dd/mm/yyyy

Hoà Bình: Nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh các sản phẩm xuất khẩu

Để nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu trên thị trường, thời gian qua tỉnh uỷ, UBND tỉnh Hoà Bình đã thực hiện nhiều giải pháp thiết thực và hiệu quả. Qua đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi giúp người nông dân có thu nhập cao và làm giàu từ các sản phẩm nông nghiệp.

Nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh 

Từ sự lãnh đạo, định hướng của tỉnh ủy, UBND tỉnh Hoà Bình, cùng với nhiều cơ chế, chính sách đúng và trúng được triển khai đã giúp lĩnh vực xuất khẩu của tỉnh đạt được kết quả đáng kể. Kim ngạch xuất, nhập khẩu năm sau cao hơn năm trước, giai đoạn 2016 đến hết năm 2020, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 28,5%. Song trên thực tế, kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Tỉnh Hoà Bình đang xây dựng kế hoạch cụ thể để bứt phá với những mặt hàng chủ lực, mang tính đặc trưng, từ đó tạo đà mạnh mẽ góp phần xoay chuyển cục diện phát triển kinh tế của tỉnh.

Nếu như năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh mới đạt 340 triệu USD, đến năm 2018 tăng lên 616,15 triệu USD. Đặc biệt là đến hết năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn, trở ngại nhưng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Hoà Bình đạt được con số ấn tượng là hơn 1 tỷ USD. Nhờ vậy, đưa tốc độ tăng trưởng bình quân kim ngạch xuất khẩu đạt 30%/năm.

Hoà Bình: Nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh các sản phẩm xuất khẩu - Ảnh 1.

Hợp tác xã chuối Viba, thôn Tân Sơn (Xã Trung Sơn, Huyện Lương Sơn, Hòa Bình) chuyên sản xuất các mặt hàng chất lượng ra thị trường và thu về lợi nhuận cao.

Bà Lê Thị Vân, Giám đốc Công ty CP INCA Việt Nam, phường Kỳ Sơn (TP. Hòa Bình, tỉnh Hoà Bình) cho biết: Công ty chuyên sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cây sachi. Chúng tôi có vùng nguyên liệu khoảng 250 ha ở 14 tỉnh, thành phố, riêng trong tỉnh Hòa Bình có 150 ha. Công ty bước đầu hướng tới hàng xuất khẩu, nhưng mới dừng ở mặt hàng thô như hạt, nhân và dầu sachi. Qua tìm hiểu thị trường các nước, chúng tôi thấy họ có nhu cầu khá lớn về các mặt hàng này.

Tuy nhiên, do nguyên liệu sản xuất chưa nhiều, cùng với hệ thống thiết bị, máy móc chưa được đầu tư, đổi mới công nghệ nên công ty chưa đủ lượng hàng để cung cấp cho thị trường nhiều nước. Trong tương lai, chúng tôi mong muốn có đủ trang, thiết bị hiện đại nâng cấp sản phẩm tinh để xuất khẩu ra nước ngoài. Trước mắt, trong năm 2021, công ty dự định đầu tư một số mặt hàng xuất sang thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc.

Hoà Bình: Nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh các sản phẩm xuất khẩu - Ảnh 2.

Từ lâu tỉnh Hoà Bình được biết là thủ phủ các loại cây ăn quả có múi như: Cam Canh, cam Vinh, bưởi Đỏ... Tuy nhiên, vẫn đề nâng cao chất lượng và cạnh tranh sản phẩm cho các loại cây có múi này đang được tỉnh Hoà Bình rà soát và đề ra các giải pháp mang lại giá trị sản phẩm cao nhất.

Đến hết năm 2020, giá trị xuất khẩu nhóm hàng điện tử ước đạt 577 triệu USD, nhóm dệt may ước đạt 332 triệu USD. Nhóm hàng kim loại ước đạt 43,1 USD, nhóm hàng nông sản ước đạt 9,7 triệu USD và nhóm hàng hóa khác ước đạt 25 triệu USD. Nhóm hàng điện tử, dệt may đóng góp chính vào tổng kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh Hoà Bình. Thị trường xuất khẩu tập trung chủ yếu vào những thị trường truyền thống như: Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... Hiện đã mở rộng thêm một số thị trường mới mà Việt Nam tham gia hiệp định thương mại tự do như: Các nước thành viên của hiệp định CPTPP; hiệp định EU, thị trường Canada, Ấn Độ... Năm 2020, hiệp định EVFTA được ký kết, cho phép các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hoà Bình nói riêng tham gia vào các chuỗi giá trị sản xuất, góp phần mở rộng thị trường xuất nhập khẩu trong thời gian tới.

Hoà Bình: Nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh các sản phẩm xuất khẩu - Ảnh 4.

Tuy tỉnh Hoà Bình có nhiều nông sản chủ lực, nhưng giá trị xuất khẩu chiếm tỷ lệ rất thấp. Đây là vấn đề đặt ra đối với tỉnh, vì vậy những năm qua tỉnh Hoà Bình luôn đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu.

Sản xuất theo chuỗi và mở rộng thị trường xuất khẩu

Từ kết quả đạt được cho thấy, hàng hóa xuất khẩu của tỉnh Hoà Bình tập trung chủ yếu ở nhóm hàng linh kiện điện tử, gia công may mặc. Nhóm hàng nông sản có tăng trưởng trong thị phần về mặt hàng xuất khẩu song còn ít, giá trị thấp, chủ yếu tập trung vào mặt hàng chế biến lâm sản. Các sản phẩm nông sản của tỉnh Hòa Bình chưa có sản phẩm chế biến chất lượng cao, giá thành sản xuất cao dẫn đến cạnh tranh kém, bị ép giá trên thị trường. Xuất khẩu vẫn tập trung vào thị trường truyền thống. Vì vậy, khi thị trường các nước có biến động mạnh dẫn đến sự ảnh hưởng, gây thiệt hại không nhỏ cho các DN của tỉnh. Sự liên kết giữa các DN còn hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu...

Hoà Bình: Nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh các sản phẩm xuất khẩu - Ảnh 5.

Giá trị xuất khẩu của nhóm dệt may trên địa bàn tỉnh Hoà Bình ước đạt 332 triệu USD.

Trao đổi về công tác xuất khẩu, ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hoà Bình cho biết: Hết năm 2020, giá trị xuất khẩu của tỉnh Hòa Bình đạt trên 1 tỷ USD, nhưng chủ yếu vẫn ở các mặt hàng lắp ráp điện tử, liên quan đến may mặc, kết cấu thép. Tuy tỉnh có nhiều nông sản chủ lực, thế mạnh nhưng giá trị xuất khẩu chiếm tỷ lệ rất thấp. Đây là vấn đề đặt ra đối với tỉnh, chính vì vậy ngành công thương đã chủ động tham mưu với tỉnh ban hành một đề án hết sức quan trọng là, nâng cao các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong đó, có sự tính toán để trước mắt tiêu thụ trong nước thật tốt và hướng tới xuất khẩu. Việc xuất khẩu đòi hỏi các tiêu chí rất khắt khe, đặc biệt với thị trường châu Âu. Đây là vấn đề lớn đặt ra đối với ngành công thương, do vậy cần có sự phối hợp tích cực giữa các ngành, nhất là ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân, Liên minh HTX, các huyện, thành phố để thực hiện tốt đề án này. Muốn vậy, thứ nhất cần làm tốt công tác quy hoạch vùng. Thứ hai là tất cả các tiêu chuẩn phải đặt lên mức độ cao nhất, thì nông sản của tỉnh mới vào được các thị trường khó tính trên thế giới.

Hoà Bình: Nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh các sản phẩm xuất khẩu - Ảnh 6.

Hiện nay, sản lượng thuỷ sản của tỉnh Hoà Bình khá lớn như: Cá, tôm sông Đà. Song chúng mới chỉ bán thô, còn việc chế biến phục vụ xuất khẩu chưa thực hiện được. Vấn đề đặt ra trong thời gian tới là tỉnh Hoà Bình cần phải tìm được đối tác có kinh nghiệm xuất khẩu, nhất là lĩnh vực chế biến.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu, tỉnh ủy, UBND tỉnh Hoà Bình đã và đang sát sao chỉ đạo việc duy trì, mở rộng ngành hàng, lĩnh vực tại các thị trường truyền thống. Phát triển thị trường tiềm năng mới, đa dạng hóa thị trường, giảm dần phụ thuộc vào một thị trường nhất định, góp phần nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm. Tỉnh Hoà Bình cũng chủ trương đẩy mạnh hỗ trợ doanh đầu tư, mở rộng thị trường xuất khẩu, hợp tác làm ăn với các đối tác nước ngoài. Mở rộng quan hệ với các tỉnh, thành phố của nước ngoài, đặc biệt là những tỉnh, thành phố đã có quan hệ chính thức.

Đồng thời, tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình cũng đã chỉ đạo cần đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tập trung tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng và thị trường. Xác định rõ nhóm hàng, danh mục hàng hóa và thị trường xuất khẩu chủ yếu. Đánh giá cụ thể sức cạnh tranh của từng loại sản phẩm chủ yếu để có biện pháp khắc phục những yếu kém, bảo đảm sản phẩm của địa phương chiếm lĩnh thị trường trong nước, vươn mạnh ra thị trường quốc tế trong thời gian tới.


Hà Hoàng