Hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong dịch Covid-19: Sửa quy định để lưu thông hàng hóa

Khánh Nguyên Thứ hai, ngày 22/02/2021 06:00 AM (GMT+7)
Dịch Covid-19 ập đến như một cơn bão, khiến mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, người dân Hải Dương bị ảnh hưởng. Với riêng nông dân, những lứa rau, đàn gà đã sẵn sàng cung ứng cho thị trường đợt Tết Nguyên đán và các đơn hàng xuất khẩu buộc phải dừng lại.
Bình luận 0

Hơn lúc nào hết, cần một quy định thống nhất hơn trong vận chuyển nông sản thời Covid-19, đừng biến Hải Dương thành ốc đảo như hiện nay.

"Mạ có thì" nhưng vẫn phải chờ ngoài chốt

Những ngày này, nhóm Zalo của những doanh nghiệp nông nghiệp tỉnh Hải Dương liên tục nhận được tin nhắn của các doanh nghiệp phản ánh tình trạng xe vận chuyển nông sản từ tỉnh Hải Dương không thể ra khỏi chốt liên ngành kiểm soát phòng chống dịch Covid-19. "Nếu không có giấy xét nghiệm Covid-19 thì chỉ có một lựa chọn duy nhất là quay đầu" - một lái xe phản ánh trong nhóm Zalo và đề nghị lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Hải Dương hỗ trợ.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên NTNN, ông Vũ Việt Anh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hải Dương cũng thừa nhận một thực tế, việc vận chuyển nông sản của Hải Dương đi tiêu thụ và đưa các vật tư nông nghiệp vào địa phương phục vụ gieo cấy lúa chiêm xuân đang gặp khó khăn.

Hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong dịch Covid-19: Sửa quy định để lưu thông hàng hóa - Ảnh 1.

Rất đông người dân có mặt từ sáng sớm ngày 21/2 để mua nông sản tại một điểm tập kết ở Hà Nội. Ảnh: G.K

img

Ông Phạm Xuân Thăng - Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương: Nếu hạn chế xe lưu thông sẽ đình trệ sản xuất

Tỉnh Hải Dương đã và đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp kiểm soát chặt chẽ Covid-19. Trong đó, tại các chốt kiểm soát, cơ quan chức năng đã yêu cầu tất cả lái xe, phụ xe phải làm xét nghiệm và phải có kết quả âm tính mới được ra vào.

Nếu các địa phương lân cận hạn chế và kiểm soát quá mức xe chở hàng lưu thông sẽ dẫn đến đình trệ sản xuất. Trong khi chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ dù phong tỏa hay cách ly vẫn phải tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh phát triển, đảm bảo điều kiện sản xuất.

Hải Dương mong muốn các địa phương khác hỗ trợ tỉnh, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 chúng ta vừa phải làm tốt công tác phòng dịch, đồng thời vẫn phải đảm bảo thông thương hàng hoá, sản xuất để phát triển kinh tế.

img

Ông Vũ Việt Anh – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hải Dương: Quyết không để ruộng bỏ hoang

Hiện, các địa phương trong tỉnh đang nỗ lực thực hiện gieo cấy diện tích lúa xuân còn lại theo đúng lịch thời vụ. Hiện, toàn tỉnh đã gieo cấy được hơn 35.000ha lúa xuân, đạt 65% kế hoạch.

Để đảm bảo việc gieo cấy, Sở NNPTNT tỉnh đã đề nghị các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các bộ phận liên quan tạo điều kiện cho máy cấy được ra vào địa phương cấy thuê, theo hợp đồng đã đặt trước, đẩy nhanh tiến độ gieo cấy, phấn đấu kết thúc trước ngày 28/2. Riêng thị xã Kinh Môn do thu hoạch hành tỏi muộn nên có thể gieo cấy xong trước ngày 5/3.

Sau ngày 22/2, các địa phương rà soát toàn bộ diện tích chưa gieo cấy (bao gồm cả diện tích có thể cấy lấn và diện tích đã quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng nhưng chưa đền bù, giải phóng mặt bằng) để có phương án gieo cấy hết diện tích. Với những diện tích có nguy cơ bỏ hoang cao, cần giao cho tổ chức đoàn thể hoặc khuyến khích các hộ tích tụ ruộng đất gieo cấy.

Ngay khi dịch Covid-19 bùng phát, Sở NNPTNT Hải Dương cũng đã có văn bản, xây dựng phương án sản xuất trong thời điểm Covid-19, trong đó có đề nghị chính quyền địa phương hướng dẫn người dân, đặc biệt trong vùng phong tỏa sản xuất an toàn.

Theo đó, bà con vẫn được ra đồng, đến trang trại. cơ sở sản xuất làm việc nhưng phải giữ khoảng cách an toàn, không tập trung đông người. Còn các gia đình có các đối tượng F0, F1 phải đi cách ly tập trung thì đề nghị huy động các lực lượng đoàn thể hỗ trợ giúp người dân.

Tâm Đức - Khánh Nguyên (ghi)

"Hải Dương đang vào đợt cao điểm cấy lúa chiêm xuân, nhu cầu mạ để cấy bằng máy đang rất lớn. Ngoài lượng mạ do các cơ sở sản xuất của tỉnh cung ứng được, Hải Dương vẫn phải nhập một lượng lớn mạ để cấy máy từ Hải Phòng và một số tỉnh lân cận. Hiện nay, nhiều xe chở mạ không thể vào được tỉnh Hải Dương dù cơ sở mua mạ đã sẵn sàng đợi ở chốt, bên cung ứng mạ sẵn sàng giao nhận, xe cũng chỉ trung chuyển ở chốt nhưng việc đưa mạ vào Hải Dương để phục vụ cấy máy đang gặp khó khăn" - ông Việt Anh nêu một thực tế.

Theo ông Việt Anh, mạ nếu để quá lứa thì sẽ ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa. "Rất mong các địa phương tạo điều kiện cho xe vận chuyển mạ và các loại nông sản của Hải Dương để phục vụ việc sản xuất, tiêu thụ nông sản của người dân cho kịp thời vụ" - ông Việt Anh kiến nghị.

Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cũng cho biết, các phương tiện đến hoặc đi từ tỉnh để thu mua nông sản, cung cấp vật tư, nguyên liệu đầu vào... qua địa bàn tỉnh bạn gặp rất nhiều khó khăn. "Nhiều địa phương thông tin với truyền thông là tạo điều kiện cho lưu thông hàng hoá nhưng thực tế, hầu hết các chốt, trạm kiểm soát dịch Covid-19 tại các cửa ngõ vào địa bàn các tỉnh, thành phố lân cận đều hạn chế xe hàng hóa ra vào Hải Dương. Nhiều xe hàng vẫn phải nằm chờ rất lâu, sau đó buộc phải quay đầu"- đại diện Sở Công Thương Hải Dương nêu một thực tế.

Hậu quả của việc tắc nghẽn giao thương, theo Sở Công Thương Hải Dương là nông sản bị hư hỏng, vứt bỏ; vật nuôi, con giống bị quá hạn xuất chuồng nhưng không vận chuyển thức ăn đến để tiếp tục duy trì nuôi sống đàn; nguyên liệu, vật tư phục vụ sản xuất không có để công nhân làm; hàng xuất khẩu đến hạn phải giao nhưng không đưa xuống cảng...

Cần thống nhất quy định

Trước những khó khăn của người dân trong việc vận chuyển, tiêu thụ nông sản, Sở NNPTNT tỉnh Hải Dương đã tham mưu cho UBND tỉnh, Bộ NNPTNT, các cơ quan chức năng có văn bản đề nghị các tỉnh tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho vấn đề lưu thông hàng hóa của Hải Dương. Sở NNPTNT cũng kịp thời liên hệ với các doanh nghiệp tổ chức thu mua nông sản cho nông dân, với điều kiện phải tuân thủ nghiêm túc việc phòng chống dịch.

Được biết, vụ đông là vụ sản xuất quan trọng nhất của nông dân Hải Dương, thời điểm hiện tại, Hải Dương còn khoảng 90.000 tấn rau màu vụ đông cần tiêu thụ, chủ yếu là hành, tỏi, cà rốt, rau ăn lá. Đây chỉ là số nhỏ trong năng lực sản xuất rau màu trong 1 năm của tỉnh với khoảng 700.000 tấn.

Vụ đông năm nay, Hải Dương sản xuất khoảng 22.000ha, đã thu hoạch xong 20.000ha, đạt khoảng 90%, còn lại 2.700ha đang thu hoạch, trong đó có khoảng 2.000ha hành, sản phẩm này có thể để khô nên không đáng ngại.

Diện tích cà rốt đang thu hoạch khoảng 500ha với sản lượng 30.000 tấn, 90% sản lượng cà rốt đã có đầu mối thu mua phục vụ xuất khẩu. Đối với diện tích rau ăn lá như sau hào, bắp cải diện tích đang thu hoạch còn khoảng 200ha, sản lượng 7.000 tấn. Đây là lứa rau ăn lá thứ ba nông dân Hải Dương sản xuất trong vụ đông năm nay, lứa 1 và 2/3 sản lượng của lứa 2 tiêu thụ thuận lợi, giá cao. Nếu không có dịch Covid-19 thì chắc chắn vụ đông năm nay Hải Dương thắng lợi toàn diện.

Tuy nhiên, bình thường thời điểm sau Tết Nguyên đán, giá rau màu vẫn giảm hơn một chút do người dân phải tăng tốc thu hoạch để kịp cho đổ ải gieo cấy lúa chiêm xuân. Đây là quy luật trong nhiều năm. Năm nay, do tác động của dịch Covid-11, việc tiêu thụ càng khó khăn hơn. Cái khó nhất hiện nay là các thương lái không thể vận chuyển nông sản đi tiêu thụ do quy định phòng chống dịch.

Trong văn bản gửi Bộ Công Thương mới đây, Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cho rằng, việc các địa phương yêu cầu lái xe, người giao hàng phải có xét nghiệm Covid-19 (xét nhiệm PCR) âm tính trong vòng 3 ngày rất khó thực hiện do năng lực xét nghiệm PCR của Hải Dương còn rất hạn chế vì phải ưu tiên xét nghiệm cho F1, F2 nên thông thường sau 1-2 ngày mới có kết quả. Khi đó, giấy xác nhận đã gần hết hiệu lực để đi được qua chốt.

Từ thực tế đó, Sở Công Thương Hải Dương đã đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến với Bộ Y tế, Bộ GTVT, báo cáo Chính phủ chỉ đạo các địa phương xem xét, thống nhất cách áp dụng các biện pháp phòng dịch cho người, phương tiện, hàng hoá. Tạm thời, Hải Dương đề xuất áp dụng các biện pháp như mặc quần áo bảo hộ y tế, sát khuẩn xe... giúp các xe hàng được lưu thông trong ngắn hạn, khoảng 1-2 ngày trước khi các doanh nghiệp có thời gian kịp chuẩn bị.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem