dd/mm/yyyy

Hà Nội: Tiểu thương chợ đầu mối Long Biên "khóc dòng" vì giá cam, bưởi quá rẻ, cam đặc sản chỉ 8.000 đồng/kg

Thị trường tiêu thụ giảm 60 - 70%, cam phải chất đống, thậm chí đổ bỏ vì không ai mua. Tiểu thương buồn bã vì cam khó tiêu thụ hoặc phải bán với giá rẻ. Đó là thực tế được Phóng viên (PV) Trangtraiviet ghi nhận được tại chợ đầu mối Long Biên- chợ nông sản lớn nhất của Hà Nội.

Năm 2020, do thời tiết bất thuận, dịch bệnh hoành hành trên cây trồng, đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến cho khâu lưu thông, tiêu thụ bị đứt gãy. Thực tế cho thấy, nhiều nhà vườn đã phải chấp nhận bán cam với giá rẻ.

Để tìm hiểu khó khăn trong khâu tiêu thụ cam trong dịp cuối năm, PV Trangtraiviet đã ghi nhận tại chợ đầu mối Long Biên. Tại đây, nhiều tiểu thương buồn bã khi nói về giá cam tại thời điểm này.

Hà Nội: Cam giá rẻ - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Thắm (áo hồng - vợ ông Doanh) buồn bã khi giá cam xuống thấp, ít người hỏi mua.

Hình ảnh dễ dàng nhận thấy tại chợ đầu mối Long Biên, cam, bưởi được chất đầy các sạp, nối nhau, kéo dài hàng chục mét, nhưng vắng bóng người mua. Không còn cảnh tượng mỗi khi có hàng đổ về chợ cảnh "tranh giành" nhau từng quả như các năm trước.

Chia sẻ với PV, chị Nguyễn Thị Huệ - tiểu thương tại chợ Long Biên cho biết, cam năm nay rớt giá nhiều hơn so với năm ngoái, mà tiêu thụ cũng rất chậm. Chị không dám nhập các loại cam khác, chỉ nhập cam sành Sài Gòn vì giữ được được lâu hơn so với các loại cam khác, bởi vậy, giá bán nhỉnh hơn là 20.000đ/kg.

Theo chị Huệ, cam được chuyển về chợ đầu mối Long Biên đều là cam đặc sản, được trồng ở các vùng nổi tiếng như cam Vinh (Nghệ An), cam Bắc Quang (Hà Giang), cam Cao Phong (Hòa Bình).

Hà Nội: Cam giá rẻ - Ảnh 2.

Không chỉ giá cam tụt giảm, các loại trái cây khác như bưởi, quýt cũng "cùng chung cảnh ngộ".

Quan sát thực tế có thể thấy, chất lượng, mẫu mã cam được bày bán khá đa dạng nên giá bán cũng khác nhau. Những quả cam mã đẹp giá cũng chỉ dao động từ 8.000 đến 15.000đ/kg tùy vào từng loại. Thương lái nhập vào loại đổ xô tại chợ chỉ với giá 2.500đ/kg, còn loại đã chọn lọc là 6.000đ/kg.

Nét mặt rầu rĩ, vợ chồng ông Đỗ Đình Doanh nói: "Trái cam nhìn mọng nước, ngọt sắc do được mùa thế nhưng vẫn ế ẩm. Số lượng tiêu thụ năm nay chậm, ngày thường chỉ tiêu thụ được 2 - 3 tạ cam các loại bao gồm cả bán buôn và bán lẻ. Ngoài trái cam, còn có cả bưởi năm roi ở miền Nam chuyển ra mà cô chú bán chỉ với giá 20.000đ/kg. Các mặt hàng như nho, xoài, táo, bơ thì ổn định hơn một chút".

Theo ông Doanh, tình hình giá cam và các loại trái cây năm nay giảm sâu với so với năm trước, khoảng thời gian này năm ngoái giá cam bán từ 20.000đ/kg – 25.000đ/kg. Mặc dù chất lượng cam thì vẫn như mọi năm.

Ông Doanh là tiểu thương buôn bán tại chợ đầu mối Long Biên đã được hơn 20 năm, nhưng chưa khi nào ông thấy cận Tết mà thị trường tiêu thụ cam, cũng như các loại trái cây khác lại chậm như vậy. Ông Doanh cũng nhận định, từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu, giá cam, quýt vẫn thấp.

Hà Nội: Cam giá rẻ - Ảnh 3.

Cam được bày bán ở chợ đầu mối Long Biên, nhưng vắng bóng người mua.

Ngoài giá cam đang ở mức thấp, thì giá bưởi cũng không vui hơn là bao nhiêu. Nếu như cùng kỳ năm ngoái, bưởi Diễn có giá từ 15.000 - 17.000 đồng/trái thì hiện chỉ còn 10.000đồng/trái.

Theo một số tiểu thương tại chợ đầu mối Long Biên cho biết, thị trường tiêu thụ của mặt hàng hoa quả năm nay so với năm ngoái giảm 60 -70%, mặc dù giá rẻ. Các tiểu thương này cho rằng, do dịch bệnh Covid-19 kéo dài, khiến khâu tiêu thụ nông sản bị ảnh hưởng lớn. Các sản phẩm trái cây chủ lực, nhất là cam, bưởi, thanh long, dưa hấu,… cũng bị tồn đọng hàng.

Một nguyên nhân khác được các tiểu thương tại chợ đầu mối Long Biên chỉ ra khiến giá cam "chạm đáy" đó là, hiện nay nhiều tỉnh cũng đẩy mạnh diện tích trồng cam. Ngoài những tỉnh đã có thương hiệu trồng cam như Hà Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình thì nay, cam từ Sơn La, Bắc Giang, Hưng Yên cũng được chuyển đến chợ đầu mối rất nhiều.

Hà Nội: Cam giá rẻ - Ảnh 4.

Cam Hà Giang được một tiêu tương tại chợ đầu mối Long Biên ghi biển bán với giá 8.000 đồng/kg.

Bà Đỗ Quý, tiểu thương chợ đầu mối Long Biên chia sẻ: "Năm nay ai cũng khó khăn, lượng tiêu thụ không có, cam thì nhiều. Vì khó tiêu thụ các các mặt hàng cam thường xuyên bị ứ đọng, không bán được. Thậm chí, phải đổ bỏ, chất đống ở các xe rác do cam hư hỏng, để lâu ngày không có người mua".

Ghi nhận của PV Trangtraiviet, ngay ở cổng chợ đầu mối Long Biên, rất nhiều gian hàng hoa quả trưng bày bắt mắt, nhưng không thấy người mua. Chị Nguyễn Thị Bằng, tiểu thương tại chợ chia sẻ, cam năm nay được mùa nên giá rẻ lắm, ở đâu cũng chất đống, bán vất vả lắm, thương cho cả người nông dân trồng ra.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), diện tích cây có múi ở các tỉnh miền Bắc trong 10 năm trở lại đây tăng chóng mặt theo cấp số nhân.

Thống kê cho thấy, tổng diện tích cây có múi của các tỉnh miền núi phía Bắc hiện đạt khoảng 121.000 ha, chiếm 47,5% diện tích cây có múi của cả nước. Chỉ trong 10 năm, từ 2009 - 2019, tốc độ tăng trưởng cây có múi bình quân lên tới 10%/năm về diện tích, tương đương 7.300 ha/năm, trên 12% về sản lượng, tương đương 69.400 tấn.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Viện Bảo vệ thực vật cho biết, bệnh Greening và bệnh vàng lá thối rễ cùng gây hại phổ biến ở các vùng trồng cây có múi, gây hại chủ yếu trên giống cam đường canh, những vườn cam đường canh trồng khoảng 5 năm tuổi trở lên thường bị nặng, đặc biệt là những vườn trồng dày nhưng chăm sóc kém hoặc trồng trên chân đất thoát nước kém; trên giống cam Vinh và một số giống khác bị hại nhưng ở mức độ nhẹ hơn. Nông dân chưa phân biệt được bệnh vàng lá thối rễ với bệnh Greening.

Tô Thương