Hòa Bình: Rừng phòng hộ ở huyện Yên Thủy bị giao trái thẩm quyền, "hô biến" thành trang trại

Võ Hồng Nhân Thứ năm, ngày 30/07/2020 11:29 AM (GMT+7)
Nhiều ha rừng phòng hộ tại xã Đa Phúc (huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình) bị đốn hạ để sử dụng làm trang trại. Sự việc xảy ra nhiều năm nay vẫn chưa được xử lý triệt để khiến người dân bức xúc.
Bình luận 0

Clip: Nhiều diện tích rừng phòng hộ tại huyện Yên Thủy bị phá làm trang trại.

Hạ rừng phòng hộ để làm trang trại

Trung tuần tháng 7/2020, Báo điện tử Dân Việt nhận được đơn thư từ người dân xóm Đăng (nay là xóm Nhuội thuộc xã Đa Phúc, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình) phản ánh về việc nhiều ha rừng phòng hộ bị phá để làm trang trại chăn nuôi.

Từ những thông tin trên, phóng viên Dân Việt đã có mặt tại xóm Nhuội để xác minh thông tin vụ việc.

Hòa Bình: Rừng phòng hộ rên xiết - Ảnh 1.

Người dân xã Đa Phúc, huyện Yên Thủy, Hòa Bình kêu cứu lên báo Dân Việt về tình trạng rừng phòng hộ bị tàn phá.

Theo tài liệu Dân Việt nắm được, năm 2014 UBND xã Đa Phúc có thông báo về việc tổ chức giao cho hộ gia đình, cá nhân trồng và tái tạo bảo vệ rừng phòng hộ tại khu vực xóm Đăng, xóm Nhuội.

Đối tượng được giao là các hộ gia đình thường trú tại địa bàn xã có điều kiện về lao động, khả năng tài chính để đảm bảo điều kiện trồng, chăm sóc, bảo vệ, tái tạo lại rừng. Theo đó khu vực rừng được giao thuộc rừng phòng hộ do UBND xã quản lý. 

Sau buổi đấu giá, lần lượt các khu vực rừng Đèo Ca được giao cho gia đình ông Lục, rừng Hôi được giao cho gia đình ông Sinh và rừng Láng Nháng được giao cho gia đình ông Nhất. Tổng diện tích là hơn 10 hecta.

Trong điều kiện hợp đồng quy định rõ, UBND xã Đa Phúc có quyền thu hồi lại rừng khi hộ quản lý rừng không thực hiện tốt việc chăm sóc bảo vệ rừng hoặc có các hành vi sau đây: Để rừng bị tàn phá, phát rừng trồng các loại hoa màu, sau thời gian 18 tháng mà không tổ chức trồng tái tạo lại rừng, sau ba sáu tháng không trồng khép kín các loại cây trồng theo quy định của Nhà nước về trồng rừng phòng hộ... và xử lý vi phạm hợp đồng theo quy định của pháp luật.

Hòa Bình: Rừng phòng hộ rên xiết - Ảnh 2.

Khu vực rừng phòng hộ bị tàn phá làm trang trại tại xã Đa Phúc, Yên Thủy, Hòa Bình.

Về phía hộ được giao, được nhận diện tích đất rừng để bảo vệ và tái tạo phát triển rừng. Được trồng xen các loại cây gỗ khác nhưng không làm ảnh hưởng cây tự nhiên... 

Có trách nhiệm bảo vệ toàn bộ cây rừng tự nhiên tại khu vực được giao, bảo vệ không được để bị tàn phá làm mất đi các loại cây tự nhiên hiện có trong khu vực rừng được giao.

Tuy nhiên, thực tế phóng viên Dân Việt ghi nhận tại ba khu vực rừng phòng hộ này cho thấy, phần lớn diện tích rừng phòng hộ đã bị phá bỏ để giành đất trồng cây sắn, bí, một phần được sử dụng làm trang trại lợn, gà. Có những hộ gia đình sau khi phá đi đã trồng lại cây keo để thế chỗ rừng bị mất.

Ông Bùi Văn Lợi (người dân xóm Nhuội) cho biết, sự việc này người dân nhiều lần phản ánh nhưng không được, nhìn rừng phòng hộ bị tàn phá mà xót xa.

Hòa Bình: Rừng phòng hộ rên xiết - Ảnh 3.

Những gốc cây còn lại của khu vực rừng phòng hộ đã bị chặt hạ,

"Ngày xưa toàn cây gỗ lớn lắm, có những cây hai ba người ôm không xuể, nhưng sau khi chủ đất nhận bàn giao từ UBND xã họ huy động máy múc san phẳng làm trang trại, trồng cây thu kinh tế. Bây giờ chỉ còn sót lại một số gốc cây to là minh chứng", ông Lợi nói.

Phóng viên Dân Việt cũng đã có cuộc trao đổi với ông Nhất (một trong nhưng hộ nhận rừng), ông này cho biết, khu vực này gia đình thầu lại của xã với giá 280 triệu và là đất rừng phòng hộ nhưng sau phá đi để làm trang trại. 

Cũng theo ông Nhất khi phá rừng phòng hộ làm trang trại thì xã không có ý kiến gì, đồng thời người này cũng khẳng định trong điều kiện làm hợp đồng là xã sai.

Khai thác đất rừng phòng hộ bán

Cũng theo nhiều hộ dân ở đây, ngoài việc phá rừng phòng hộ làm trang trại, tại địa bàn cũng có một số đơn vị múc đất rừng phòng hộ để bán thu lời.

Trên con đường dẫn vào UBND xã Đa Phúc, người dân chỉ cho chúng tôi chiếc máy xúc cỡ lớn nằm cạnh vệ đường.

Hòa Bình: Rừng phòng hộ rên xiết - Ảnh 4.

Theo người dân cho biết, chiếc máy xúc này nhằm phục vụ việc khai thác đất trong rừng phòng hộ núi Mòi.

Đưa chúng tôi vào phía trong, đến khu vực khai thác đất rừng phòng hộ tại núi Mòi, tại đây có những chiếc hố khổng lồ, sâu hun hút.

Chị Bùi Thị Ánh (người dân xóm Nhuội) cho biết, điểm khai thác đất nằm không xa mặt đường nhựa rất thuận lợi cho ô tô ra vào chở đất. Sau một thời gian dài triệt hạ, khu vực núi Mòi giờ sâu hoắm, mất rất nhiều đất.

"Dù nằm ngay cạnh đường nhựa, nhưng khi máy xúc xúc đất thì người đi ngoài đường không phát hiện được. Ngày xưa khu vực rừng phòng hộ núi Mòi cao và rộng lắm, nhưng giờ có đội khai thác đất hoành hành nên một lượng lớn tài nguyên đã bị bán đi.

Hòa Bình: Rừng phòng hộ rên xiết - Ảnh 5.

Người dân xót xa trước tình trạng rừng phòng hộ bị khai thác đất trái phép.

Người dân chúng tôi không ít lần có ý kiến lên cả phòng TNMT huyện, nhưng cán bộ về kiểm tra xong đâu lại vào đấy, không có tác dụng gì", chị Ánh bức xúc nói.

Người dân xóm Nhuội cũng có ý kiến về việc chưa minh bạch, rõ ràng gây tranh cãi trong việc cấp sổ đỏ và chia đất khiến trên cùng một mảnh đất có hai, ba sổ đỏ chồng chéo nhau. Đồng thời, người dân cũng có ý kiến về việc đền bù đất đai tại dự án quốc phòng chưa được rõ ràng.

Liên quan đến vấn đề này, bà Bùi Thị Vân - Chủ tịch UBND xã Đa Phúc cho biết, năm 2014 UBND xã có chủ trương giao rừng cho người dân, nhưng việc giao rừng cho người dân là không đúng thẩm quyền. 

"Năm 2014, Đảng ủy xã có Nghị quyết giao rừng cho các hộ dân quản lý, tuy nhiên việc giao rừng không đúng thẩm quyền. UBND xã Đa Phúc không có thẩm quyền để giao mà phải là UBND huyện Yên Thủy" - bà Vân nói.

Một số cá nhân liên quan đến sai phạm này đã bị xử lý, hình phạt nặng nhất là cách hết chức vụ trong Đảng và Chính quyền, Chủ tịch xã Đa Phúc thông tin.

"Đến tháng 3/2020 UBND nhân dân xã đã thanh lý hợp đồng với các hộ dân, giao hộ dân thu hoạch sản phẩm trên diện tích đất này đến hết năm 2020 và giao trả cho chính quyền địa phương", bà Vân cho biết.

Phóng viên Dân Việt cũng đã liên hệ với Chánh văn phòng UBND huyện Yên Thủy, vị này cho biết chờ UBND xã Đa Phúc báo cáo cụ thể rồi sẽ liên hệ với báo Dân Việt.

Báo điện tử Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem