Hậu thực thi Hiệp định ATIGA: Gắn bó với cây mía, nông dân vùng cao “sống khỏe”

Văn Chiến Thứ tư, ngày 25/11/2020 06:30 AM (GMT+7)
Chỉ tay vào ngôi nhà đang thi công, chuẩn bị đổ mái tầng 2, lão nông Lò Văn Tấn, bản Cò Nòi (xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) vui vẻ nói: “Phần lớn số tiền làm căn nhà này là từ trồng mía cả đấy. Nếu không “gắn bó” với cây mía, thì gia đình tôi khó có được cuộc sống dư giả như ngày hôm nay”.
Bình luận 0

Nhà ông Tấn ở gần ngã 3 Cò Nòi, ngay bên lề Quốc lộ 6. Đó là căn nhà đang xây dựng, chuẩn bị đổ mái tầng 2. Khi chúng tôi đến, ông Tấn đang cắm cúi dọn dẹp dưới tầng 1. Tiếp chuyện chúng tôi, ông Tấn thật thà bảo: "Nhờ trồng mía bán cho Công ty CP Mía đường Sơn La, mà gia đình tôi mới có được cơ ngơi như bây giờ. So với cây lúa, cây ngô, thì trồng mía cho giá trị kinh tế cao hơn. Hơn nữa, thu nhập từ trồng mía cũng khá ổn định, chứ nó không bấp bênh như trồng ngô. Trồng mía chủ yếu là lấy công làm lãi, chứ không giàu nhanh được".

Mía đường Sơn La thời hội nhập: Bài 3: Gắn bó với cây mía đường, nông dân vùng cao “sống khỏe” - Ảnh 1.

Gia đình ông Lò Văn Tấn, bản Cò Nòi, xã Còi Nòi, huyện Mai Sơn trồng mía từ nhiều năm nay.

Qua câu chuyện với lão nông chất phác nơi vùng cao này, chúng tôi được biết: Gia đình ông Tấn bắt đầu trồng mía từ năm 1992. Khi đó, gia đình ông chủ yếu bán cây mía tươi cho tư nhân ép thủ công. Năm 1997, Công ty CP Mía đường Sơn La được thành lập, gia đình ông Tấn chuyển sang bán cây mía tươi cho Công ty và gắn bó từ đó cho đến nay.

"Trồng mía bán cho Công ty, gia đình tôi được Công ty đầu tư toàn bộ chi phí sản xuất. Gia đình tôi chỉ bỏ đất và công trồng, chăm sóc, còn giống, phân bón đều được Công ty đầu tư, đến khi thu hoạch mía thì trả bằng sản lượng. Công ty còn cử cán bộ khuyến nông đến tận nương hướng dẫn kĩ thuật trồng, chăm sóc mía nên gia đình tôi hoàn toàn yên tâm khi trồng mía. Đặc biệt là khi tham gia trồng mía, thì gia đình tôi cũng như các hộ dân khác không phải lo lắng đầu ra như các loại cây trồng khác", ông Tấn chia sẻ.

Mía đường Sơn La thời hội nhập: Bài 3: Gắn bó với cây mía đường, nông dân vùng cao “sống khỏe” - Ảnh 2.

Ông Tấn xây được nhà cao đẹp phần lớn là nhờ trồng mía.

Với đầu ra và giá bán mía tươi ổn định, gia đình ông Tấn yên tâm trồng mía và tăng dần diện tích qua các năm. Lúc đầu, gia đình ông Tấn chỉ trồng khoảng 1ha mía, đến năm 2010, diện tích mía của gia đình ông đã tăng lên hơn 5 ha. Mỗi năm, gia đình ông Tấn thu từ 350 – 400 tấn mía tươi bán cho Công ty. Đến năm 2017, vì lý do sức khỏe nên ông Tấn giảm diện tích trồng mía xuống còn khoảng 2ha.

Chia sẻ với Dân Việt về kĩ thuật trồng mía, ông Tấn cho hay: "Trồng mía có cái hay là chỉ trồng một lần mà có thể thu hoạch được nhiều năm liền. Sau khi thu hoạch, tôi đốt trụi gốc và để đó cho nó lên tự nhiên. Khi khóm mía cao chừng 20cm, tôi bỏ phân đợt 1 và tiến hành cày lấp đất. Tôi chủ yếu sử dụng phân trâu ủ hoai mục để bón cho nương mía. Đến khi cây mía cao ngang bụng, thì tôi cho chúng "ăn" phân đợt 2. Ngoài bón phân theo định kỳ thì phải chịu khó làm cỏ, tỉa bớt lá, có thế cây mía mới sinh trưởng, phát triển tươi tốt được", ông Tấn bảo vậy.

Mía đường Sơn La thời hội nhập: Bài 3: Gắn bó với cây mía đường, nông dân vùng cao “sống khỏe” - Ảnh 3.

Ông Tấn sử dụng lá mía làm thức ăn cho đàn trâu của gia đình.

Theo ông Tấn, trồng mía vất vả nhất là lúc thu hoạch. Ngoài chặt mía ra còn phải buộc thành từng bó và bốc lên xe ô tô. Người trồng mía ở bản Cò Nòi có cách làm khá hay, đó là đổi công chặt mía cho nhau, nên cũng giảm được nhiều chi phí thuê nhân công. Thời gian dành cho chăm sóc nương mía không nhiều, nên người trồng mía có thể làm thêm nhiều nghề khác để có thêm thu nhập.

Hơn 20 năm gắn bó với cây mía, ông Tấn chưa khi nào có ý định từ bỏ loại cây trồng này. Điều khiến ông tâm đắc nhất với cây mía, đó là loại cây này cho thu nhập ổn định. Ngoài nguồn thu từ bán cây mía tươi cho Công ty, ông Tấn tận dụng lá mía làm thức ăn cho đàn trâu của gia đình. Ông Tấn nuôi trâu sinh sản từ nhiều năm nay. Có thời điểm, đàn trâu nhà ông lên đến gần chục con. Phân trâu thì ông dùng để bón cho nương mía. Mỗi năm, ông Tấn cũng thu được vài chục triệu đồng từ bán trâu ra thị trường.

Mía đường Sơn La thời hội nhập: Bài 3: Gắn bó với cây mía đường, nông dân vùng cao “sống khỏe” - Ảnh 4.

Mỗi năm, gia đình ông Tấn thu hàng trăm triệu đồng từ bán cây mía tươi cho Công ty CP Mía đường Sơn La.

Không chỉ nuôi trâu, ông Tấn còn mua ô tô để cho con trai ông chở mía thuê cho Công ty CP Mía đường Sơn La. Mỗi vụ mía, gia đình ông cũng thu được trên dưới 100 triệu đồng từ chở mía thuê cho Công ty.

Vụ mía năm ngoái, gia đình ông Tấn thu hơn 200 tấn mía tươi bán cho Công ty CP Mía đường Sơn La. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông "bỏ túi" hơn 100 triệu đồng. "Vì có tuổi rồi (gần 60 tuổi – PV) nên tôi giảm diện tích trồng mía từ hơn 5ha xuống còn hơn 2ha như hiện nay. Với nông dân vùng cao, nếu ít vốn, lại muốn có thời gian để làm thêm nhiều nghề phụ thì cây mía nguyên liệu cho Nhà máy mía đường là một lựa chọn tốt. Cây mía đã giúp gia đình tôi có của ăn, của để, xây được nhà cao tầng" – ông Tấn bộc bạch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem