Hái cà phê xanh: Người dân Lâm Đồng bị rơi mất hàng ngàn tỷ đồng

Văn Long Thứ tư, ngày 15/11/2023 06:38 AM (GMT+7)
Một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu cà phê tại Lâm Đồng đã tính toán và xác định, việc người dân hái cà phê quá xanh khiến cho sản lượng bị hao hụt rất nhiều, số tiền mà người dân bị thiệt hại lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Bình luận 0

Người dân thiệt hại hàng ngàn tỷ

Liên quan đến việc xuất hiện tình trạng người dân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thu hoạch cà phê khi tỷ lệ quả xanh lớn, phóng viên Dân Việt đã trao đổi với ông Đoàn Mạnh Trình – Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu cà phê Tám Trình (xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng). Ông Trình là người cùng vợ đi thu mua cà phê về chế biến từ năm 1995 và thành lập công ty từ năm 2012.

Hiện nay, công ty của vợ chồng ông Trình đang liên kết với hơn 3.000 hộ dân trồng cà phê Robusta tại các huyện Lâm Hà, Di Linh, TP.Bảo Lộc, cà phê arabica tại huyện Lạc Dương và vùng Cầu Đất (TP.Đà Lạt). Mỗi năm, Công ty Xuất nhập khẩu cà phê Tám Trình sản xuất và cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước khoảng 30.000 tấn cà phê các loại.

Hái cà phê xanh: Người dân Lâm Đồng mất hàng ngàn tỷ, “thiệt đơn thiệt kép” - Ảnh 1.

Hiện nay, công ty của ông Đoàn Mạnh Trình đang sản xuất và cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước khoảng 30.000 tấn cà phê các loại.

Trao đổi với phóng viên, ông Đoàn Mạnh Trình cho biết, tình trạng hái cà phê đầu mùa quá xanh tại Lâm Đồng không chỉ mới xuất hiện trong niên vụ năm 2023-2024. Điều này ông đã nhận thấy từ nhiều năm trước, đặc biệt là năm 2022. Ông Trình cũng nhận định, việc làm này hết sức nguy hiểm và gây thiệt hại rất lớn đối với người dân và thương hiệu cà phê của địa phương.

"Trong nhiều lần làm việc với lãnh đạo địa phương, tôi đã đề cập vấn đề này rất nhiều lần. Nếu người dân hái xanh tỷ lệ 60%, 40% trái chín thì sẽ hao hụt, giảm trọng lượng đi khoảng 20%. Nếu tỷ lệ 30% trái xanh, 70% trái chín thì trọng lượng giảm đi khoảng 15%. Ngày trước, khi giá cà phê khoảng 35.000 đồng/kg nhân thì tôi đã nhẩm tính, huyện Lâm Hà có gần 40.000ha cà phê, sản lượng tạm tính khoảng 150.000 tấn, nếu hái xanh như hiện nay, tôi chỉ tính tỷ lệ hao hụt là 15%. Như vậy, khối lượng cà phê bị hao hụt là khoảng 22.000 tấn, khi đó, người dân sẽ mất khoảng 800 tỷ đồng. Thời điểm hiện nay, giá lên đến 57.000 đồng thì con số này lên đến hơn 1.200 tỷ đồng.

Tại tỉnh Lâm Đồng có các huyện Đam Rông, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm, Bảo Lộc, Lâm Hà đều trồng cà phê, với giá 35.000 đồng/kg cà phê nhân thì tỉnh Lâm Đồng mất gần 5.000 tỷ đồng. Tôi thấy con số thật sự đáng báo động, lo ngại", ông Trình tính toán.

Hái cà phê xanh: Người dân Lâm Đồng mất hàng ngàn tỷ, “thiệt đơn thiệt kép” - Ảnh 2.

Cà phê trước khi nhập vào nhà máy của Công ty Xuất nhập khẩu cà phê Tám Trình đều phải kiểm tra chất lượng.

Cũng theo ông Trình, vào đầu mùa, các đại lý, cơ sở thu mua có lò sấy cà phê phải mất từ 5 - 5,1kg cà tươi mới cho ra được 1kg cà phê nhân. Trong khi đó, đến thời điểm giữa và cuối mùa, cà phê đã chín đều thì chỉ cần 4 - 4,2kg cà phê tươi đã cho ra 1kg cà phê nhân.

Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu cà phê Tám Trình cũng nhận định: "Tình trạng thu hoạch cà phê xanh này ngoài việc người dân bị mất sản lượng mà còn khiến thị trường của người dân bị mất. Các nước trên thế giới, các vùng cà phê khác họ làm càng ngày càng bài bản, chất lượng nâng cao trong khi tại Lâm Đồng thì lại càng "thụt lùi" thì có nghĩa thị trường của chúng ta bị mất.

Riêng đối với chúng tôi, thời gian qua, tôi đã khuyến khích người dân, nếu họ hái được 100% trái chín thì tôi sẵn sàng trả thêm 2.000 đồng/kg cà phê tươi so với giá hiện tại. Quan điểm của tôi, nếu người dân huyện Lâm Hà làm tốt, sẽ làm nên thương hiệu cà phê Lâm Hà. Nếu khách nước ngoài đến thu mua mà thương hiệu cà phê của Lâm Hà đã được khẳng định thì họ chắc chắn sẽ ưu tiên đến Lâm Hà trước và sẵn sàng trả giá cao hơn. Từ đó, thu nhập của người dân sẽ tăng lên, khẳng định được thương hiệu cà phê Lâm Hà nói riêng và Lâm Đồng nói chung".

Hái cà phê xanh: Người dân Lâm Đồng mất hàng ngàn tỷ, “thiệt đơn thiệt kép” - Ảnh 3.

Công ty của ông Trình sẵn sàng trả thêm 2.000 đồng/kg cho các hộ dân hái cà phê chín 100%.

Sản lượng giảm, mẫu mã xấu

Đồng quan điểm trên, ông Trịnh Tấn Vinh – Giám đốc Công ty TNHH Thuần Trịnh Cafe (xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, việc thu hoạch cà phê xanh làm giảm trọng lượng đáng kể, điều này ông Vinh đã chứng minh bằng thực tiễn từ năm 2019.

Hái cà phê xanh: Người dân Lâm Đồng mất hàng ngàn tỷ, “thiệt đơn thiệt kép” - Ảnh 4.

Ông Trịnh Tấn Vinh bên vườn cà phê của gia đình mình.

"Từ thực tiễn tôi đã thử nghiệm so sánh sản lượng khi sử dụng cà phê chín và cà phê xanh để chế biến cà phê nhân. Với 1kg quả cà phê chín sẽ có 833 quả, sau khi phơi khô, chế biến ra nhân thành phẩm sẽ được 260gram. Trong khi đó, 1 kg cà phê xanh sẽ có 1.113 quả, sau khi phơi, chế biến chỉ được 220gram. Như vậy, sản lượng cà phê sẽ bị giảm đáng kể khi tỷ lệ quả xanh quá cao.

Ngoài ra, bằng mắt thường, chúng ta cũng thấy được cà phê nhân được làm từ quả xanh sẽ bị thâm đen, hạt nhỏ và có mẫu mã xấu. Ngược lại, cà phê chín khi chế biến ra nhân sẽ có mẫu mã đẹp, hạt to, bóng", ông Vinh giải thích với phóng viên.

Hái cà phê xanh: Người dân Lâm Đồng mất hàng ngàn tỷ, “thiệt đơn thiệt kép” - Ảnh 5.

Số lượng quả và cân nặng giữa quả cà phê chín và quả xanh sẽ khác nhau.

Ông Vinh hiện đang chăm sóc 1ha cà phê tại huyện Di Linh. Điều đặc biệt là cà phê của ông được hái chín hoàn toàn, sau đó được ông chế biến, rang xay theo cách thủ công. Hiện, cà phê của ông bán ra thị trường với giá từ 200.000-500.000 đồng/kg tùy loại.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Châu – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, niên vụ cà phê 2023-2024 chuẩn bị bước vào giai đoạn thu hoạch, để nâng cao năng suất, chất lượng cà phê, tiếp tục duy trì và xây dựng thương hiệu cà phê của tỉnh Lâm Đồng, sở đã yêu cầu các huyện, thành phố trên địa bàn hướng dẫn người dân chỉ tiến hành thu hoạch quả đúng tầm chín; không thu hái quả xanh, quả non; thu hái đúng kỹ thuật (không tuốt, vặn cành, làm gãy cành), thu hoạch nhiều lần trong một vụ để thu hết quả chín.

Hái cà phê xanh: Người dân Lâm Đồng mất hàng ngàn tỷ, “thiệt đơn thiệt kép” - Ảnh 6.

Khối lượng cà phê nhân được chế biến từ quả chín sẽ lớn hơn quả xanh.

Bên cạnh đó, để đảm bảo quả cà phê chất lượng, cuối mỗi ngày thu hoạch người dân phải vận chuyển quả ngay về nơi sơ chế, chế biến. Không lưu giữ quả tươi cà phê để chế biến ướt quá 12 giờ, quả để chế biến khô không quá 24 giờ. Nếu vận chuyển hay chế biến không kịp thời thì bảo quản cà phê quả trên nền xi măng, nền gạch, khô ráo thoáng mát, đổ thành từng đống nhỏ có độ dày không quá 40cm, thường xuyên được cào đảo và che mưa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem