dd/mm/yyyy

Hai thói quen chế biến mộc nhĩ sai cách bạn nên chú ý

Mộc nhĩ là thực phẩm lành tính và có nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng cũng có lúc nó gây họa vì sự chủ quan của chính bạn trong chế biến món ăn.

Đối với nhiều gia đình, việc sử dụng mộc nhĩ trong chế biến món ăn hàng ngày là điều không thể thiếu. Thực phẩm này không chỉ cung cấp nhiều chất dinh dưỡng có lợi mà còn có tác dụng lọc máu, ngăn ngừa máu đông, giảm thiểu các bệnh lý liên quan đến thận, nhuận tràng, đen tóc,... Tuy nhiên nếu mộc nhĩ không được sử dụng đúng cách sẽ gây ra nhiều nguy hại không ngờ.

Mộc nhĩ thường được dùng nhiều trong chế biến món ăn ngày Tết.
Mộc nhĩ thường được dùng nhiều trong chế biến món ăn ngày Tết.

Dưới đây là hai thói quen sử dụng mộc nhĩ sai cách bạn nên chú ý:

1. Mộc nhĩ để quá lâu

Tại Chiết Giang, Trung Quốc gần đây có một gia đình 3 người phải đi cấp cứu vì ngộ độc do sử dụng mộc nhĩ ngâm qua đêm quá lâu. Người mẹ đã sử dụng mộc nhĩ ngâm hai ngày trong nước và phơi ở sân để làm món mộc nhĩ lạnh cho cả gia đình. Kết quả là cả gia đình phải đi cấp cứu, người con gái bị nặng nhất do mộc nhĩ lạnh là món cô bé thích ăn.

Khi nhập viện bác sĩ kiểm tra cho thấy cô gái trẻ có dấu hiệu suy nội tạng, người ngộ độc nặng thứ 2 chính là người mẹ. Giải thích cho điều này, bác sĩ cho biết mộc nhĩ ngâm trong nước quá lâu sẽ gây ngộ độc sinh học cấp tính.

2. Ăn quá nhiều mộc nhĩ

Cùng câu chuyện về loại nấm phổ biến này, ông Lai ở Quảng Châu, Trung Quốc là người rất thích ăn mộc nhĩ vì vậy trong bữa cơm tối, ông đã ăn một lượng lớn mộc nhĩ xào và phải nhập viện cấp cứu ngay trong đêm. Sau khi khám, bác sĩ tuyên bố ông bị tắc nghẽn đường ruột do ăn quá nhiều mộc nhĩ và không nhai kĩ khiến dạ dày không tiêu hóa được.

Mẹo xử lý mộc nhĩ an toàn, tận dụng công dụng của mộc nhĩ:

- Ngâm mộc nhĩ vào nước nóng: Sử dụng nước sôi để ngâm mộc nhĩ trước khi sử dụng giúp loại bỏ, giảm thiểu vi khuẩn có hại trên mộc nhĩ. Không chỉ vậy, việc ngâm mộc nhĩ trong nước vừa đun sôi giúp mộc nhĩ nở to và mềm ra giúp cho món ăn trở nên ngon miệng hơn.

- Sử dụng tinh bột loại bỏ các tạp chất có trong mộc nhĩ: Trong khi ngâm mộc nhĩ vào trong nước vừa đun sôi, chúng ta nên cho hai thìa tinh bột vào khuấy đều cùng nấm. Lúc này các tạp chất trong nấm sẽ được loại bỏ dễ dàng.

- Không nên nấu kèm mộc nhĩ với ốc: Từ đặc tính của thực phẩm, ốc và mộc nhĩ đều có tính hàn, nếu được sử dụng đồng thời có thể dẫn đến tiêu chảy hay các bệnh lý về ruột khác.

- Không nên ngâm mộc nhĩ quá 8 tiếng: Vào mùa hè, nhiệt độ không khí thường rất cao, việc ngâm mộc nhĩ quá lâu trong môi trường nhiệt độ lớn hơn 20 độ C khiến mộc nhĩ phân hủy nhanh và tạo ra nhiều vi khuẩn có hại cho sức khỏe của của bạn.

4 bước lựa chọn mộc nhĩ trước khi sử dụng:

- Quan sát: Mộc nhĩ thường có màu đen sậm ở mặt trước và màu đen xám ở mặt sau. Một số thương nhân vì mục đích lợi nhuận thường dùng chất hóa học nhuộm đen mộc nhĩ vì vậy chúng ta cần quan sát cẩn thận trước khi mua.

- Cầm: Mộc nhĩ ngon thường chứa rất ít nước và trọng lượng rất nhẹ. Khi bạn cầm mộc nhĩ trong lòng bạn tay, bạn cảm thấy trọng lượng mộc nhĩ rất nhẹ và dễ bị rách khi dùng tay vò thì đó chính là mộc nhĩ ngon.

- Ngửi: Mộc nhĩ tươi không có mùi khó chịu, trong trường hợp mộc nhĩ bị hỏng sẽ phát hiện ra mùi thối và mùi mốc.

- Nếm: Khi chọn mộc nhĩ, chúng ta có thể dùng đầu lưỡi nếm thử. Mộc nhĩ sạch khi chưa được chế biến sẽ không có mùi vị, nếu như chúng ta cảm nhận được mùi vị sau khi nếm thử đồng nghĩa với việc mộc nhĩ đã bị thêm các chất phụ gia, không nên sử dụng.

An An