dd/mm/yyyy

Hiệu quả phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi ở Mường La

Từ phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở huyện Mường La (Sơn La), đã tạo động lực khích lệ hội viên nông dân tích cực lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Qua đó, đã góp phần giúp cấp ủy, chính quyền nơi đây hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Những năm qua, để thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, các cấp hội nông dân huyện Mường La đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia trồng cây ăn quả trên đất dốc, chăn nuôi gia súc, nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ.

Trao đổi với phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Lò Văn Vương – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mường La, thông tin: Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đến nay toàn huyện Mường La có 4.650 hộ phấn đấu đạt hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Hiệu quả phòng trào sản xuất, kinh doanh giỏi ở Mường La - Ảnh 1.

Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, hội viên nông dân huyện Mường La tích cực chuyển đổi cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.

Phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi tại Mường La đã hình thành các mô hình kinh tế cho hiệu quả cao. Đó là những mô hình trồng nhãn ghép, xoài, sơn tra, táo và cây dược liệu. Các mô hình nuôi gia súc nhốt chuồng, cá lồng theo hướng sản xuất hàng hóa cũng được hình thành.

Ngoài ra, Mường La còn có nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Điển hình như mô hình sản xuất rau an toàn của HTX Đoàn Kết ở xã Ngọc Chiến. Mô hình trồng cây ăn quả của HTX Mường Bú, xã Mường Bú. Trang trại nuôi 3.000 con lợn thịt tại thị trấn Ít Ong... Các mô hình kể trên đều cho thu nhập từ hàng trăm đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Từ đó, đã góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho các hội viên nông dân.

Hiệu quả phòng trào sản xuất, kinh doanh giỏi ở Mường La - Ảnh 2.

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi không ngừng được nhân rộng. Nhờ đó, thu nhập của hội viên nông dân được nâng lên. Bà con tích cực đóng góp cho xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.

Để phong trào tiếp tục phát triển sâu rộng, Hội Nông dân huyện Mường La đã phối hợp với các phòng, đơn vị liên quan tổ chức các tập huấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật, tham quan các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, hỗ trợ vốn sản xuất cho hàng nghìn hội viên nông dân trong huyện. Đồng thời, biểu dương kịp thời những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi. Qua đó, phong trào không ngừng được nhân rộng và phát triển.

Không chỉ ở những xã vùng thấp như Mường Bú hay thị trấn Ít Ong mới xuất hiện nhiều nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, mà ở các xã vùng cao khó khăn, như: Ngọc Chiến, Chiềng Muôn cũng có nhiều hộ dân thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm.

Đến Ngọc Chiến, chúng tôi được Hội Nông dân xã giới thiệu các mô hình nuôi trâu nơi đây. Điển hình như hộ chị Lò Thị Quyết với mô hình nuôi trâu nhốt chuồng để vỗ béo.

Hiệu quả phòng trào sản xuất, kinh doanh giỏi ở Mường La - Ảnh 3.

Mô hình nuôi trâu vỗ béo cho thu nhập cao của chị Quyết ở bản Mường Chiến, xã Ngọc Chiến.

Chị Quyết bảo: "Trước đây, nuôi theo phương thức thả rông nên trâu gầy và hay bị bệnh. Sau khi được cán bộ Hội Nông dân hướng dẫn, gia đình chuyển sang nuôi trâu nhốt để vỗ béo. Hiện, gia đình tôi đang nuôi 6 con trâu. Trung bình, sau 8 tháng đến 1 năm vỗ béo, xuất bán một lần.

Lúc đó, trọng lượng mỗi con trâu đực đạt khoảng 6 – 7 tạ. Gia đình bán cho thương lái ở Yên Bái nên mỗi con giá dao động từ 70 – 100 triệu đồng. Sau đó, gia đình bỏ ra từ 20 – 30 triệu đồng mua trâu gầy về tiếp tục tái sản xuất. Nhờ nuôi trâu theo phương thức này, trung bình hơn 1 năm, gia đình tôi lãi trên 100 triệu đồng".

Hiệu quả phòng trào sản xuất, kinh doanh giỏi ở Mường La - Ảnh 4.

Mô hình trồng thảo quả của chị Của ở bản Cát Lình, xã Chiềng Muôn.

Tại xã Chiềng Muôn, từ trồng thảo quả, chị Hờ Thị Của có thu nhập ổn định 100 triệu đồng/năm. Cát Lình là bản đặc biệt khó khăn của xã Chiềng Muôn. Cả năm chỉ canh tác được một vụ lúa nên người dân ở đây mãi không thoát được nghèo.

"Có lần vợ chồng tôi xuống xã tập huấn, cán bộ "hiến kế" cho gia đình trồng thảo quả. Sau đó, chúng tôi sang tỉnh Yên Bái (quê gốc – PV) xin giống thảo quả của người thân về trồng. Qua nhiều năm chăm sóc, hiện diện tích thảo quả của gia đình tôi đã phát triển lên 2ha.

Từ năm 2018 trở lại đây, mỗi năm, gia đình xuất bán được 6 tấn quả tươi. Với giá bán từ 20.00 đồng/kg, gia đình tôi thu được trên 200 triệu đồng. Trồng thảo quả dưới tán rừng không mất công sức như trồng ngô, trồng lúa. Thỉnh thoảng chỉ cần làm cỏ, xới đất quanh gốc cho thảo quả. Nhờ nghe theo cán bộ trồng thảo quả mà giờ đây cuộc sống gia đình tôi đã khá giả hơn trước rất nhiều", chị Của bảo vậy.

Trong thời gian tới, các cấp Hội Nông dân huyện Mường La cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để nhân rộng và phát triển hơn nữa các điển hình tiên tiến trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi. Qua đó, giúp hội viên nông dân trên địa bàn cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập.

Tuệ Linh