Hồ tiêu "hết thời", thả dê trong vườn cho ăn lá nọc, cỏ dại, thịt thơm bán giá cao 130.000 đồng/kg

Nguyễn Vy Thứ bảy, ngày 05/09/2020 05:30 AM (GMT+7)
Khi cây hồ tiêu còn ở thời kỳ đỉnh cao thì chăn nuôi dê chỉ là nghề phụ. Nhưng khi hạt tiêu rớt giá thì con dê lại trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều nông dân ở Bình Phước.
Bình luận 0

Đặc biệt, mô hình kết hợp cả chăn nuôi dê và trồng hồ tiêu đang mang lại lợi ích kép cho nhiều gia đình khi cả hai bổ trợ cho nhau phát triển.

Nuôi dê làm cứu cánh

Tại xã Thiện Hưng (huyện Bù Đốp), ông Nguyễn Chí Tiến được xem là một trong những nông dân đầu tiên chăn nuôi dê nhốt chuồng. Từ năm 2000, ông Tiến nuôi thử 2 cặp dê đưa từ Ninh Bình vào. 

Ông Tiến kể, nuôi dê nhốt chuồng không tốn nhiều vốn đầu tư và công chăm sóc. Dê vốn ăn tạp nên nguồn thức ăn rất đa dạng và dễ kiếm, từ lá nọc tiêu sống, thân cây chuối, cỏ tự nhiên...

Lợi ích kép từ kết hợp trồng tiêu, nuôi dê - Ảnh 1.

Nông dân Bình Phước tận dụng cành cây, lá cỏ trong vườn tiêu làm thức ăn cho dê. Ảnh: Nguyễn Vy

Bà Vũ Hường - cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh cho biết, mô hình chăn nuôi dê kết hợp trồng hồ tiêu tuy không phải mới song rất thiết thực trong giai đoạn giá hồ tiêu giảm sâu.

Mặt khác, nếu trước đây các hộ chăn nuôi riêng lẻ thì đến nay, nông dân đã chủ động liên kết sản xuất và tiếp cận thị trường để nâng cao giá trị kinh tế.

Dê từ miền Bắc đưa vào lại thích nghi tốt với khí hậu Bình Phước nên sinh sản nhanh. Từ 2 cặp giống ban đầu, chỉ sau 3 năm chăn nuôi, gia đình ông Tiến đã có đàn dê gần 40 con. 

Nhiều hộ nông dân quanh vùng cũng học hỏi theo và lấy giống về gây nuôi, rồi phát triển mạnh lên thành phong trào ở địa phương.

Ngụ cùng xã, ông Phạm Văn Lý có 6ha trụ tiêu sống kết hợp nuôi dê nhốt chuồng đã nhiều năm nay. 

Ông Lý kể, trước đây, giá tiêu còn ở mức cao thì nuôi dê chỉ là nghề phụ để cải thiện đời sống. Sau này, nhiều vườn tiêu bị chết, tiêu kém phát triển hoặc không đủ nước tưới, được người dân phá bỏ để trồng cỏ nuôi dê. Cứ thế, nghề nuôi dê dần dần lại trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình.

Từ đầu năm đến nay, giá dê hơi bán tại chuồng trên địa bàn lên tới 130.000 đồng/kg nên đã tạo thêm niềm phấn khởi cho nhiều nông dân. Hộ ông Lý luôn duy trì đàn dê từ 50 - 60 con, mỗi năm thu không dưới 200 triệu đồng.

Theo Hội Nông dân xã Thiện Hưng, phong trào nuôi dê ở Bình Phước phát triển khá mạnh từ hơn 10 năm trở lại đây. Nhiều nơi, dê trở thành vật nuôi chủ lực của người trồng hồ tiêu.

Nuôi dê không cần đầu tư nhiều vốn, trong khi lợi nhuận khá ổn định. Nhiều bà con còn chọn nuôi dê làm điểm tựa xóa đói, giảm nghèo. Thời gian qua xã Thiện Hưng đã thực hiện nhiều hình thức hỗ trợ để triển khai mô hình này cho các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.

Lợi ích kép từ nuôi dê trong vườn tiêu

Tỉnh Bình Phước hiện có khoảng 17.000ha hồ tiêu, trong đó hơn 2/3 được trồng bằng cây nọc sống. Đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển mô hình trồng tiêu kết hợp nuôi dê khi bà con có thể tận dụng nguồn lá cây nọc sống cho dê ăn, rồi lấy phân dê bón lại cho cây tiêu.

Tại xã nghèo Lộc Quang (huyện Lộc Ninh), anh Hoàng Văn Thủy kể, khi thu nhập từ cây hồ tiêu giảm sút, chi phí đầu tư quay vòng bị hạn chế. Nhiều hộ dân phải tìm cách khắc phục để vừa duy trì vườn tiêu vừa cải thiện kinh tế. Trồng tiêu kết hợp nuôi dê là mô hình khá hiệu quả mà gia đình anh đang áp dụng.

Anh Thủy đang trồng 1,5ha hồ tiêu bằng nọc sống là cây keo dậu. Diện tích này đủ để anh duy trì nguồn thức ăn cho tổng đàn 40 con dê. Hàng ngày, dê ăn lá từ cây keo dậu, ngoài ra, anh còn trồng thêm cây cỏ lạc tiên ngay trong vườn tiêu. Lớp cỏ này giúp giữ ẩm cho đất, lại bổ sung thêm thức ăn cho dê.

Với giá dê hơi bình quân 120.000 - 130.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình anh Thủy thu lãi hơn 100 triệu đồng tiền bán dê sau khi đã trừ chi phí.

Theo anh Thủy, thực ra chi phí nuôi dê cũng không nhiều vì thức ăn tận dụng tại chỗ. Anh Thủy kể, công việc này lấy công làm lãi là chính, mà công cán cũng không mấy nặng nhọc, có thể tranh thủ thời gian nông nhàn để làm.

Khi chưa nuôi dê, hằng tháng, gia đình anh Thủy phải thuê người chặt bỏ những cành keo, nhằm đáp ứng độ sáng cho tiêu sinh trưởng phát triển. Giờ thì khác, cây cỏ trong vườn đều được tận dụng làm thức ăn cho dê. Phân của dê được ủ hoai mục, làm phân bón ngược lại cho vườn tiêu, giúp tăng độ phì nhiêu cho đất.

"Chỉ là nghề phụ nhưng trong thời điểm giá tiêu xuống thấp thì nuôi dê mang lại nguồn thu không nhỏ, lại cung cấp lượng phân bón hữu cơ, giúp giảm chi phí chăm sóc cây tiêu" - anh Thủy chia sẻ.

Còn ở xã Lộc Hiệp (Lộc Ninh), ông Ngô Đức Nhật trồng 2ha tiêu bằng cây trụ sống gồm cả cây keo và cây cẩm để có thức ăn ổn định cho 35 con dê. Nhờ tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ là lá cây tự nhiên nên chất lượng thịt dê được đánh giá cao. Thịt dê thơm ngon, nhiều nạc và chắc thịt nên được thương lái khắp nơi tìm về mua, giúp gia đình ông Nhật tăng thu nhập bù vào giá điều, tiêu xuống thấp.

Được biết, toàn xã Lộc Hiệp hiện có 44 thành viên cùng tham gia vào HTX kinh doanh mua bán dê với thương hiệu dê sạch Lộc Ninh. HTX này đang xúc tiến chăn nuôi dê sạch theo quy trình kỹ thuật để cung cấp thịt dê theo yêu cầu của công ty thu mua. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem