dd/mm/yyyy

Hoà Bình: Phát triển nông nghiệp thông minh và sản xuất an toàn theo chuỗi

Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh và sản xuất an toàn theo chuỗi liên kết là hướng đi mới giúp nông dân tỉnh Hòa Bình nâng cao giá trị sản phẩm bền vững, tăng cao nguồn thu nhập.

Tạo đột phá từ nông nghiệp thông minh

Trong bối cảnh ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình vẫn còn tình trạng phát triển với quy mô nhỏ, manh mún, đa phần sản xuất theo kiểu truyền thống, sự liên kết càng trở nên cần thiết, nhất là liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu hàng hóa.

 Hoà Bình: Phát triển nông nghiệp thông minh và sản xuất an toàn theo chuỗi - Ảnh 1.

Việc phát triển nông nghiệp thông minh và sản xuất an toàn theo chuỗi, sẽ giúp các nông hộ tăng cao sản lượng trong sản xuât trồng trọt, chăn nuôi.

Nông nghiệp thông minh được ứng dụng trong 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và chế biến nông sản trong vài năm gần đây ở tỉnh Hòa Bình đã tạo những bước khởi đầu tích cực. Trong lĩnh vực trồng trọt thể hiện rõ nhất là phát triển nông nghiệp hữu cơ, công nghệ tưới nhỏ giọt; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0 vào sản xuất, nhất là tăng cường liên kết 4 nhà (nông dân, Nhà nước, nhà khoa học, Doanh nghiệp) trong sản xuất nông nghiệp. Sản phẩm của các  hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp đã dán tem truy xuất nguồn gốc. Nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư liên kết với HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh và nông hộ địa phương để phát triển công nghệ thông minh, mở rộng thị trường, góp phần tạo ra lợi thế mới thúc đẩy tăng trưởng chung trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

 Hoà Bình: Phát triển nông nghiệp thông minh và sản xuất an toàn theo chuỗi - Ảnh 2.

Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Đồng Sương, xã Thành Lập (Lương Sơn) sản xuất rau an toàn theo chuỗi được người tiêu dùng tin tưởng đón nhận.

Theo thống kê, đến nay toàn tỉnh Hòa Bình có 104 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Trong đó, đầu tư đối với nông nghiệp công nghệ cao chiếm một phần nhỏ, ít mô hình lớn. Theo quy hoạch tổng thể vùng và khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC) của tỉnh Hòa Bình đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, phát triển sản xuất NNUDCNC giai đoạn 2016 - 2020 sẽ đạt những mục tiêu cụ thể: Tỷ trọng giá trị sản xuất NNUDCNC chiếm khoảng 25 - 30%, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Năm 2020, xây dựng 3 vùng sản xuất NNUDCNC, gồm: Vùng cây ăn quả, vùng rau - hoa, vùng chăn nuôi trâu, bò thịt - thủy sản; 11 khu NNUDCNC tại các huyện và TP. Hòa Bình.

Sản xuất an toàn theo chuỗi liên kết

Thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi, các địa phương trong tỉnh Hòa Bình thực hiện các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, như: Sản xuất rau hữu cơ, trồng cây có múi, chăn nuôi... Đây là những chuỗi giá trị liên kết từ nông dân đến doanh nghiệp thông qua kết nối của các HTX và tổ hợp tác, theo phương thức doanh nghiệp chịu trách nhiệm cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, phòng trừ dịch hại tổng hợp và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm.

 Hoà Bình: Phát triển nông nghiệp thông minh và sản xuất an toàn theo chuỗi - Ảnh 3.

Người dân huyện Cao Phong (Hòa Bình) lắp đặt hệ thống nước tự động cho vườn cây ăn quả.

Đối với chuỗi liên kết sản xuất rau hữu cơ là hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, thúc đẩy sự phát triển kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hoá. Đồng thời, giúp người nông dân bảo vệ sức khoẻ thông qua việc giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tiến tới nền nông nghiệp tiên tiến theo quy trình nông nghiệp VietGAP.

 Hoà Bình: Phát triển nông nghiệp thông minh và sản xuất an toàn theo chuỗi - Ảnh 4.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay, việc xây dựng các mô hình sản xuất an toàn theo chuỗi liên kết là rất quan trọng và cần thiết.

Thời gian qua, các dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ cây ăn quả thực hiện tại các xã: Tú Sơn, Đú Sáng, Vĩnh Tiến, Bình Sơn của huyện Kim Bôi quy mô 125 ha. Sản phẩm chủ lực là cây ăn quả có múi. Đơn vị thực hiện là HTX nông nghiệp và thương mại Mường Động; đơn vị tiêu thụ sản phẩm là Công ty CP Sản xuất và chế biến nông sản số 1 Hà Nội và Công ty TNHH Chuẩn nông Việt Nam đã mang lại hiệu quả về 3 mặt: Kinh tế, xã hội, môi trường, giúp bà con nông dân tăng cao nguồn thu nhập.

 Hoà Bình: Phát triển nông nghiệp thông minh và sản xuất an toàn theo chuỗi - Ảnh 4.

Các vùng trồng rau an toàn theo hướng VietGAP, đang được tỉnh Hòa Bình đặc biệt quan tâm.

Ngoài ra, các dự án trên đã hỗ trợ tập huấn, nâng cao năng lực cho các thành viên HTX và hộ trồng cây. Hỗ trợ đảm bảo an toàn thực phẩm trong sơ chế sản phẩm, hỗ trợ xúc tiến thương mại. Tổng kinh phí thực hiện dự án trên 12,8 tỷ đồng, trong đó nguồn dự án 300 triệu đồng, nguồn HTX hơn 50 triệu đồng, nguồn vốn góp xã viên 12,5 tỷ đồng. Là người trực tiếp tham gia dự án, anh Nguyễn Văn Thắng, thành viên HTX Mường Động, cho biết: "Thông qua các lớp tập huấn, tôi đã nắm rõ hơn về quy trình sản xuất cũng như nâng cao được chất lượng sản phẩm sau thu hoạch. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong trồng trọt, sản lượng đạt năng xuất cao hơn so với phương pháp truyền thống trước đây".

 Hoà Bình: Phát triển nông nghiệp thông minh và sản xuất an toàn theo chuỗi - Ảnh 5.

Thời gian qua, tỉnh Hòa Bình thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, hội nhập ngày càng sâu vào chuỗi giá trị nông sản.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, cho biết: "Vừa qua, tỉnh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, hội nhập ngày càng sâu vào chuỗi giá trị nông sản. Phát triển NNUDCNC gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn phù hợp với chủ trương, chiến lược phát triển nông nghiệp của ngành, của địa phương. Thời gian tới, tỉnh tập trung tuyên truyền, vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách và tạo mọi điều kiện để thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển NNUDCNC".

 Hoà Bình: Phát triển nông nghiệp thông minh và sản xuất an toàn theo chuỗi - Ảnh 6.

Việc xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh và sản xuất an toàn theo chuỗi liên kết là hướng đi mới giúp nông dân tỉnh Hòa Bình nâng cao giá trị sản phẩm bền vững, tăng cao nguồn thu nhập.

"Tập chung nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, đẩy mạnh công tác khuyến nông, xây dựng các mô hình sản xuất, đồng thời nghiên cứu những giải pháp huy động vốn từ nhiều nguồn của T.Ư, tỉnh, trong nhân dân, doanh nghiệp và nguồn vốn vay, tài trợ để đầu tư hạ tầng cho các khu NNUDCNC. Các trung tâm sản xuất giống, thủy lợi cho các vùng NNUDCNC, các dự án xây dựng hệ thống quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, sản xuất giống cây trồng vật nuôi, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của tỉnh" - ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết thêm.

Hà Hoàng