dd/mm/yyyy

Hang Chú vượt khó xây dựng nông thôn mới

Sau hơn 10 năm nỗ lực, vượt khó trong việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Hang Chú, huyện Bắc Yên (Sơn La) đã đạt 12/19 tiêu chí và 35/49 chỉ tiêu. Nhờ đó, diện mạo nông thôn nơi đây đang từng ngày khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.

Ấn tượng đầu tiên sau nhiều năm quay trở lại xã vùng cao Hang Chú là những tuyến đường đất lầy lội, bụi mù ngày nào đã được thay thế bằng đường bê tông phẳng phiu. Đồng bào người dân tộc Mông nơi đây biết bảo ban nhau chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bà con tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hoá...

Niềm nở đón tiếp chúng tôi tại trụ sở UBND xã Hang Chú, ông Hờ A Dua, Chủ tịch UBND xã Hang Chú, bảo: Hang Chú là một trong những xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Yên. Nơi đây cách trung tâm huyện hơn 50 km. Trong phát triển kinh tế, người dẫn vẫn sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ. Vì vậy, năm 2010, khi bắt tay vào xây dựng nông mới, Hang Chú mới đạt duy nhất tiêu chí quy hoạch.

Hang Chú vượt khó xây dựng nông thôn mới - Ảnh 1.

Những tuyến đường đất ngày nào đã được thay thế bằng đường bê tông khang trang. Ảnh: Mùa Xuân.

Theo ông Dua, để hoàn thiện từng tiêu chí theo lộ trình đề ra, xã Hang Chú đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã, Ban phát triển nông thôn các bản, xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện từng tiêu chí với phương châm "dễ làm trước, khó làm sau". Đồng thời, phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong Ban Chỉ đạo phụ trách các bản tuyên truyền, vận động người dân hiểu ý nghĩa, mục đích của chương trình...

Sau nhiều năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, với sự vào cuộc cố gắng, nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền và người dân, hiện xã Hang Chú đã đạt 12/19 tiêu chí và 35/49 chỉ tiêu, gồm: Quy hoạch, thủy lợi, điện, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại, bưu điện, nông thôn, tỷ lệ lao động có việc làm, tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, văn hóa, an ninh trật tự.

Hang Chú vượt khó xây dựng nông thôn mới - Ảnh 2.

Cán bộ Trạm Y tế xã Hang Chú tuyên truyền chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình cho người dân. Ảnh: Mùa Xuân.

Đến nay, đường từ trung tâm huyện đến xã được nhựa hóa; hơn 13 km đường trục bản và đường liên bản, ngõ, xóm được cứng hóa, đảm bảo vận chuyển hàng hóa, đi lại thuận tiện cho người dân. Có 12 công trình thủy lợi được xây dựng kiên cố hóa đảm bảo nước tưới tiêu cho gần 300 ha lúa ruộng bậc thang; hơn 82,3% số hộ được sử dụng điện thường xuyên; 6/6 bản đều có nhà văn hóa, phục vụ sinh hoạt cộng đồng; gần 80% số hộ có nhà ở đạt chuẩn theo quy định.

Ngoài ra, xã Hang Chú đã chỉ đạo các hội, đoàn thể xuống cơ sở hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, chỉnh trang vườn tược, cải tạo hệ thống tiêu, thoát nước, tập trung thu gom rác thải, xây hàng trăm lò đốt rác…

Để có được những kết quả đó, ngoài nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước từ chương trình 135, 30a, nông thôn mới, xã Hang Chú đã tích cực huy động nguồn lực xã hội hóa từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân và người dân để đầu tư xây dựng kết cấu hệ tầng, xóa nhà tạm cho người dân.

Hang Chú vượt khó xây dựng nông thôn mới - Ảnh 3.

Nhờ huy động nguồn lực xã hội hoá, xã Hang Chú đã xoá được 30 nhà tạm cho các gia đình thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ảnh: Mùa Xuân.

Trong quá trình triển khai thực hiện, để tạo sự đồng thuận trong dân, xã tổ chức xuống cơ sở họp dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con để kịp thời có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Dẫn chúng tôi thăm quan con đường bê tông khang trang vào bản Pa Cư Sáng, anh Giàng A Tính, Trưởng bản phấn khởi: Năm 2020, nhận được thông tin từ xã, bản sẽ được Nhà nước hỗ trợ xi măng để bê tông hóa tuyến đường nội bản và kinh phí xây dựng nhà văn hóa bản. Sau đó, Ban quản lý bản đã tổ chức họp bàn lấy ý kiến của bà con tham gia đóng góp xây dựng đường giao thông nông thôn.

"Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn nên Ban quản lý bản đã thống nhất trích một phần số tiền từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng của bản để tham gia làm đường. Nhờ vậy, tuyến đường bê tông dài 1,3km và nhà văn hóa bản được xây dựng khang trang, kiên cố, với tổng kinh phí hơn 1,7 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ gần 900 triệu đồng, còn lại là người dân đóng góp. Bây giờ, bà con có con đường bê tông để đi, có nhà văn hóa sinh hoạt nên ai nấy cũng đều phấn khởi", anh Tính chia sẻ.

Hang Chú vượt khó xây dựng nông thôn mới - Ảnh 4.

Người dân Hang Chú trồng thảo quả, sa nhân dưới tán rừng để nâng cao thu nhập. Ảnh: Mùa Xuân.

Trong tiêu chí thu nhập, hộ nghèo, xã Hang Chú đang tích cực tuyên truyền, vận động người dân tập trung phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào trồng trọt, chăn nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Đến nay, xã Hang Chú có hơn 1.000 ha cây sơn tra, hơn 500 ha cây thảo quả, sa nhân được trồng dưới tán rừng; có hơn 3.000 con gia súc, hơn 6.000 con gia cầm các loại. Nhờ đó, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn hơn 21,7% (năm 2020), thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 15 triệu đồng/người/năm.

Mặc dù còn nhiều khó khăn ở phía trước, song cùng với sự vào cuộc quyết tâm của cả hệ thống trị, sự đồng thuận ủng hộ của người dân, tin rằng diện mạo nông thôn ở Hang Chú nơi đây ngày một khởi sắc; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.

Tuệ Linh - Mùa Xuân