tổ chức tại tỉnh Đăk Lăk vào đầu tháng 8 tới với chủ đề: "Giữ vững tăng trưởng giá trị nông sản Việt, giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại". 

Đến thời điểm này, Ban Tổ chức đã nhận được 1.500 câu hỏi của người dân được tổng hợp từ nhiều nguồn gửi đến Thủ tướng mong chờ được giải đáp, với kỳ vọng hội nghị lần này sẽ tạo lực đẩy thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào mảnh đất miền Trung, Tây Nguyên giàu tiềm năng và bản sắc.

Trước thềm Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân lần thứ 3 - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng nông sản của nông dân TP.Cần Thơ trong khuôn khổ Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân lần thứ 2. Ảnh: Nguyễn Chương

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá rất cao sáng kiến tổ chức hội nghị này. Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân sẽ tạo những áp lực cho các bộ, ngành, địa phương tích cực vào cuộc gỡ những nút thắt, vướng mắc mà người nông dân trực tiếp gửi gắm đến người đứng đầu Chính phủ.

Trước thềm Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân lần thứ 3 - Ảnh 2.

Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc gặp các đại biểu, nông dân xuất sắc tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân lần thứ 2. Ảnh: Nguyễn Chương

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân lần thứ 3 sẽ được tổ chức tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển của nông nghiệp khu vực Tây Nguyên trong bức tranh chung của nền kinh tế?

- Nông nghiệp, nông thôn Tây Nguyên có nhiều tiềm năng và vai trò quan trọng trong nền kinh tế và an ninh, quốc phòng của nước ta.

Tây Nguyên có đến 2 triệu ha đất bazan màu mỡ, tương đương 60% đất bazan cả nước, phù hợp với những cây công nghiệp như: Cà phê, ca cao, hồ tiêu, dâu tằm, trà, mắc-ca. Đây đều là những cây công nghiệp quan trọng của Việt Nam đã xuất khẩu và giữ được thị phần lớn về kim ngạch trên thế giới.

img

"Tôi đánh giá rất cao sáng kiến tổ chức đối thoại, việc đối thoại sẽ mở ra những thay đổi vô cùng tích cực, người nông dân từ định hướng của các bộ ngành mà đổi mới tư duy sản xuất, các bộ ngành từ kiến nghị của nông dân mà tiếp tục hoàn thiện chính sách, tạo động lực phát triển".

Bộ trưởng Bộ NNPTNT

Nguyễn Xuân Cường

Tuy nhiên, khó khăn này, thách thức lớn nhất hiện nay đối với nông nghiệp, nông thôn Tây Nguyên là sự tác động của biến đổi khí hậu, như: Tình trạng khô hạn và các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lũ, lốc xoáy… không chỉ gây thiệt hại trước mắt mà còn phá vỡ quy luật phát triển của cây trồng; độ che phủ rừng suy giảm, mạch nước ngầm giảm sâu...

Chính vì vậy, để Tây Nguyên phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng, điều quan trọng là cần cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng để hình thành liên vùng kinh tế trọng điểm; tập trung phát triển mạnh các ngành công nghiệp mũi nhọn; nhất là công nghiệp chế biến nông, lâm sản; đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, hình thành các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn, phục vụ cho ngành chế biến; phát triển bền vững, phục hồi và bảo vệ rừng, gắn với sinh kế của người dân. 

Bộ trưởng đã từng tham gia đối thoại với nông dân cùng Thủ tướng tại Hội nghị lần thứ nhất tại Hải Dương, các câu trả lời của Bộ trưởng rất sát, trúng vấn đề, nông dân vô cùng tâm đắc. Ý kiến của Bộ trưởng như thế nào về việc tổ chức một hội nghị đối thoại thẳng thắn, cởi mở như thế?

- Trước hết, phải khẳng định, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân là một sự kiện rất bổ ích, có ý nghĩa tích cực. 

Thông qua hội nghị, các tâm tư, tình cảm, kiến nghị của nông dân được trực tiếp gửi đến người lãnh đạo cao nhất của Chính phủ là Thủ tướng, đại diện các ngành chức năng cũng nắm bắt được nguyện vọng của nông dân, nút thắt cần tháo gỡ trong quá trình sản xuất để từ đó Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ ngành liên quan, hệ thống chính trị tập trung các giải pháp tháo gỡ, không chỉ cho nông dân mà còn cho cả cộng đồng doanh nghiệp, các thành phần kinh tế để từ đó thúc đẩy nông nghiệp phát triển.

Qua 2 lần tổ chức đối thoại, tôi thấy hình thức chuyển tải của hội nghị rất ấn tượng, trực diện vào từng vấn đề thời sự của nông nghiệp, nông thôn hiện nay, quy mô của hội nghị ngày càng lớn và hoàn thiện hơn.

Việc chọn tổ chức ở từng vùng sinh thái cũng góp phần tháo gỡ những yêu cầu bức bách cho từng vùng, từng nhóm đối tượng. 

Các vấn đề mà người nông dân còn khó khăn trong đời sống sản xuất, sinh hoạt, trong đời sống đều được chuyển tải đầy đủ đến hội nghị thông qua đại diện nông dân, đại diện hợp tác xã, Hội Nông dân từ cấp cơ sở đến Trung ương.

Từ những kiến nghị này, Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ có sự chỉ đạo cho từng cấp ngành, một mặt tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách sao cho phù hợp tạo lực đẩy cho nông dân phát triển sản xuất, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực miền Trung - Tây Nguyên vốn rất giàu tiềm năng; mặt khác huy động tổng lực sức mạnh của cả khu vực doanh nghiệp, người dân, các thành phần kinh tế khai thác tốt tiềm năng, lợi thế này.

Thứ hai, những mô hình hay, kiến nghị tốt trong hội nghị sẽ được lan tỏa qua các cấp, các bộ ngành, Hội Nông dân, từ đó biến thành kết quả sản xuất tốt.

Thứ ba, sau một cuộc đối thoại sẽ tạo áp lực rất tích cực cho các bộ ngành, trong đó có Bộ NNPTNT vào cuộc giải quyết các yêu cầu, kết luận của Thủ tướng sau hội nghị đối thoại.

 Đơn vị, bộ ngành nào làm chưa tốt phải làm tốt hơn chứ không có lý gì những mâu thuẫn, nút thắt đó đã được nêu ra, được Thủ tướng yêu cầu tháo gỡ mà các bộ ngành không giải quyết được.

Sau 2 lần Thủ tướng đối thoại với nông dân, Bộ NNPTNT đã giải quyết các vấn đề mà nông dân nêu ra như thế nào, thưa Bộ trưởng?

- Với riêng Bộ NNPTNT, vấn đề tiêu thụ nông sản, đầu ra cho sản phẩm luôn là điều bà con trăn trở. Chính vì vậy, trong những năm qua, Bộ đã liên tục tổ chức xúc tiến, tìm thị trường mới cho các loại nông sản, ví dụ, ngay trong vụ vải thiều 2020, đặc sản của chúng ta đã đến được Nhật Bản, Singapore,… Dù tác động của dịch Covid-19 nhưng giá trị xuất khẩu nông sản 6 tháng đầu năm vẫn đạt con số khả quan.

Bên cạnh đó, Bộ NNPTNT cũng chỉ đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản tổ chức việc thông tin, dự báo thị trường để người dân, doanh nghiệp có định hướng sản xuất.

Với những vấn đề liên quan đến đất đai, Bộ NNPTNT đều phối hợp với các ngành chức năng giải quyết những vấn đề đang còn vướng mắc trong luật, hy vọng trong thời gian tới, những hạn chế đó sẽ được tháo gỡ, tạo đà cho nông nghiệp phát triển.

Sau 3 lần tổ chức, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân trở thành sự kiện được nông dân mong chờ. Bộ trưởng mong chờ gì ở cuộc đối thoại rất có ý nghĩa giữa Chính phủ và nông dân?

- Như tôi đã nói, tôi đánh giá rất cao sáng kiến tổ chức đối thoại, việc đối thoại sẽ mở ra những thay đổi vô cùng tích cực, người nông dân từ định hướng của các bộ ngành mà đổi mới tư duy sản xuất, các bộ ngành từ kiến nghị của nông dân mà tiếp tục hoàn thiện chính sách, tạo động lực phát triển. 

Tôi mong muốn hội nghị này tiếp tục được duy trì, tổ chức với hình thức ngày càng sáng tạo, cải tiến hơn.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem