Hội Lim muốn vui phải khổ

Thứ bảy, ngày 23/02/2013 06:57 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bất chấp mưa lạnh, sáng 22.2, hàng nghìn du khách thập phương ùn ùn kéo về nghe câu hát quan họ và dự lễ hội Lim (Bắc Ninh). Bên cạnh niềm vui được tham gia một lễ hội lớn, nhiều du khách không khỏi buồn bởi hội vẫn còn lắm “sạn”.
Bình luận 0

Những hạt sạn

Vượt gần 100km tham gia lễ hội Lim, đoàn du khách của bà Bùi Thị Lới (Đông Xuân, Quốc Oai, Hà Nội) cũng đã về tới Tiên Du, Bắc Ninh. Xen trong niềm vui được dự hội, nghe hát quan họ, bà Lới không khỏi chạnh lòng vì đoàn du khách của bà (có tới 17 người đều là người cao tuổi) tối qua đều phải ngủ ngoài trời.

img
Dù đã nỗ lực ngăn chặn, nhưng nhiều trò chơi bịp bợm vẫn xuất hiện.

“Chúng tôi đến hội Lim từ 8 giờ tối hôm qua, nhưng vì đến muộn nên không thuê được nhà nghỉ đành phải ngủ lại ở cửa chùa. Thời tiết lạnh phải nằm đất với một manh chiếu mỏng khiến nhiều cụ trong đoàn rất mệt mỏi, có hiện tượng ốm”- bà Lới nói. Mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng cụ Nguyễn Thị Tóp (81 tuổi, Đông Xuân, Quốc Oai, Hà Nội) vẫn lặn lội đường xa để đến với hội Lim, cụ tâm sự: “Đến hẹn lại lên, năm nào cũng thế cứ đến rằm tháng Giêng là chị em tôi lại thuê xe đi lễ hội Lim. Đi hội giúp chị em tôi tìm lại được nét đẹp văn hóa truyền thống của ông cha ngày xưa. Thế nên, muốn vui đành phải chịu khổ chút vậy”.

Còn chị Phạm Thị Tuyết (xã Bồng Lai, Quế Võ, Bắc Ninh) thì cho rằng : “So với các năm trước lễ hội năm nay trông đẹp hơn, tiến bộ hơn. Đơn vị quản lý đã làm tốt hơn công tác đảm bảo vệ sinh, an ninh trật tự, siết chặt buôn bán hàng hóa, các trò chơi bạc bịp trá hình, lừa đảo… Có lẽ điều này cũng khiến lễ hội bớt đông và nghiêng về phần “chất” nhiều hơn”.

Không chỉ chịu cảnh “nếm mật, nằm gai”, hàng nghìn du khách thập phương đi lễ hội Lim cũng cũng rất phiền lòng vì chuyện nhà vệ sinh công cộng. Cả một lễ hội lớn chỉ có 3 nhà vệ sinh công cộng hoạt động, nhưng đã có tới 2 nhà vệ sinh thường xuyên bị tắc. Tiếng là đi nhà vệ sinh công cộng, nhưng mỗi du khách phải trả tới 5.000 đồng/ lần đi. Nhằm tránh việc ùn tắc cho 3 nhà vệ sinh cộng cộng, ban quản lý đã dùng một tấm nylon chắn qua loa phục vụ du khách có nhu cầu đi tiểu tiện. Dù làm đi tiểu tiện kiểu “thiên nhiên”, nhưng mỗi du khách cũng phải móc túi trả cho người quản lý 3.000 đồng/lần đi.

Thay nón bằng khay nhận tiền

Ngoài những điểm tích cực trông thấy như tăng cường an ninh, tích cực làm công tác vệ sinh, quyết liệt ngăn chặn nạn cờ bạc… thì lễ hội Lim vẫn còn nhiều sạn. Đầu tiên phải kể đến chính là chuyện các liền anh, liền chị không “ngả nón xin tiền” nhưng nếu khách thập phương “có lòng” họ vẫn vô tư “ngả khay nhận tiền”. Người năm, mười nghìn nhưng chỉ sau một vòng hồ, số tiền mà thuyền rồng đã thu về cũng được cả triệu đồng.

Trong khi Trưởng ban quản lý hội Lim mạnh tay tuyên bố “ngăn chặn chuyện ngả nón xin tiền” nhưng xem chừng điều này vẫn khó mà thực hiện được bởi: “Du khách có lòng, lẽ nào nghệ sĩ chúng tôi lại từ chối” – một nghệ sĩ hát quan họ nói.

Thông tin từ Phòng Nội vụ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh cho biết. Chiều ngày 22.2, lực lượng an ninh huyện đã phát hiện 4 đối tượng giả danh nhà sư để xin tiền. Điều tra ban đầu cho thấy cả 4 nhà sư đều không xuất trình được giấy tờ tùy thân, chứng minh là người xuất gia… Hiện phòng Nội vụ đã giao cơ quan công an tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ về các đối tượng và hành vi xin tiền này.

Ông Bùi Hoàng Cường (75 tuổi, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) là một người đã xa làng từ thuở bé, nhưng năm nào cũng vậy, cứ tới lễ hội Lim là ông lại sắp xếp thời gian để về tham gia.

“Việc khách thập phương thưởng tiền như một lời động viên đối với các nghệ sĩ hát quan họ, thế nhưng gần đây hoạt động này có nhiều biến tướng làm mất đi nét đẹp nhân văn của lời quan họ. Trước đây, người ta chỉ tặng hoa tặng quà để thể hiện tấm lòng mến mộ với các liền anh, liền chị, giờ thì thực dụng quá khiến nhiều người cũng khó xử” – ông Cường trăn trở.

Ngoài chuyện nghệ sĩ nhận tiền, nhiều du khách vẫn không khỏi thất vọng bởi xen lẫn trong những lời quan họ ngọt ngào, đằm thắm, vẫn còn những bài hát nhạc trẻ, lời lẽ ngây ngô, ngôn từ thì sáo rỗng. Cảnh tượng chen chúc cùng nhiều trò chơi bịp bợm, chơi bạc trá hình vẫn tái diễn mặc dù không nhiều…

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem