dd/mm/yyyy

Hoà Bình: Thêm 9 xã về đích nông thôn mới

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM), tỉnh Hoà Bình đã có thêm 9 xã cán đích nông thôn mới.

Quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong XDNTM

Trong năm 2021 vừa qua, UBND tỉnh Hoà Bình đã đề ra mục tiêu phấn đấu thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, với sự đồng thuận, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cùng với tinh thần vượt khó của mỗi địa phương, đến hết năm toàn tỉnh có thêm 9 xã về đích nông thôn mới, vượt 3 xã so với kế hoạch. Đáng chú ý, trong đó có những xã thuộc diện đặc biệt khó khăn như: Quyết Chiến, Gia Mô (Tân Lạc), Cao Sơn (Đà Bắc), Hữu Lợi (Yên Thủy) và nhiều xã có xóm đặc biệt khó khăn.

Hoà Bình: Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị đã có thêm 9 xã về đích nông thôn mới - Ảnh 1.

Người dân tham gia dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, góp phần XDNTM nông thôn ngày càng giàu đẹp. Ảnh: Hà Hoàng.

Từ lúc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, các xã đều có điểm xuất phát rất thấp khi bình quân mới chỉ đạt 3,3 tiêu chí/xã. Đời sống vật chất, tinh thần của bà con còn nhiều khó khăn, trình độ thâm canh còn lạc hậu; cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt giao thông khó khăn là trở ngại lớn của các xã. Trước thực tế này, với sự nỗ lực, bền bỉ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự ủng hộ tích cực của người dân và từ phong trào thi đua chung sức XDNTM lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng đã mang lại hiệu quả rõ nét, diện mạo nông thôn mỡi đã thay da đổi thịt.

Hoà Bình: Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị đã có thêm 9 xã về đích nông thôn mới - Ảnh 2.

Nhờ xây dựng nông thôn mới, đời sống của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Ảnh: Hà Hoàng.

Xã vùng sâu Gia Mô, huyện Tân Lạc là 1 trong 9 xã trên địa bàn tỉnh cán đích nông thôn mới năm 2021. Để hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới, các cấp uỷ, ban ngành, đoàn thể đã đoàn kết, hỗ trợ nhau vượt khó khăn. Tuy nhiên, đã có thời điểm tưởng chừng mục tiêu không thể hoàn thành trong năm 2021 nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự vào cuộc của mỗi gia đình, xã Gia Mô đã kịp cán đích nông thôn mới trong niềm vui của cán bộ và bà con các dân tộc.

Bà Bùi Thị Hoạt, xã Gia Mô (huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình) vui mừng cho biết: "Khi xã về đích nông thôn mới, chúng tôi phấn khởi lắm. Nhờ có chương trình nông thôn mới, bà con chúng tôi đã có đường đẹp, điện, nước để sinh hoạt và phát triển sản xuất. Chúng tôi sẽ chung tay cùng xã gìn giữ những thành quả lớn này".

Cũng như xã Gia Mô, với sự chủ động, sáng tạo, cùng nhiều cách làm hay, xây dựng mô hình hiệu quả đã giúp 8 xã hoàn thành mục tiêu nông thôn mới, như: Xã Quyết Chiến (Tân Lạc); Bắc Phong (Cao Phong); Quang Tiến (TP. Hòa Bình); Cao Sơn (Đà Bắc); Yên Phú, Tân Lập (Lạc Sơn); Bao La (Mai Châu) và Hữu Lợi (Yên Thủy). Đạt được kết quả trên là sự nỗ lực không mệt mỏi của chính quyền, các cấp, các ngành và sự đồng thuận của người dân trong thực hiện các tiêu chí XDNTM.

Hoà Bình: Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị đã có thêm 9 xã về đích nông thôn mới - Ảnh 3.

Đường bê tông đã thay thế cho những con đường đất trước kia, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và phát triển kinh tế. Ảnh: Hà Hoàng.

Năm 2021, tỉnh Hoà Bình có thêm 9 xã cán đích nông thôn mới

Điểm nhấn XDNTM là các xã tập trung cao nhất cho phát triển kinh tế, ưu tiên phát triển sản phẩm hàng hóa chủ lực, đem lại thu nhập cao. Song song với chuyển đổi cơ cấu nội ngành, các xã chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, mở rộng các loại hình tổ hợp tác, HTX, quan tâm phát triển kinh tế hộ gia đình.

"Năm vừa qua, huyện đã có thêm 2 xã về đích nông thôn mới, đạt được thành quả này là sự đoàn kết của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt là sự đồng lòng của nhân dân, bà con đã hiểu về lợi ích của XDNTM, từ đó đã hiến đất, góp công làm đương nông thôn, trường, trạm y tế… đây là 1 việc làm rất ý nghĩa và quan trọng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng ngân sách xây dựng nông thôn mới đồng bộ, hiệu quả. Tiếp tục quan tâm, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân, để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong xây dựng các tiêu chí nông thôn mới" - ông Bùi Văn Nhỏ, Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình cho biết.

Nhờ chủ động, linh hoạt, vượt khó phát triển kinh tế, đến nay thu nhập bình quân của 9 xã đạt 38,94 triệu đồng/người/năm, tăng 28,86 triệu đồng so với năm 2011. Trong đó, có những xã thu nhập cao như Quang Tiến đạt 45 triệu đồng/người, Yên Phú đạt 42 triệu đồng/người/năm... Tỷ lệ hộ nghèo bình quân của các xã còn 8,34% (năm 2011 là 36,49%).

Hoà Bình: Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị đã có thêm 9 xã về đích nông thôn mới - Ảnh 5.

Trong năm 2021 vừa qua, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân, tỉnh Hoà Bình đã có thêm 9 xã về đích nông thôn mới. Ảnh: Hà Hoàng.

Để đạt được kết quả XDNTM, việc huy động, lồng ghép hiệu quả các nguồn lực hết sức quan trọng. Theo đó, các xã đã huy động được gần 1.699.900 triệu đồng, ngoài nguồn ngân sách T.Ư, ngân sách tỉnh, huyện, xã, các xã đã lồng ghép vốn của các chương trình, dự án được gần 295.300 triệu đồng; vốn tín dụng trên 330 tỷ đồng; huy động các doanh nghiệp, HTX gần 64.200 triệu đồng và nguồn huy động nhân dân, huy động khác gần 259.400 triệu đồng, bao gồm công lao động, hiến đất, tài sản trên đất, vật liệu xây dựng, ca máy, tiền mặt...

Đánh giá về công tác XDNTM, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoà Bình nhận định, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến các mặt của đời sống xã hội, song các cấp, các ngành và người dân rất tích cực trong việc vừa phòng, chống dịch, vừa thực hiện chương trình XDNTM. Việc lấy ý kiến tham gia của người dân trong xây dựng nông thôn mới đã được tổ chức thường xuyên, bài bản. Từ đó, người dân đã hiểu và biết rõ lợi ích của nông thôn mới mang lại, cũng từ hiểu biết đó đã tạo nên sức mạnh đoàn kết, lan toả đến mỗi người dân. Khi lòng dân đã thuận thì mọi chuyện khó sẽ hoá thành dễ dàng, đây là thế mạnh cần được phát huy hơn nữa. Tôi đề nghị thời gian tới, các địa phương sử dụng nguồn ngân sách xây dựng nông thôn mới đồng bộ, hiệu quả; tập trung tuyên truyền người dân tham gia XDNTM, thường xuyên xuống cơ sở năm bắt nguyện vọng của bà con, để đề ra các giải pháp kịp thời, nhanh, gọn, hiệu quả nhất.

Hà Hoàng