Hậu thực thi Hiệp định ATIGA: Mía đường Sơn La đối mặt với thách thức

Văn Chiến Thứ ba, ngày 24/11/2020 13:30 PM (GMT+7)
Trước việc thực hiện hội nhập và mức thuế nhập khẩu 5% đối với mặt hàng đường trong khối ASEAN, không chỉ Công ty CP Mía đường Sơn La phải đối mặt với thách thức rất lớn, mà hàng chục ngàn hộ nông dân (với khoảng 40.000 nhân khẩu) trồng mía ở Sơn La cũng không khỏi băn khoăn, lo lắng…
Bình luận 0

Giữ đòn đừng cho đứt gánh

Clip Mía đường Sơn La thời hội nhập

Trong suốt 2 thập kỷ qua, Công ty CP Mía đường Sơn La luôn thể hiện rõ vai trò đồng hành, hợp tác với hàng chục ngàn hộ nông dân trồng mía trên địa bàn. Điều đó được khẳng định rất rõ trên nhiều lĩnh vực: Từ tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn khuyến nông tới hỗ trợ giống, phân bón, công làm đất, kĩ thuật chăm sóc cho bà con nông dân…Quan điểm xuyên suốt của Công ty là bà con trồng mía có thu nhập tốt thì hoạt động của Công ty mới ổn định và phát triển.

Mía đường Sơn La thời hội nhập: Bài 2: Hội nhập và thách thức - Ảnh 2.

Toàn tỉnh Sơn La hiện có hơn 10.000 hộ nông dân trồng mía.

Ông Vì Văn Sơ, nông dân xã Yên Sơn, huyện Yên Châu, Sơn La, chỉ vào vạt mía chuẩn bị vào kỳ thu hoạch trên sườn đồi trước cửa nhà, bảo: Nhà tôi mới tham gia trồng mía được 2 vụ nay. Tôi trồng mía bởi đất dốc khô cằn này nếu trồng cây ăn quả thì vừa cần nhiều vốn, vừa lâu được thu hoạch, lại chưa biết đầu ra của sản phẩm thế nào ? Trồng mía thì tôi được Công ty đầu tư toàn bộ chi phí sản xuất và được hỗ trợ một phần chi phí đầu tư như: Tiền thuê máy làm đất, sửa đường giao thông nội đồng, hỗ trợ rủi ro, thiên tai... Hơn nữa, trồng mía không phải lo đầu ra, vì toàn bộ cây mía được Công ty bao tiêu hết. Tôi cũng tìm hiểu qua bạn bè và báo chí thì biết, giá thu mua mía của Công ty CP mía đường Sơn La hàng năm đều được công bố trước vụ trồng mới và luôn cao hơn giá thu mua ở một số địa phương khác, trừ chi phí thì mỗi ha mía cũng cho gia đình tôi thu về khoảng 30 triệu đồng mỗi năm.

Mía đường Sơn La thời hội nhập: Bài 2: Hội nhập và thách thức - Ảnh 3.

Công nhân Công ty CP Mía đường Sơn La bảo dưỡng máy móc chuẩn bị cho vụ sản xuất mới.

Ông Lò Văn Thành, dân bản Hua Noong, xã Cò Nòi huyện Mai Sơn, thì bảo: Bao năm nay, hàng chục ha đất sản xuất ở đây vẫn được nông dân trong bản chúng tôi trồng mía để lấy nguồn thu nhập. Đất ở đây khá tốt, năng suất mía lên tới 70-80 tấn/1ha. Thấy Nhà máy đánh giá là chữ đường trong mía của Hua Noong rất cao, nông dân lại cần cù, chăm chỉ nên sự phối hợp giữa Nhà máy và nông dân chúng tôi luôn chặt chẽ, gắn bó sâu nặng. Chúng tôi mong muốn Nhà máy ngày càng hoạt động tốt hơn để làm điểm tựa cho nông dân trồng mía.

Từng bước đổi thay, vượt qua thách thức

Mong muốn của hầu hết các hộ nông dân trồng mía trước vai trò đồng hành của Công ty CP Mía đường Sơn La thì đã rõ. Điều đó cũng chính là minh chứng cho một điển hình thành công mô hình "liên kết 4 nhà" trong sản xuất nông nghiệp ở Sơn La. Nhưng những thách thức về hội nhập trong thời gian tới thì cũng không hề nhỏ. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng giám đốc Công ty CP Mía đường Sơn La, cho biết: Hoạt động sản xuất mía đường ở Sơn La gặp phải không ít khó khăn. Chúng tôi không chỉ đối mặt với những khó khăn do nạn hàng giả, hàng nhập lậu, gian lận thương mại (đường tinh luyện, đường cát trắng, đường thô - pv), mà từ 1/1/2020 Hiệp định ATIGA có hiệu lực đối với mặt hàng đường, hàng nhập khẩu từ các nước ASEAN không bị quản lý bằng hạn nghạch và chỉ chịu thuế suất 5%.

Mía đường Sơn La thời hội nhập: Bài 2: Hội nhập và thách thức - Ảnh 4.

Nông dân Sơn La có thu nhập ổn định nhờ trồng mía từ nhiều năm nay.

Đặc biệt là hàng nhập khẩu từ Thái Lan được sự bảo hộ của chính phủ nên giá bán rất thấp. Mặt hàng đường của Việt Nam tuy chất lượng tốt nhưng giá cả khó cạnh tranh với thế giới là bởi hoạt động sản xuất mía chủ yếu bằng thủ công, chi phí thu hoạch, vận chuyển quá lớn, trong khi đó chi phí về mía chiếm tối thiểu 80% (tùy nhà máy) trong giá thành sản phẩm đường. Cuộc cạnh tranh không cân sức giữa hàng trong nước và hàng nhập khẩu dẫn đến rất nhiều nhà máy đường trong nước đã phải đóng cửa. Đó là những nguyên nhân chính đặt ra thách thức với ngành mía đường Việt Nam nói chung và Công ty CP Mía đường Sơn La nói riêng.

Ngoài ra ở Sơn La còn có những khó khăn rất đặc trưng: Vùng nguyên liệu của Công ty chủ yếu là diện tích nhỏ lẻ, manh mún, đất có độ dốc cao, khô cằn và bạc màu. Với quỹ đất ấy, việc đưa máy móc vào sản xuất đại trà từ khâu trồng tới chăm bón và thu hoạch là không khả thi. Điều ấy đã làm tăng chi phí đầu tư trên 1ha đất sản xuất so với các địa phương khác. 

Tiếp đó, bán kính vùng nguyên liệu ở Sơn La khá lớn và chất lượng giao thông còn hạn chế đặt ra bài toán chi phí vận chuyển cao hơn các nơi khác. Từ những lí do nói trên dẫn đến thu nhập của nguời nông dân trồng mía nói chung và của Công ty chúng tôi nói riêng chưa được như mong muốn. Bởi thế, hội nhập là một thách thức rất lớn với Công ty CP Mía đường Sơn La.

Mía đường Sơn La thời hội nhập: Bài 2: Hội nhập và thách thức - Ảnh 5.

Vùng nguyên liệu của Công ty CP Mía đường Sơn La tập trung ở các huyện: Mai Sơn, Yên Châu... của tỉnh Sơn La.

Ông Trần Ngọc Hiếu cho biết thêm: Hoạt động của Công ty luôn được chính quyền các cấp của tỉnh Sơn La quan tâm hỗ trợ. UBDN tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quy hoạch vùng nguyên liệu cho Công ty, chính quyền địa phương luôn ủng hộ viêc tuyên truyền chính sách phát triển vùng nguyên liệu và nhiệt tình phối hợp tham gia vào các công tác… Hoạt động của Công ty ngoài việc thực hiện tốt nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước, cổ đông và người lao động, Công ty luôn mong muốn thực hiện tốt hơn nữa vấn đề an sinh xã hội trong vùng nguyên liệu và cả hàng chục ngàn hộ nông dân trên địa bàn.

Nhiệm vụ nặng nề, thách thức đã rõ nhưng khi được hỏi về quyết tâm của Công ty trong thời đại hội nhập, ông Trần Ngọc Hiếu khẳng định ngay: Khó khăn thì chúng tôi đều nhìn thấy nhưng không vì thế mà chúng tôi nản lòng. Công ty CP Mía đường Sơn La sẽ cố gắng cao nhất để hội nhập và thành công.

Mía đường Sơn La thời hội nhập: Bài 2: Hội nhập và thách thức - Ảnh 6.

Công ty CP Mía đường Sơn La sử dụng công nghệ hiện đại trong chế biến đường trắng.

Nói về những giải pháp chính để giữ được vai trò đồng hành với người dân trồng mía trong quá trình hội nhập cũng như giải bài toán về lợi nhuận khi giá cả cạnh tranh khốc liệt, ông Hiếu cho biết: Chúng tôi sẽ đồng hành để nông dân và Công ty cùng có lợi. Hiện tại, chúng tôi đã áp dụng rất nhiều giải pháp từ nhỏ đến lớn để giảm thiểu những chi phí không cần thiết, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, cụ thể như: cải tạo, nâng cấp dây chuyền sản xuất hiện đại hơn; thử nghiệm những cách vận hành dây chuyền sản xuất đạt hiệu quả tối ưu… Trên đồng ruộng thì chúng tôi tìm những giống mía tốt nhất, phù hợp nhất với thổ nhưỡng và khí hậu của vùng miền; đưa những loại phân bón phù hợp với cây mía, hướng dẫn và trợ giúp bà con khoa học kĩ thuật trồng và chăm sóc để tăng năng suất; xây dựng kế hoạch thu hoạch, vận chuyển mía tươi khoa học nhất…

"Mặc dù Công ty CP mía đường Sơn La nói riêng và các doanh nghiệp khác trong Hiệp hội mía đường Việt Nam nói chung đã nổ lực cho việc hội nhập kinh tế quốc tế, nhưng cuộc cạnh tranh không cân sức với đường nhập khẩu được bảo hộ như đã nói ở trên sẽ dẫn đến có thêm nhiều doanh nghiệp mía đường bị đóng cửa. Để giúp các DN mía đường trong nước có thể cạnh tranh công bằng với ngành mía đường trong khu vực ASEAN, rất cần Chính phủ có những chính sách hỗ trợ từ hàng rào thuế quan và phi thuế quan. Tạo điều kiện cho nghành mía đường cũng là tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng triệu bà con nông dân trồng mía", ông Hiếu bày tỏ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem