Hà Tĩnh: Đạt OCOP, mật mía Thọ Điền giá tăng gấp đôi, giáp Tết dân nổi lửa đun nấu cả đêm lẫn ngày

Tập Thỏa Thứ sáu, ngày 31/12/2021 12:44 PM (GMT+7)
Thời điểm này, làng mật mía Thọ Điền, huyện Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh) lại nhộn nhịp đêm ngày đỏ lửa để cho ra những mẻ mật thơm lừng phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Mật mía được bán với giá 55.000-60.000đồng/lít, được giá so với nhiều năm.
Bình luận 0

Clip: Làng mật mía Hà Tĩnh những ngày cuối năm.

Nhộn nhịp làng mật mía những ngày giáp Tết

Tìm về làng Thọ Điền, huyện Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh) những ngày cuối năm, ngay từ đầu làng, tiếng máy nghiền, máy ép hòa trong tiếng người rộn ràng cả một vùng quê, các lò nấu mật hoạt động hết công suất để cho ra những mẻ mật đạt chất lượng, phục vụ tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Làng mật mía Hà Tĩnh rộn ràng vào vụ Tết - Ảnh 2.

Thời điểm này, tại hợp tác xã Dịch vụ mật mía Sơn Thọ, Thọ Điền, Vũ Quang (tĩnh Hà Tĩnh), người dân tất bật xay mía, nấu mật để cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Ảnh: PV

Hiện nay, toàn xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh có 100/900 hộ gia đình trồng, làm mật mía, trên diện tích 20 ha, đạt năng suất 160 tấn mật mía/năm.

Trước đây, bà con dùng trâu để ép mía làm mật, trung bình mỗi ngày chỉ làm được khoảng 4 chảo mật (20kg mật/chảo). Hiện nay, bà con dùng máy để ép mía, giúp tăng năng suất, chất lượng hơn trước, mỗi ngày hộ gia đình có thể làm được 12 chảo mật.

Làng mật mía Hà Tĩnh rộn ràng vào vụ Tết - Ảnh 3.

Lò nấu mật "đỏ lửa" suốt ngày đêm. Ảnh: PV

Để có những giọt mật mía thơm ngon, sánh mịn phải trải qua nhiều công đoạn như: làm sạch mía, ép lấy nước, nấu và chắt lọc mật. Nước ép mía sau khi lọc bỏ tạp chất, sẽ được nấu trong một chiếc chảo lớn.

Làng mật mía Hà Tĩnh rộn ràng vào vụ Tết - Ảnh 4.

Mật sau khi được nấu xong sẽ được để nguội trong vòng 3 giờ. Ảnh: PV

Trong quá trình nấu mật, người dân dùng một chiếc môi lớn, cán dài đảo liên tục, đều tay, khi nước mía sôi sẽ dùng chiếc vợt có lưới bằng vải màn vớt bọt, tạp chất cho đến khi hết. Tiếp đó, qua 3-4 giờ nấu liên tục là có thể thu được mật thành phẩm đạt tiêu chuẩn.

Làng mật mía Hà Tĩnh rộn ràng vào vụ Tết - Ảnh 5.

Những mẻ mật được người dân nấu đun nấu, khuấy đều tay, khi nước mía sôi sẽ dùng chiếc vợt có lưới bằng vải màn vớt bọt, tạp chất cho đến khi hết. Ảnh: PV

Anh Nguyễn Văn Dũng (trú tại xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang), cho biết: "Nghề làm mật mía là công việc truyền thống của gia đình, tuy vất vả nhưng đổi lại thu nhập ổn định, năm nào cũng có một cái Tết đủ đầy. Do vào dịp gần tết, người dân đặt mật nhiều nên chúng tôi thường phải dậy từ lúc 4h sáng để làm mật".

Đạt chuẩn OCOP, giá mật mía đứng vững thị trường

Theo anh Nguyễn Văn Dũng, công đoạn kéo mật công phu, mất thời gian, phức tạp nhất. Người nấu mật phải đảo liên tục, đều tay. Khi mật sôi, nếu không kịp vớt váng bọt, làm mật trào sẽ có màu đen, kém thơm ngon. Khi nước mía chuyển qua sền sệt, có màu nâu vàng, công việc nấu mật mới hoàn tất.

Làng mật mía Hà Tĩnh rộn ràng vào vụ Tết - Ảnh 6.

Những ngày cuối năm, người dân làng mật mía Thọ Điền, Vũ Quang lại tất bật vào vụ mật mía Tết. Ảnh: PV

Bà Đoàn Thị Nhàn - Giám đốc hợp tác xã Dịch vụ mật mía Sơn Thọ, cho hay: "Hợp tác xã Dịch vụ mật mía Sơn Thọ thành lập năm 2020, được công nhận là sản phẩm OCOP trong năm. Những ngày cuối năm, chúng tôi phải làm việc hết công suất để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hiện nay, mỗi ngày chúng tôi ép khoảng 4 tấn mía tươi, nấu được khoảng 300 lít mật thành phẩm.

Làng mật mía Hà Tĩnh rộn ràng vào vụ Tết - Ảnh 7.

Những mẻ mật óng vàng, thơm lừng được người dân làng Thọ Điền, Vũng Quang (Hà Tĩnh) cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán. Ảnh: PV

Khi chưa được công nhận sản phẩm OCOP, giá mật mía chỉ đạt 30.000đồng/lít, nhưng sau khi có OCOP giá mật mía tăng lên 60.000đồng/lít, thậm chí có thời điểm lên đến 70.000đồng/lít, nhưng không có để bán. Các hộ gia đình có thu nhập trung bình khoảng 20 triệu đồng/ tháng, có những hộ lên đến 40 triệu".

Làng mật mía Hà Tĩnh rộn ràng vào vụ Tết - Ảnh 8.

Theo anh Nguyễn Văn Dũng (trú tại xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang) mật mía làng Thọ Điền có vị đặc trưng, sánh đặc, vàng thơm, vị ngọt đậm đà. Ảnh: PV

Anh Nguyễn Văn Tuấn (một người chuyên mua mật ở xã Thọ Điền, Vũ Quang), cho hay: "Vào thời điểm cuối tháng chạp, anh thường về xã Thọ Điền và một xã lân cận để thu mật mía. Mật ở đây đặc, thơm ngon, màu sắc đẹp mắt, đảm bảo vệ sinh nên  được mọi người, mọi nhà ưa chuộng. Cứ một chuyến tôi về đây, thu mua khoảng 60 lít mật vừa để nấu chè, làm bánh kẹo và biếu người thân". 

Làng mật mía Hà Tĩnh rộn ràng vào vụ Tết - Ảnh 9.

Sản phẩm mật mía Thọ Điền, Vũ Quang được đóng thành chai để cung ứng ra thị trường. Ảnh: PV

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Điền, cho biết: "Xã Thọ Điền có truyền thống làm mật mía lâu đời, cũng là địa phương duy nhất của huyện Vũ Quang làm mật mía.

Làng mật mía Hà Tĩnh rộn ràng vào vụ Tết - Ảnh 10.

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh trao chứng nhận sản phẩm 3 sao OCOP mật mía Thọ Điền. Ảnh: PV

Vừa qua, trên địa bàn xã có 1 hợp tác xã được chứng nhận sản phẩm 3 sao OCOP cấp tỉnh giúp nhiều thị trường tin tưởng và lựa chọn mật mía Thọ Điền. Trước đây, mật mía chỉ bán với giá 30.000đồng/lít, sau khi là sản phẩm OCOP, giá tăng lên 60.000đồng/lít, người dân làm mật rất vui mừng, phấn khởi".

"Nghề làm mật mía giúp xóa đói giảm nghèo hiệu quả khu vực miền núi. Nếu so với cây hoa màu như: lúa, ngô, lạc… thì thu nhập từ làm mật mía mang lại cao gấp khoảng 4 lần, đầu ra ổn định hơn. Để khuyến khích bà con tăng quy mô, diện tích trồng, làm mật mía, chính quyền địa phương hỗ trợ 500.000đồng/ sào" - ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Điền.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem